Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Chiều 27-11, ngay sau phiên bế mạc kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Thông báo tóm tắt kết quả Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng: Thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết: Bộ luật Lao động; Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức...

Quang cảnh buổi họp báo.

Trong đó, việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động cũng như xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định ở nước ta, tiệm cận với nhiều nội dung và nguyên tắc cơ bản của các Công ước cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Đặc biệt, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được ban hành nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm của Thủ đô.

Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Đây là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, là bước đệm quan trọng để hai nước tiến tới giải quyết toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền và là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa hai nước.

Ngoài ra, tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và cho rằng, năm 2019, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế-xã hội đã đạt được kết quả khá toàn diện và tích cực, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Tại kỳ họp này, trong thời gian 3 ngày, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng 4 bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông. Các bộ trưởng khác đã tham gia trả lời chất vấn. Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn được lựa chọn đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội...

Bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng - an ninh và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội đã trả lời các câu hỏi mà báo chí quan tâm.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được thông qua, có bổ sung quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho biết, khi thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, luật đã quy định cụ thể các điều kiện để người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển. Các điều kiện gồm: Có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, trước mắt, mới chỉ có Phú Quốc đủ 4 điều kiện này. Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành thí điểm miễn thị thực cho người nước ngoài vào Phú Quốc. Kết quả đánh giá cho thấy, việc này đã bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng - an ninh, thu hút khách du lịch và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài du lịch, đầu tư vào Việt Nam. Việc sửa đổi nhằm luật hóa nghị quyết của Quốc hội về thị thực điện tử. Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá kỹ tác động của vấn đề này nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh, khắc phục bất cập, tồn tại trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động của tội phạm nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề nhân sự thay thế sau khi miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chức danh này Quốc hội chỉ phê chuẩn bổ nhiệm khi Chính phủ trình sang. Hiện Chính phủ phân công cán bộ tạm thời đảm nhiệm công việc ở Bộ này và chưa trình nhân sự mới.

“Quốc hội chỉ phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ nên khi nào Thủ tướng chọn được Bộ trưởng và đề nghị phê chuẩn thì Quốc hội xem xét”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tin, ảnh: NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/hop-bao-cong-bo-ket-qua-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-603732