Họp bất thường để xã hội bình thường

Quốc hội khóa XV bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ trong bối cảnh kinh tế-xã hội đất nước phải đối mặt với rất nhiều thách thức do tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch Covid-19 cùng các vấn đề địa chính trị, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn trên thế giới. Phản ứng kịp thời với thực tiễn đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã liên tiếp có những hoạt động không theo thông lệ, với mục tiêu kiến tạo chính sách để đồng hành với cả hệ thống chính trị kịp thời đưa đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Kỳ họp bất thường thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội

Đầu năm 2022, nhiều nước trên thế giới đã tung ra các gói kích thích phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) sau đại dịch Covid-19. Nếu chờ đến kỳ họp Quốc hội thường kỳ vào giữa năm, nước ta mới xây dựng và ban hành được gói chính sách phục hồi và phát triển KT-XH thì sẽ quá trễ so với thế giới. Khi đó, chúng ta khó tránh khỏi “hiệu ứng ngược”, việc phục hồi và phát triển KT-XH không những không đạt được kết quả như mong muốn mà còn có thể đe dọa trực tiếp tới nỗ lực kiên trì giữ vững thành quả ổn định kinh tế vĩ mô mà chúng ta đã phải rất vất vả mới đạt được trong những năm qua.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2022. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cùng một loạt chính sách quan trọng khác thúc đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước.

Các quyết sách của Quốc hội đã kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa chính sách về tài khóa với chính sách về tiền tệ để bảo đảm dẫn dắt nguồn tiền hỗ trợ đến đúng địa chỉ cần thiết, vừa thực hiện được mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất phát triển, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Diễn đàn KT-XH Việt Nam năm 2022 (chương trình thường niên của Quốc hội Việt Nam được khôi phục từ năm 2021) diễn ra vào tháng 9, nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các nước trên thế giới khuyên nước ta “rót” tiền mặt hỗ trợ nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển KT-XH diễn ra mạnh mẽ hơn.

Khi ấy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thẳng thắn tranh luận, nêu quan điểm về hiệu quả của việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mà Việt Nam đang thực hiện so với chính sách chỉ thiên về hỗ trợ tiền mặt mà nhiều nước đang áp dụng. Tác động trực tiếp của chính sách hỗ trợ tiền mặt là làm gia tăng áp lực lạm phát và thực tế nhiều nước khi ấy đã phải loay hoay để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, Việt Nam có những gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp, vừa thực hiện tổng hợp các giải pháp nhằm giảm giá bán sản phẩm, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ.

Việc thực hiện chính sách giảm thuế cũng là một hình thức hỗ trợ gián tiếp bằng tiền cho người dân, doanh nghiệp, khi tiền thuế thu được vào ngân sách giảm đáng kể nhưng kích thích tăng cả tổng cầu và tổng cung. Nhờ vậy, dòng tiền được luân chuyển và kiểm soát tốt hơn, cả người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi, KT-XH có cơ hội phục hồi mạnh mẽ hơn, đồng thời giúp việc kiểm soát lạm phát được thực hiện dễ dàng hơn.

Với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nước ta đã về đích năm 2022 với những thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá: Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao trong khi lạm phát được duy trì ở mức thấp trong tầm kiểm soát; trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế rất thấp trong khi lạm phát tăng vọt ở mức rất cao.

Quang cảnh một phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Quang cảnh một phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Nỗ lực kiến tạo phát triển

Năm 2022 cũng ghi dấu nhiều nỗ lực của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội với quyết tâm đổi mới hoạt động mạnh mẽ để đồng hành với cả hệ thống chính trị, kiến tạo cho sự phát triển của đất nước.

Trong công tác lập pháp, mọi chính sách được ban hành đều được Quốc hội rà soát rất kỹ, thực hiện nghiêm tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm chất lượng cao nhất cho các chính sách khi được thông qua, để các chính sách ấy thực sự kiến tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của đất nước.

Các phiên thảo luận tại hội trường về những dự án luật có liên quan tới quyền lợi của đông đảo nhân dân đều được tổ chức truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, cho ý kiến. Các dự án luật chưa bảo đảm chất lượng, có khả năng gây “tắc” khi triển khai thực hiện đều được dừng lại từ sớm để chuẩn bị kỹ càng hơn. Có dự án luật chưa được thông qua theo kế hoạch để có thêm thời gian tiếp thu, hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng tốt hơn.

Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, ngoài những vấn đề cực kỳ hệ trọng, liên quan trực tiếp tới sự thành bại của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong hai kỳ họp thường kỳ, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề về KT-XH, ngân sách nhà nước, đầu tư công, chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm với tinh thần rất chặt chẽ nhưng cũng đủ thông thoáng, đủ không gian để không tạo ra những điểm nghẽn cho sự phát triển. Trong đó, tại Kỳ họp thứ ba, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Quốc hội đã xem xét, thông qua tới 5 dự án trọng điểm quốc gia. Đây là những dự án cấp bách, mang tính lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Công tác giám sát cũng có rất nhiều đổi mới với những cuộc giám sát tối cao được thực hiện từ rất sớm, ngay từ khi Chính phủ và các cơ quan hữu quan mới chỉ bắt đầu triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực ấy. Việc triển khai giám sát từ rất sớm như vậy, như nhiều ý kiến đánh giá tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đã tạo ra áp lực và biến áp lực thành động lực để các cơ quan hữu quan thực hiện nhiệm vụ. Qua giám sát cũng nhanh chóng phát hiện những vấn đề bất cập, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp các cơ quan hữu quan thực hiện chính sách, pháp luật đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời góp phần thực hiện công tác kiểm soát quyền lực tốt hơn.

Những hiệu quả trong việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội khóa XV cho thấy nỗ lực để thực hiện việc “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” theo yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-quy-mao-2023/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-quy-mao/hop-bat-thuong-de-xa-hoi-binh-thuong-716863