Họp Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến 'Pháp luật học đường'

Chiều ngày 16/1, Ban Tổ chức, tổ thư ký Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật 'Pháp luật học đường' đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá kết quả của cuộc thi từ khi phát động đến nay và góp ý vào các dự thảo văn bản chuẩn bị Vòng chung kết và trao giải cuộc thi nói trên. Cuộc họp do hai Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa và Phan Hồng Nguyên đồng chủ trì.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Trong 06 tuần thi vòng loại, Cuộc thi đã thu hút 179.980 thí sinh đăng ký dự thi và 314.675 lượt thí sinh tham gia thi. Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối 300/300 điểm. Ở bảng A, tỉnh Ninh Bình dẫn đầu về số lượng thí sinh đăng ký dự thi với 12.481thí sinh; tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh với 10.116 thí sinh. Trường THPT Trần Phú, TP Hồ Chí Minh có số lượng thí sinh tham gia thi đông nhất với 2.289 thí sinh. Ở bảng B, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng thí sinh đăng ký dự thi với 3.705 thí sinh; tiếp đến là tỉnh Bắc Ninh với 1.120 thí sinh. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP

Kết thúc mỗi tuần thi của vòng loại, Ban Tổ chức tiến hành rà soát, xác minh thông tin và tiến hành trao giải thưởng bao gồm tiền mặt trị giá 300.000 đồng và 01 thẻ học online trị giá 500.000 đồng cho 10 thí sinh có điểm thi cao nhất, thời gian làm bài ngắn nhất của mỗi bảng. Một số thí sinh có kết quả thi cao và được trao giải nhiều tuần thi của vòng loại. Tổng số giải thưởng trao cho thí sinh đạt giải theo tuần tại Vòng loại ở hai bảng là 36.000.000 đồng và 120 thẻ học online.

Cuộc thi đã thu hút, hấp dẫn tuổi trẻ học đường, tạo “sân chơi” tìm hiểu pháp luật bổ ích, lý thú và tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Nhiều bình luận trên trang Web của Cuộc thi (timhieuphapluat.vn) đã đánh giá tốt về mục đích, ý nghĩa, nội dung thi, hình thức thi trực tuyến; hạ tầng, giao diện của trang Web tiện lợi cho người thi. Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật.

Nội dung thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm bằng câu hỏi trực tiếp và tình huống dễ hiểu, phong phú, thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, chương trình giảng dạy, học tập của học sinh, sinh viên.

Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp khá chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn giáo dục Egroup, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan; phát huy các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trong truyền thông, thông tin về Cuộc thi. Bên cạnh kinh phí từ ngân sách nhà nước, Cuộc thi đã huy động được nguồn lực kinh phí xã hội hóa hỗ trợ cho công tác tổ chức Cuộc thi

Ban Tổ chức cuộc thi cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục và các công việc trong thời gian tới. Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến vào các vấn đề hết sức cụ thể như địa điểm, thời gian, cách thức, nội dung câu hỏi thi, vấn đề truyền thông, huy động nguồn lực cho cuộc thi.

Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa đã ghi nhận các ý kiến đóng góp và mong các thành viên Ban Tổ chức, Tổ thư ký giúp việc tiếp tục hiến kế và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để góp phần cuộc thi thành công tốt đẹp.

Thu Hằng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/hop-ban-to-chuc-cuoc-thi-truc-tuyen-phap-luat-hoc-duong-490241.html