Hồng Kông tham vọng điện hóa toàn bộ các phương tiện giao thông

Hồng Kông dự định sẽ xóa bỏ tất cả các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch trong 10 - 20 năm tới.

Xe taxi lai điện của Toyota mới được giới thiệu tại Hồng Kông

Xe taxi lai điện của Toyota mới được giới thiệu tại Hồng Kông

Loại bỏ hoàn toàn phương tiện công cộng như xe bus, dịch vụ taxi, phà chạy bằng xăng, thay bằng phương tiện chạy bằng điện, là mục tiêu được chính quyền thành phố Hồng Kông chính thức đặt ra từ cuối năm 2019, dự định hoàn thành trong 20 năm tới. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Inchcape Greater China - công ty taxi chủ chốt tại thành phố đặc khu, kế hoạch này là không tưởng.

Kế hoạch loại bỏ xe chạy xăng, dầu trong 20 năm tới

Theo thông báo từ người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hồng Kông, ông Wong Kam-sing, đặc khu hành chính của Trung Quốc dự định sẽ xóa bỏ tất cả các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch trong 10 - 20 năm tới. Đồng thời chuyển những phương tiện giao thông công cộng, thương mại sang loại sử dụng điện để cải thiện chất lượng không khí.

Hồng Kông từng được coi là một tấm gương sáng đối với nhiều nước trên thế giới về giải quyết vấn đề ô nhiễm, đưa thành phố từng khủng hoảng vì ô nhiễm khoảng 10 - 15 năm trước trở thành thành phố sạch hơn và đáng sống hơn. Cách mà Hồng Kông tiến hành là kiểm soát tàu thuyền vào cảng (bắt buộc các phương tiện phải sử dụng động cơ, nhiên liệu không phát thải độc hại), đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng, thực hiện các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu…

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, tại Hồng Kông, dù mức độ tập trung của các vật chất ô nhiễm bao gồm các bụi mịn PM10 và PM2.5, khí thải SO2 và NO2 đã giảm tương đương 57%, 54%, 74% và 17% trong năm 2018 so với mức ở năm 1999 nhưng mức độ tập trung khí NO2, nguyên nhân gây ra ung thư phổi vẫn rất cao. Và chiến lược điện hóa toàn bộ phương tiện giao thông công cộng và thương mại vừa được Hồng Kông đưa ra dự kiến sẽ giải quyết nốt vấn đề này.

Một số kế hoạch được chính quyền đặc khu đưa ra như: Tung các gói khuyến khích để tăng cường xây dựng thêm trạm sạc cho xe hơi điện cá nhân, lập kế hoạch giúp đỡ các hãng taxi, xe tải thương mại chuyển sang xe dùng điện.

Đặc biệt, ngành taxi còn đòi hỏi chính quyền phải xây dựng thêm một hệ thống nhà ga sạc nhanh có thể cung cấp năng lượng cho xe trong thời gian dưới 2 tiếng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hồng Kông đã triển khai kế hoạch xác định các địa điểm phù hợp để phát triển trạm sạc nhanh cho taxi điện.

Ngoài ra, thành phố còn mở rộng quy mô đối với Quỹ Giao thông Xanh, trợ cấp các phương tiện thương mại và công cộng chuyển đổi sang xe phát thải thấp, cho phép quỹ hỗ trợ từ 200 lên tới 1.000 xe tải điện loại nhỏ.

Kế hoạch này được áp dụng với cả xe mini-bus vốn được coi là biểu tượng của thành phố. Đối với đường thủy, cơ quan môi trường cho biết, chính quyền Hồng Kông cũng đang đàm phán với các nhà vận hành phà và chuẩn bị thử nghiệm một mô hình phà sử dụng năng lượng mới.

Nên đưa thêm xe lai điện vào chiến lược điện hóa

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Inchcape Greater China, ông Michael Chan Ting, chính quyền Hồng Kông nên tạo sự linh hoạt trong chiến lược điện hóa phương tiện công cộng, thương mại để rút ngắn thời gian thực hiện chiến lược này và cải thiện chất lượng không khí.

Ông Chan cho rằng, thời điểm này, Hồng Kông nên tập trung vào xây dựng những kế hoạch theo từng thời điểm, tận dụng những lựa chọn có sẵn và xác định ưu tiên cho từng khung thời gian khác nhau. “Nếu chính phủ chỉ tập trung vào một lựa chọn (là xe điện), thời gian thực hiện có lẽ sẽ kéo dài rất lâu và tôi lo ngại, lộ trình EV sẽ trở thành chiến lược không thể thực hiện”, ông nói.

Inchcape hiện là công ty mẹ của Crown Motors, nhà phân phối dịch vụ taxi duy nhất của hãng Toyota tại Hồng Kông, chiếm 98% trong tổng số 18.163 taxi tại thành phố này. Công ty cũng nắm giữ 80% thị phần mini-bus của Hồng Kông.

Đầu năm nay, Crown Motors cho ra mắt dịch vụ taxi “Comfort Hybrid” của Toyota tại Hồng Kông. Đây là một phần trong kế hoạch loại bỏ hoàn toàn xe điện chạy bằng khí đốt hóa lỏng LPG mà Toyota không còn sản xuất nữa.

Theo lời kêu gọi các đơn vị tư nhân tham gia vào chiến lược điện hóa phương tiện giao thông công cộng của chính quyền đặc khu, ông Chan cho biết, đã gặp gỡ nhiều quan chức môi trường địa phương, bày tỏ quan điểm và cho rằng chính quyền nên mở rộng định nghĩa xe điện (EV). Ông lấy ví dụ một số nơi như Singapore, Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng đã đưa xe hybrid vào khái niệm phương tiện năng lượng sạch và được nhận trợ cấp thuế.

Ông Chan lý giải thêm, những mẫu taxi hybrid mới như hãng vừa công bố, có thể chưa giúp giảm ngay khí CO2 nhưng có thể hạ chi phí nhiên liệu ít nhất một nửa, xuống khoảng 100 đôla Hồng Kông/ngày.

Ông Locky Law, Giám đốc về giáo dục tại tổ chức phi lợi nhuận phát triển phương tiện năng lượng điện, cho rằng, chính phủ có thể cân nhắc cung cấp thêm gói hỗ trợ ngắn hạn đối với tài xế taxi chuyển đổi sang mô hình lai điện nếu số liệu chính thức được các nhà sản xuất xe hybrid đưa ra là đáng tin cậy và nếu có bằng chứng xác thực chứng minh taxi hybrid có thể giảm thiểu khí thải.

Hiện tại, Hồng Kông có khoảng 1.200 taxi hybrid đang vận hành. “Để chính phủ có thể thúc đẩy xe taxi điện thành công sẽ phải mất 9 năm. Chẳng lẽ, trong 9 năm đó, chính phủ không làm gì để loại bỏ bớt xe dùng nhiên liệu hóa thạch? Nếu vậy chất lượng không khí thành phố sẽ phải gánh hậu quả”, Giám đốc điều hành Inchcape Greater China, ông Michael Chan Ting cảnh báo.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hong-kong-tham-vong-dien-hoa-toan-bo-cac-phuong-tien-giao-thong-d474625.html