Hồn xoan

Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng...

Trông đã thèm chứ chưa nói là được cưỡi lên nó. Thế mà bây giờ, nó bong tróc hết sơn, trơ bộ khung sắt sét gỉ vàng khè. Không yếm, không đuôi xe. Hai cái lốp mòn trọc lốc tha hồ rung lắc đuổi nhau trên đường làng. Xe ông Khắc đi đến đâu cả làng biết đến đó, ngay cả lúc khởi động.

Minh họa: Đinh Hương

Minh họa: Đinh Hương

Thấy cái dáng cao nghều, lỏng khỏng của ông Khắc đằng sau là vợ trên con xe 81 từ trong ngõ ra, dân làng nói: Vợ chồng ông này đi tập văn nghệ ở nhà văn hóa đây, gớm, sao mà đi sớm thế không biết. Giờ này nhiều nhà vẫn còn ngủ nướng. Của đáng tội, từ trong Tết tới giờ, đại dịch Covid -19 đã làm họ bó chân bó cẳng. Vợ chồng ông đành ngồi nhà ngao ngán, đàn hát với nhau.

Hội Đền Hùng đến nơi rồi mà phường xoan chả tập tành được gì! May quá, ti vi thông báo dịch ở nhiều nơi đã được kiểm soát tốt. Tuy thế, vẫn phải thực hiện tốt 5K. Hội Đền Hùng năm nay cũng giống năm ngoái. Chỉ tổ chức tế lễ, không tổ chức phần hội. An toàn là trên hết.

Không được giao lưu hội diễn cấp tỉnh thì làng mình tổ chức giao lưu các xóm với nhau. Ngày hội mà không được hát xoan thì chán lắm. Ông điện thoại cho mọi người trong phường hát báo họ sáng nay tập trung để ôn luyện. Vợ chồng ông sốt sắng, hào hứng đi sớm là phải.

Hơn năm mươi tuổi nhưng trông ông Khắc có vẻ khá già. Ai mới gặp thường đoán ông ngoài sáu mươi. Người ông cao ráo, lưng dài. Những mét bảy ba cơ mà. Dáng ấy hồi trẻ chơi bóng chuyền, cây đập là cái chắc. Chỉ tiếc là nông thôn quê mùa, lo ăn còn chưa đủ ai còn nghĩ đến chuyện bóng bánh? Chả biết do ăn uống thiếu chất hay do tạng người mà ông Khắc chả béo ra được.

Lúc nào ông cũng gầy nhẳng gầy nhơ. Chân tay ông lòng khòng. Lúc ngồi, đầu gối ông quá tai, đôi tay thừa ra như tay vượn. Trông lạ lắm. Cả khuôn mặt của ông cũng dài. Đã thế, ông lại để tóc rậm trùm kín gáy rồi buộc túm lại như cái đuôi gà, rất nghệ sĩ.

Ông Khắc hay cười. Đôi tai ông cũng lạ. Nó như hai cái mộc nhĩ cỡ đại đặt cân đối ở hai bên đầu ông. Vành tai mỏng, luôn hồng hào, hướng về phía trước. Đó là tai đựng của. Chẳng biết đựng được nhiều của không nhưng nó rất thính, đặc biệt trong việc thẩm âm.

Ông Khắc có giọng nói khá đặc biệt. Khi sang sảng như triết gia hùng biện. Lúc lại the thé như đàn bà. Lúc khác lại rì rầm thủ thỉ. Khắc mê nhạc từ nhỏ, hễ ở đâu có kèn trống, đàn sáo là đến, kể cả đám ma. Khắc chầu rìa xem người ta chơi đàn, kéo nhị, thổi sáo. Đôi mắt Khắc sáng lên, lòng dạ rạo rực, chân tay gõ gõ theo nhịp nhạc. Đầu ông lắc lư, rồi bắt chước. Ông về tiện ống nứa làm sáo, chặt đoạn tre, lấy vỏ ống bơ, dây phanh xe đạp làm đàn bầu. Rồi “sòn sòn sòn đô sòn”. Rồi “nhà bà có mấy cô”.

Rồi “tềnh là tềnh, leng í lại là leng”... Mới đầu còn tò te tí, ư ử, ề à. Về sau, ngọt dần, réo rắt, nỉ non ra phết. Chỉ nghe lỏm, học mót thôi mà ông Khắc đánh bài nào ra bài ấy. Lại chơi được khá nhiều loại nhạc cụ nữa. Kèn trống, nhị hồ, đàn sáo... Riêng khoản gõ trống thì ông siêu rồi. Nhìn động tác vung dùi, gõ trống, nghiêng bên nọ, ngả bên kia, lúc ngửa người ra đằng sau, khi lại nhao về phía trước của ông thì ai cũng mê.

Hứng chí, ông tung dùi trống lên cao, đảo tay bắt lấy rồi vẫn vào nhịp như thường. Khua tang cắc cắc. Gõ mặt tùng tùng. Khuôn mặt ông hớn hở. Đôi mắt như cười. Tiếng trống “tùng tùng cắc cắc” hòa với tiếng hát “tềnh tềnh leng leng” của “đào” của “kép” nghe thật sướng.

Nhạc cụ cho hát xoan duy nhất chỉ có trống. Một chiếc trống cái giữ nhịp còn lại là trống cơm, song loan. Nhìn cách gõ trống tưởng là đơn giản, vậy mà khó ra phết. Làn điệu nào có cách gõ của làn điệu ấy. Trống cái cầm chịch trầm hùng vang xa. Dàn trống cơm tom tom, múa song loan lách cách hòa cùng. Tiền hô, hậu ủng rộn rã. Vui nhộn nhất là điệu trống quân mó cá. Nhịp trống thúc nhanh dần. Vũ điệu theo đó cũng tăng theo. Trai gái hát múa úp nơm xoay vòng làm động tác bắt cá tóm cả vào tay nhau mà cười rinh rích.

Chẳng những ông Khắc có đôi tai nhạy cảm, mười ngón tay thon đầy vân hoa mà ông còn sở hữu một giọng hát trời phú. Nghe ông hát đến người khó tính nhất cũng phải há hốc mồm mà nghe. Thôi thì ca mới, cải lương, chèo, tuồng, quan họ, xoan ghẹo... loại nào ông hát cũng ngọt lịm, êm ru. Từ ngày hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, ông Khắc chuyên tâm hẳn vào dòng này.

Giời cho ông Khắc nhiều tài lẻ vậy nhưng đường công danh sự nghiệp thì lận đận quá. Mấy năm trong quân ngũ, ở đội tuyên văn sư đoàn, tưởng sẽ nâng cấp thành đoàn văn công, nào ngờ đội tuyên văn thu gọn lại thành đội ca nhạc xung kích. Sau đó thì đội giải thể vừa đúng lúc ông hết nghĩa vụ quân sự.

Trở về quê hương, ông leo dần từ chân kẻ vẽ pano áp phích, diễn viên trong các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng lên làm chân cán bộ văn hóa xã. Rồi đùng một cái, xã không sử dụng nữa vì hắn mải theo hội hè hò hát. Nhiều hội nghị tìm mãi không thấy ông đâu vì còn mải “giao lưu văn nghệ” tận cuối huyện.

Hồi bố ông còn sống, ông ấy thất vọng về Khắc. Lẽ ra, hắn phải theo đường công danh, làm cán bộ, đằng này lại đi theo cái nghiệp “xướng ca vô loài”(!). Giá bảo ở đoàn văn công hay nhà hát nọ kia còn được, đằng này lại đi làm cái thằng nghiệp dư! Rõ chán! Ông tự trách mình đã đặt tên con là Khắc. Đúng là khắc khổ. Thế nhưng Khắc lại thích. Vợ Khắc cũng vậy, theo hắn tham gia phường xoan. Hồi trẻ thì Khắc hát, múa. Khi có tuổi, thành ông trùm, chuyên gõ trống cầm chịch cho phường hát. Vợ Khắc thành người “huấn luyện” các “quả cách” cho lớp trẻ. Nhiều tối, nhà Khắc rộn tiếng trống và tiếng hát xoan. Chỉ có hai vợ chồng tập với nhau thôi mà rộn ràng cả xóm, họ cứ “tềnh tềnh, leng leng”, đố huê cùng đố chữ…

Phong trào hát xoan, hát ghẹo cũng thăng trầm muôn nỗi. Thời Pháp thuộc, các cụ tiếng vậy nhưng rất sành điệu. Ca trù, hát chèo, tuồng cổ, xoan ghẹo… dòng nào cũng nổi. Mỗi nơi mỗi thế mạnh. Đến thời hợp tác xã, do được bao cấp nên hoạt động này càng được nâng cao. Hợp tác nào cũng có đội văn nghệ. Tiếng hát át tiếng bom. Xoan ghẹo cũng tưng bừng ra trận. Khắc lúc đó còn bé chứng kiến được điều này.

Khi “thanh niên hoi” thì anh đã là một diễn viên cứng của đội văn nghệ làng. Sang thời kinh tế thị trường, phong trào xoan ghẹo giảm sút. Nhiều lúc tưởng chừng như mất hẳn. Thanh niên đua đòi hip hop, rap, rock. Trung niên, cao niên thì mải làm kinh tế. Chỉ có vợ chồng ông Khắc là vẫn chung tình với xoan. Đến khi, xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp người ta mới lại chú trọng đến nó. Phong trào được gây dựng trở lại. Rồi xoan thoát khỏi “cần được bảo vệ khẩn cấp” thành di sản văn hóa của nhân loại thì ai ai cũng mừng. Mừng nhất làng Cổ Cò có lẽ là vợ chồng ông Khắc.

Ông Khắc được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Danh đã có, ông càng hứng khởi thăng hoa. Chỉ tiếc là bố ông đã mất không được chứng kiến giây phút ông nhận danh hiệu ấy. Phong trào hát xoan của làng Cổ Cò từ đó càng tưng bừng. Vừa là ông trùm, vừa đánh trống cái, ông Khắc vừa là đạo diễn, biên đạo cho phường hát.

Vợ chồng ông còn được nhà trường mời đi dạy hát xoan cho học trò nữa. Không hội Đền Hùng nào là phường hát của vợ chồng ông không tham gia và không đạt giải tỉnh. Ấy vậy mà tại con Covid, hội năm ngoái, rồi hội năm nay nữa, phường hát của ông không được thi thố thể hiện. Không tụ hội cấp tỉnh được thì phường ông hát với nhau. Bỏ xoan thế nào được.

Vợ chồng ông Khắc tới nơi thì đã có mấy người đến trước đó rồi. Thì ra, họ cũng sốt ruột, náo nức xoan ghẹo như ông. Mọi người chào hỏi nhau rối rít. Không tụ tập quá ba mươi người. Phường hát ông đi đủ có hai sáu người. Vậy là tốt. Ai cũng khẩu trang. Mấy cái pa no tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp treo dọc đường và trên tường nhà văn hóa càng làm cho ông Khắc phấn chấn.

Hôm này, hội Đền Hùng và ngày bầu cử nữa, dứt khoát vợ chồng ông, phường hát của ông phải hát xoan mới được. Không thành buổi biểu diễn thì hát qua hệ thống truyền thanh xã, live stream trên Internet. Lo gì. Đời là phải vui. “Tềnh là tềnh, leng ấy lại là leng”. Thế thôi! Ông Khắc tủm tỉm cười một mình rồi huýt sáo điệu “đố huê”.

Tháng Ba âm lịch, tiết trời đỏng đảnh. Khi se sắt rét, lúc bừng nắng lên. Người áo cộc, kẻ áo len… Thú vị lắm. Lúa ngoài đồng đang thì con gái, trông mát mắt. Nhãn, vải, xoài năm nay có lẽ được mùa. Hoa nhiều lắm. Bướm ong bay lượn vo ve từng đàn. Quả non đậu từng chùm như những hạt ngô, hạt gạo trên cành trông thích thật. Lát nữa phải tập lại mấy “quả cách hát thờ” cho nhuyễn, cho hay để hôm này về miếu Lãi Lèn xin Vua Hùng, xin Thánh phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình yên, dân an quốc thái.

Vừa lúc đó, mọi người đã tới đủ. Buổi tập hát của phường xoan bắt đầu. Ông Khắc vung dùi trống lên. Túm tóc đằng sau gáy ông ngúc ngoắc. Hai tay ông nghều ngào múa. Đôi mắt ông long lanh. Tất cả vào vị trí. Tiếng hát cất lên theo nhịp trống.

Lũ chim trên cành ngơ ngác lặng đi giây lát rồi thi nhau hót. Gió xuân mơn man rì rào. Phía xa kia, núi Hùng xanh thẫm nổi bật trên nền trời. “Tềnh là tềnh, leng ấy lại là leng”… Đoàn người vừa vung tay, nhún chân, vừa lượn vòng múa hát theo nhịp trống. Tất cả như lên đồng thả hồn theo điệu xoan…

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/357128/hon-xoan.html