Hong Kong muốn xóa sổ 'nhà quan tài'

'Nhiều cư dân Hong Kong phải chờ mỏi mòn để thoát khỏi điều kiện sống tồi tệ và đã từ bỏ. Cuối cùng, họ đợi cái chết trong các căn hộ chia nhỏ', một nhân viên xã hội cho biết.

Cindy Lu cuối cùng đã bỏ lại những ngày tháng sống trong không gian chật chội sau 10 năm dài chờ đợi.

Bà nội trợ 37 tuổi chuyển đến căn hộ cho thuê công cộng ở Kwai Shing East vào tháng 10 năm ngoái cùng chồng (39 tuổi) và 3 con.

Căn hộ hơn 40 m2 của họ có một phòng khách và 3 phòng ngủ, giá thuê khoảng 2.500 HKD/tháng (320 USD).

“Cuối cùng, tôi không phải lo lắng về chuột, gián hay trần nhà bị dột khi trời mưa. Tôi cũng không cần lo sợ tiền thuê nhà tăng hoặc bị đuổi ra khỏi chỗ ở bất cứ lúc nào”, cô nói.

Trước đó, gia đình Lu phải trả 4.200 HKD/tháng để thuê căn hộ chia nhỏ chỉ hơn 9 m2 ở Kwai Chung. Nơi này trở nên bí bách hơn trong đại dịch Covid-19, khi cả 5 thành viên đều ở nhà, theo SCMP.

Họ chỉ có thể sống trong không gian nhỏ hẹp như vậy vì không thể kham nổi với thu nhập khoảng 10.000 HKD/tháng từ việc làm công nhân xây dựng của người chồng.

Một dự án nhà ở công cộng tại khu dân cư Fanling. Ảnh: Felix Wong.

Nhà cho thuê công cộng là hy vọng duy nhất của gia đình Lu để có điều kiện sống tốt hơn. Họ nộp đơn vào năm 2011 và phải đợi một thập kỷ cho tới khi nhận tin vui vào năm ngoái.

“Sự chờ đợi và đấu tranh dường như kéo dài vô tận. Hiện tại, tôi mong muốn cuộc sống ổn định và an toàn. Cuối cùng thì cũng được ở nơi giống như là nhà”, Lu nói.

Chờ đợi mòn mỏi

Hơn 220.000 người sống trong khoảng 110.000 căn hộ chia nhỏ - những ngôi nhà chật chội và tồi tàn nhất ở Hong Kong. Họ mong muốn có được chỗ ở tốt hơn.

Theo báo cáo do Cục Nhà ở và Giao thông công bố tháng 3/2021, gần một nửa hộ gia đình trong các căn hộ chia nhỏ đã nộp đơn đăng ký thuê nhà công cộng.

Cuộc khảo sát của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy khoảng 7/10 trong số 2.108 người sống trong các căn hộ chia nhỏ không biết họ sẽ ở đó bao lâu. Số còn lại dự kiến ở lại trung bình khoảng 4 năm.

Các nhân viên xã hội cùng chuyên gia cho rằng giá mua và thuê căn hộ tư nhân tăng chóng mặt, tình trạng thiếu nhà ở công cộng giá cả phải chăng cũng như thiếu hỗ trợ từ chính phủ, xã hội khiến nhiều người không thể thoát khỏi điều kiện sống kém chất lượng.

Đối với nhiều người, nhà cho thuê công cộng là giải pháp duy nhất để cải thiện môi trường sống, nhưng việc chờ đợi có thể kéo dài rất lâu.

Một cư dân lớn tuổi tại đơn vị chia nhỏ của mình ở Sham Shui Po. Ảnh: Edmond So.

Hong Kong có 844.078 căn hộ cho thuê công cộng vào cuối tháng 3 với khoảng 2,2 triệu người ở.

Tính đến tháng 3, có khoảng 147.500 đơn xin thuê nhà ở công cộng từ các gia đình và người cao tuổi với thời gian chờ đợi trung bình 6,1 năm. Trong số 97.700 người độc thân và chưa già cũng nộp đơn, nhiều cá nhân đã chờ đợi hàng thập kỷ.

“Tôi già đi trong những không gian chật chội này và có thể sẽ chết ở đó”, Jane (47 tuổi), người phụ nữ độc thân sống trong các căn hộ chia nhỏ khoảng 30 năm, nói.

Bà rời bỏ căn hộ cho thuê công cộng của cha mẹ vào năm 18 tuổi và chuyển nhà khoảng 8 lần trong những năm qua, mỗi khi chủ nhà bán tài sản hoặc tăng tiền thuê.

Với mức lương 10.000 HKD/tháng từ công việc nhân viên bán hàng, đây là tất cả những gì Jane có thể trang trải. Bà từng trả 2.000 HKD/tháng cho căn hộ chia nhỏ gần 19 m2, nhưng giờ phải tiêu tốn 4.200 HKD cho nơi ở chỉ 9 m2 tại Sham Shui Po.

Nơi ở hiện tại của Jane chỉ đủ chỗ kê giường đơn, bàn và tủ lạnh. Bà lo lắng chủ nhà có thể tăng tiền thuê và mình sẽ phải chuyển đi lần nữa.

Jane đăng ký căn hộ cho thuê công cộng vào năm 2005 nhưng không biết có được duyệt hay không. Sự chờ đợi vô tận khiến bà cảm thấy bất lực và hụt hẫng.

Một cư dân sống trong khu nhà chuyển tiếp ở Mong Kok trong khi chờ đợi được chuyển vào căn hộ cho thuê công cộng. Ảnh: Nora Tam.

Từ lâu, các nhân viên xã hội đã thúc giục chính quyền xây dựng thêm nhiều căn hộ cho thuê công cộng để đáp ứng nhu cầu.

Sze Lai-shan, Phó giám đốc của Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng (SoCO), cho biết: “Một số cư dân đã chờ đợi lâu đến mức già đi và từ bỏ. Họ chờ đợi cái chết trong các căn hộ chia nhỏ”.

Tháng 10/2021, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho biết chính quyền đã dành khoảng 350 ha để xây dựng 330.000 đơn vị nhà ở công cộng trong thập kỷ tới.

Bà nói thêm 5.000 căn nữa sẽ được bổ sung vào nguồn cung nhà ở chuyển tiếp, tạo ra tổng số 20.000 căn trong những năm tới cho những người sống trong điều kiện tồi tệ trong khi chờ đợi chuyển vào căn hộ cho thuê công cộng.

Tính đến tháng 5, có 4.484 đơn vị nhà ở chuyển tiếp với khoảng 6.000 người ở.

Chính quyền thành phố cũng trợ cấp cho các tổ chức phi chính phủ thuê khách sạn và nhà khách phù hợp để sử dụng làm nhà ở chuyển tiếp. Theo đó, người dân phải trả 2.000-6.000 HKD/tháng và có thể ở lại đến 2 năm.

Tuy nhiên, Sze của SoCO cho biết những căn hộ sạch sẽ, có cửa sổ và được quản lý tốt như vậy vẫn còn quá thiếu và có hàng nghìn căn trong danh sách chờ.

Lo lắng và lạc quan

Dự luật kiểm soát việc thuê nhà mới được Hội đồng Lập pháp thông qua năm ngoái có hiệu lực vào tháng 1, trong đó, hạn chế việc tăng giá thuê và phí tiện ích.

Tuy nhiên, người thuê và các nhóm quan tâm cho biết vẫn chưa có nhiều cải thiện. Nhiều cư dân vẫn bị tính phí điện nước quá cao. Một số chủ nhà thỏa thuận miệng thay vì ký hợp đồng cho thuê bằng văn bản để lách quy định.

Họ cũng chỉ trích các nhà chức trách vì không can thiệp và xử lý trường hợp vi phạm.

Hàng loạt kế hoạch khác của chính quyền cũng được đưa ra nhằm cải thiện điều kiện sống của những người đang chờ đợi các căn hộ cho thuê công cộng.

Một trong số đó là Chương trình Thử nghiệm Trợ cấp Tiền mặt, được khởi động vào tháng 6/2021, cung cấp các khoản trợ cấp từ 1.300 HKD đến 3.900 HKD/tháng cho các hộ gia đình đã chờ nhà cho thuê công cộng hơn 3 năm. Khoảng 90.000 hộ gia đình dự kiến được hưởng lợi.

Các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội khác cũng cung cấp sự trợ giúp.

Nhiều gia đình có thu nhập thấp đã chờ đợi cả thập kỷ để có nhà ở công cộng. Ảnh: Felix Wong.

Trong khi các kế hoạch khác nhau được hoan nghênh, câu hỏi chính là liệu Hong Kong có thể đáp ứng mục tiêu của Bắc Kinh là loại bỏ các căn hộ chia nhỏ và “nhà lồng” vào năm 2049 hay không.

Đây là mục tiêu do Xia Baolong, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Hội đồng Nhà nước, đặt ra cho các nhà quản lý của thành phố đạt được vào năm 2049.

Peace Wong Wo-ping, Giám đốc nghiên cứu và vận động chính sách của Hội đồng Dịch vụ xã hội Hong Kong - liên đoàn các cơ quan dịch vụ xã hội phi chính phủ, cho biết sự tồn tại của các đơn vị chia nhỏ phản ánh những vấn đề của thị trường nhà ở của thành phố, bao gồm cả sự thiếu hụt cung, thiếu điều tiết và không có khả năng đáp ứng nhu cầu sống của người có thu nhập thấp.

Ông nói rằng chính quyền thành phố sẽ cần nỗ lực và kiên quyết để giải quyết vấn đề này. “Nếu thành công, tất cả người dân, cả giàu lẫn nghèo, sẽ đạt được tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu”.

Tuy nhiên, Tang Po-shan, thành viên của Diễn đàn Liên quan đến các căn hộ chia nhỏ ở Hong Kong, cảnh báo việc loại bỏ các căn hộ chia nhỏ có thể làm phát sinh nhiều hình thức nhà ở thiếu thốn khác với điều kiện sống kém.

Ông nói rằng chính quyền không chỉ nên loại bỏ những thiết kế như vậy mà còn phải tái định cư cho các hộ gia đình. “Chìa khóa là cải thiện môi trường sống và chất lượng của cư dân”.

Trong khi đó, TS Lawrence Poon Wing-cheung, giảng viên cao cấp tại bộ phận khoa học và công nghệ xây dựng của ĐH City, lạc quan rằng mục tiêu có thể đạt được trước năm 2049.

“Ở thành phố có nền kinh tế phát triển cao như Hong Kong, việc có những đơn vị chia nhỏ như thế này là không thể chấp nhận được mà phải xóa sổ chúng”, ông nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hong-kong-muon-xoa-so-nha-quan-tai-post1325227.html