'Hồng Đức quốc âm' vọng đến ngày hôm nay

Các tác giả 'Hồng Đức quốc âm' đều là những nhà quý tộc, quan lại mà cao nhất là vua (Lê Thánh Tông), nhưng lại viết về những cảnh vật rất bình dân một cách sinh động. Điều này cho thấy một giá trị văn hóa ở tập thơ là tinh thần dân chủ thật đáng quý: vua quan sống, suy nghĩ như dân, dân nghèo lại sống theo phong cách vua quan.

Những câu chuyện đêm Ba mươi Tết nhà vua “vi hành” tặng câu đối cho dân nghèo có thể không phải là giai thoại mà là chuyện thật, vì như ta thấy hình ảnh người đánh cá, người ăn mày… trong tập thơ cũng đều có “khí tượng đế vương”. Thời nay mà lại có “quan nha” sống như trên trời xa cách hàng ngàn lần dân nghèo, lại càng thấy thời ấy là lý tưởng!!!

Lê Thánh Tông - vị vua thân dân.

Lê Thánh Tông - vị vua thân dân.

Một cảnh lao động thật gần gũi, êm đềm: “Đầu ngàn êu ểu cỏ xanh om/ Thả thả chăn chăn ít lại nom/ Mũi nghé lui chân đứng nhảy/ U trâu vịn cật ngồi khom” (Vịnh người chăn trâu). Bài thơ tả thực: đám trẻ thả trâu ăn ngoài bãi rồi bỏ đi chơi, sợ trâu lạc nên thỉnh thoảng lại chạy ra xem (ít lại nom). Khi ra cưỡi trâu thì lùi lại trước mũi, trèo lên đầu trâu rồi nhảy lên lưng… Không quan sát tinh không thể có cách miêu tả cụ thể như vậy.

Điều rất đáng quý là giá trị người lao động được đề cao tới mức gần như tuyệt đối, ngang tầm với vũ trụ: “Diệt, vắt, tay cầm quyền tướng súy/ Thừa lưa thóc chứa lộc công khanh/ Công A Hành đến trời biếc/ Tiết Tử Lăng còn núi xanh” (Vịnh người đi cày).

“Diệt, vắt” là hiệu lệnh của người cày hướng trâu đi sang trái (diệt) hay phải (vắt). Người cày được nhìn như là vị “tướng súy” cầm quân, công lao sánh ngang A Hành (tức Y Doãn nhà Thương) có sự nghiệp hiển hách cao như trời xanh; có phẩm chất tiết tháo ngang Tử Lăng (tức Nghiêm Quang nhà Đông Hán) cao cả như núi lớn. Thậm chí có bài (Họa bài người đi cày) người nông dân còn được coi là người sắp xếp lại đất đai, cải biến lại vũ trụ.

Thời nào cũng vậy, biết trân trọng người lao động thì trước hết đó là những con người tử tế - một phẩm chất mang tính cơ sở, tiền đề của một nhân cách! Cách so sánh làm bật toát lên niềm tự hào: người dân cày xứ ta cũng sánh ngang hàng với những danh nhân xứ Trung Hoa rộng lớn!

Phê bình sinh thái hiện đại coi sự hòa nhập vào tự nhiên, sống cùng/ trong tự nhiên là một nét nhân tính. Nếu vậy thì thơ Hồng Đức đậm đà tinh thần nhân văn, tính từ trước đó, xét trong văn học viết, chỉ sau Nguyễn Trãi. Hẳn nhiên không chỉ là viết nhiều, viết hay, còn là sự miêu tả với thái độ tri ân, trân trọng, biết ơn tự nhiên.

Thuở giá lui, đầm ấm lại/ Kho đầy phong nguyệt của nhà ta” (Hoa), “giá” là giá rét (mùa đông) đi qua thì không gian ấm áp, tươi tắn (của mùa xuân) trở về. Nhưng ý thơ hướng đến là nói về tinh thần sở hữu tự nhiên ở câu sau, coi tự nhiên như là cái kho nhà mình, đầy đủ, phong lưu, sẵn dùng. Vũ trụ thiên nhiên “vô tận” cũng chấp nhận điều đó một cách tự nhiên nhất: “Trong kho vô tận đòi dùng đủ/ Ấy gió thừa ưa cũng của hằng” (Nguyệt). Con người và tự nhiên thống nhất, hài hòa, “tự nhiên” có “thừa ưa” thì người cũng chỉ “đòi dùng đủ” mà thôi.

Tại sao hôm nay con người ta không được như ngày ấy, lại tham lam quá đáng lạm dụng tự nhiên, để tự nhiên nổi giận?!

Có rất nhiều bài với ý thơ vui vẻ, phóng khoáng, cảnh vật tươi tắn, xôn xao. Con người cùng nhau giao hòa, người hòa với cảnh, cảnh lại như trêu người: “Trời muôn trượng thẳm làu làu sạch/ Nguyệt một vầng in vặc vặc trong/ Quyến khách thơ ngâm lòng phới phới/ Ghẹo người chuông nện tiếng boong boong” (Tháng Tám).

Thiên nhiên tô điểm cho cuộc sống “thế giới tiên” ấy thêm tươi đẹp, vui vẻ, ấm áp, hài hòa, sinh động, tự do, thân ái: “Đường hoa chấp chới tin ong dạo/ Dặm liễu thung thăng sứ điệp truyền” (Lại vịnh cảnh mùa xuân), và: “Liễu vẽ mày xanh oanh chấp chới/ Mai tô má phấn bướm xun xoăn” (Vịnh cảnh mùa xuân).

Có xuất hiện hình ảnh “công đường” vốn gắn liền với ý niệm về luật pháp, chính quyền nhưng ở đây cũng “tự nhiên” tuyệt đối, thanh bình tuyệt đối: “Ngoài cửa đùn đùn tan bóng trúc/ Công đường thay thảy phủ màn hòe” (Lại vịnh cảnh mùa hè). Thiên nhiên lại hòa nhập với thiên nhiên cùng bảo vệ nhau, che chở: “Cá ngỡ câu chìm xui bạn lánh/ Chim ngờ cung bắn bảo nhau bay” (Lại vịnh trăng non).

Đền thờ vua Lê Thánh Tông.

Đó là thế giới mẫu mực lý tưởng của sự hài hòa con người, tạo vật!

Xin nhấn mạnh thêm về phương diện mỹ học chủ thể ở cái nhìn hóm hỉnh mà trân trọng thương mến con người: “Đùn đùn mây họp cháu con lắm/ Ngần ngật dù che dòng dõi sang/ Ca ngợi ả Tây lừng thủy quốc/ Mặt bằng Lang sáu đượm thiên hương” (Lại vịnh sen).

Cách miêu tả thiên nhiên bằng từ ngữ miêu tả con người (Đùn đùn mây họp cháu con lắm) cho thấy một quan niệm thiên nhiên như con người, tương hỗ, hài hòa. “Mây họp cháu con” lại để làm “dù” che cho (hoa) sen.

Đến hai câu sau thì “sen” và “người” lại hòa làm một trong điển tích. “Ả Tây” tức Tây Thi, người tuyệt đẹp đời Xuân Thu thường hay hái hoa sen (nên càng đẹp thêm). “Lang sáu” (có từ âm Hán Việt gọi là “Lục Lang”) lấy từ tích chàng trai Tương Xương Tông (thời Đường) được Vũ Tắc Thiên sủng ái gọi là Lục Lang.

Có người khen mặt Lục Lang đẹp như hoa sen nhưng Tắc Thiên Hoàng hậu lại cho rằng nói hoa sen đẹp như mặt Lục Lang mới đúng! Không biết cái đẹp nào là chuẩn mực thẩm mỹ cho cái đẹp nào, chỉ biết cả hai cùng rất đẹp, ánh xạ vào nhau, nâng đỡ nhau.

Sự hài hòa, thống nhất đến tuyệt đối giữa thiên nhiên và con người được miêu tả một cách hóm hỉnh tạo nên một “đặc sản” nghệ thuật riêng của thơ Hồng Đức: “Lều tiện ba gian trải nắng sương/ Thấy trời dòm xuống biết trời thương/ Dồi dào đã được nhờ ơn nước/ Soi tới càng thêm tỏ bóng gương/ Đêm có ả trăng làm bạn cũ/ Ngày thì dì gió quét bên giường/ Lại còn một vẻ thanh quang nữa/ Ngọc lộ đầy mâm để uống thường” (Nhà dột).

Câu đầu tả thực. Các câu sau tả cách điệu: nhà dột đến mức thủng thành khe, thành lỗ, ánh sáng chiếu vào thì lại coi đấy là “trời dòm”, “trời thương”; nước mưa chảy xuống thì coi là “ơn nước”… “Ngọc lộ” là giọt sương, theo quan niệm xưa, sương rất quý, là tinh hoa của trời đất, có tích vua Vũ nhà Hán dựng đền tạc tượng người tiên tay bưng mâm hứng sương để hòa với tinh hạt ngọc mà uống mong được trường sinh. Vậy mà (nay) nhờ nhà dột nên sương xuống đầy mâm, tha hồ... uống! Như thế thì thực là còn giàu sang, phú quý hơn cả vua Hán. Bài thơ là cái nhìn ngộ nghĩnh, vui hóm, lạc quan hiếm gặp trong thơ trung đại.

“Hồng Đức quốc âm” là thế giới về loài vật và sự vật rất đỗi thân quen. Điều này cho thấy các tác giả phải rất bình dân, gần cuộc sống, hiểu cuộc sống thường ngày. Về loài vật, các con vật được miêu tả là con rận, con kiến, con cóc, con muỗi, con gà… Về sự vật, là cái nón, cái quạt, cái ấm, cái đó, cái cối xay, cái diều, nhà dột, cây chuối, quả dưa, cây tre, cây me, rau cải, khoai, bếp, cái rế, ông đầu rau… Có nghĩa là những đề tài có trong cuộc sống dân dã, tầm thường nhất.

Ở đây nên đặt một đối sánh, khi mà “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết núi, sông” mà thơ thời Hồng Đức cách nay gần 600 năm đi vào những đề tài giản dị ấy càng cho thấy đó là một cuộc cách mạng thực sự về đối tượng miêu tả.

Sự vật rất sinh động nhờ dùng tính từ cực tả: “Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi/ Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè” (Lại vịnh nắng hè 3). Câu đầu rõ ra cái không khí ngày hè nước nóng đến mức cá rô phải “trỗi” lên trên mặt nước. Nhờ khai thác nhấn vào những nét mang tính đặc trưng riêng biệt, ngộ nghĩnh mà sự vật sống động hẳn lên: “Bẻo lẻo đầu ghềnh con bố cốc/ Lênh đênh mặt nước cái đè he” (Nắng hè). “Bố cốc” tức chim tu hú thường kêu vào đầu hè để nhắc người dân cấy lúa (bố cốc). “Cái đè he” tức cá he mình to, dài, đầu giống đầu lợn, sống ở biển, mùa hè thường nổi từng đàn.

Nhờ có sự tri âm, thấu hiểu đối tượng miêu tả nên người đọc như thấy được tình người trong thơ. Phải có một tình thương mới nhìn thấy, nghe thấy và có cách dùng những tính từ này: “Đậu lá võ vàng con bướm bướm/ Ấp cây gầy guộc cái ve ve” (Lại vịnh nắng hè 1). Câu thơ được đảo trang để nhấn mạnh trạng thái: “Khắc khoải đã đau lòng cái cuốc/ Băn khoăn thêm tức ngực con ve” (Lại vịnh nắng hè 2). Người đọc không chỉ cảm thấy con cuốc khắc khoải, con ve băn khoăn mà cả chủ thể nhà thơ cũng băn khoăn khắc khoải!

Văn chương chỉ có thể sống mãi khi nó trở thành mẫu số chung của cộng đồng. “Hồng Đức quốc âm” xứng đáng được như thế!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hong-duc-quoc-am-vong-den-ngay-hom-nay-610187/