Họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp khởi động giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản

Ngày 31/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản, Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp để khởi động giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước. Phía Nhật Bản có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, KEIDANREN, JICA, JETRO, JBIC, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Qua hơn 15 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã được thực hiện 6 giai đoạn, với tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động. Tại cuộc họp cấp cao Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI vào ngày 07/12/2017, hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ đã đề ra phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trong đó, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam quyết liệt triển khai thực hiện và đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được những kết quả to lớn và ngày càng tốt đẹp, tô thắm thêm mối quan hệ tốt đẹp vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á. Năm 2018, hai nước Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được mở rộng, nâng cao trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu Nhân dân, đặc biệt với việc đều là thành viên tích cực góp phần dẫn đến Hiệp định hợp tác thương mại tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) được ký kết. Việt Nam đang trở thành miền đất hứa hẹn mang đến thành công cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Về đầu tư của Nhật Bản, tính đến 20/7/2018, Nhật Bản đã có 3835 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 55 tỷ USD. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỷ lệ giải ngân, việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp Nhật Bản. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003 và được đánh giá là diễn đàn hợp tác có hiệu quả nhất trong số các diễn đàn đối thoại hợp tác của Chính phủ Việt Nam. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã hoàn thành VI giai đoạn, với 386/473 tiểu hạng mục, tương đương với 82% được triển khai tốt và đúng tiến độ. Nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn VII, ngoài việc tiếp tục là kênh đối thoại, giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ Việt Nam, hai bên sẽ thúc đẩy tiến trình hợp tác nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.

Năm 2018 là năm đặc biệt trong sự nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đánh dấu chặng đường 30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành và thực hiện ở Việt Nam. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đánh giá lại những kết quả đã đạt được, những bài học cần tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời định hướng thu hút đầu tư trong giai đoạn tới. Trong 30 năm đó, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã có 15 năm song hành cùng Việt Nam để khuyến nghị những chính sách thiết thực, góp phần to lớn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút có hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Sau quá trình làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII bao gồm một số vấn đề tồn tại của giai đoạn VI và một số nội dung mới phía Nhật Bản quan tâm và mong muốn trao đổi với các bộ, ngành Việt Nam. Việc hoàn thành xây dựng bản Kế hoạch hành động đánh giá sự khởi động tốt đẹp của Giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.

Kế hoạch hành động giai đoạn VII gồm 10 nhóm vấn đề, trong đó 9 nhóm vấn đề đã được thống nhất với dự kiến. 65 tiểu hạng mục do phía Nhật Bản đề xuất liên quan đến: (1) Những quy định về đầu tư vào Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và các luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh; (2) Thúc đẩy công khai thông tin như án lệ, minh bạch hóa chức năng tòa án; (3) Các vấn đề về Luật Đất đai và đăng ký bất động sản, công khai thông tin liên quan; (4) Cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán; (5) Thúc đẩy công nghiệp hóa có năng lực cạnh tranh quốc tế; (6) Lao động và tiền lương; (7) Khung chính sách về PPP; (8) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; (9) Thành lập công ty và mở chi nhánh trong lĩnh vực dịch vụ; (10) Cơ chế trả lời bằng công văn sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận về khả năng đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn VII.

Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản là 17 tháng, từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019. Trong đó, có hai cuộc họp đánh giá giữa kỳ vào cuối năm 2018 và giữa năm 2019 và một cuộc cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII vào cuối năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, buổi họp đã làm rõ hơn những nội dung mà hai bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu đó là hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên để giải quyết những vấn đề vướng mắc hiện nay. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác phía Nhật Bản cùng với các bộ, ngành phía Việt Nam đã tích cực thảo luận nhằm thống nhất nội dung Kế hoạch hành động. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay, với những cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cần tập trung vào phương pháp tiếp cận mới, những cách thức triển khai mới, phù hợp với thực tế hơn nhằm đạt được những hiệu quả cao hơn và tích cực hơn nữa.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt NamUmeda Kunio phát biểu.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, những nội dung trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản VII là những chủ đề thể hiện đầy đủ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này nhằm mục đích phát triển hơn nữa về mặt chất của đời sống Nhân dân cũng như là nâng cao tính cạnh tranh quốc tế, thông qua tăng cường về chất, chứ không phải về lượng của đầu tư.

Đại sứ Umeda Kunio cũng chỉ ra, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức độ thấp trong khối ASEAN, để phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh quốc tế cao, Việt Nam cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động. Nhật Bản cũng đang triển khai trong cả nước phong trào nâng cao năng suất lao động. Vấn đề nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, góp phần vào phát triển kinh tế Việt Nam, ngài Umeda Kunio hy vọng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Umeda Kunio, Đồng chủ tịch KEIDANREN Kuniharu Nakamura và Hideo Ichikawa ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, hai Chủ tịch KEIDANREN đã ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII. Trong đó, hai Bên cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn VII nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=40480&idcm=65