Họp chốt vị trí xây dựng sân bay Gò Găng

Sân bay Gò Găng rộng 248,5 ha, có một mặt là đường Vũng Tàu - Gò Găng - Long Sơn (đường Trường Sa hiện hữu).

Ngày 14-5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các sở, ngành đã họp với lãnh đạo Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18), Quân chủng Phòng không - Không quân để chốt vị trí xây dựng sân bay Gò Găng (thay thế sân bay cũ ở Vũng Tàu).

Vị trí sân bay đã được cắm mốc sơ bộ

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (đơn vị được UBND tỉnh chọn làm chủ đầu tư dự án), thông tin:

Căn cứ pháp lý của sân bay Gò Găng hiện nay dựa theo quyết định mới nhất, số 586/QĐ-TTg ngày 17-5-2019 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035. Trong đó nêu việc đầu tư xây dựng mới sân bay Gò Găng để di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu là rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và TP Vũng Tàu nói riêng.

Việc di dời sân bay cũng đã được Bộ Quốc phòng cho ý kiến đồng ý, mới nhất là văn bản tháng 2-2020 do thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ký.

Trên cơ sở đó, ngày 10-4-2020, UBND tỉnh cũng đã có văn bản về việc chấp thuận vị trí mốc, ranh giới khu đất để xây dựng sân bay Gò Găng (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu).

Đối chiếu quy hoạch liên quan, các sở ngành thống nhất ranh mốc sơ bộ sân bay mới đã được Ban QLDA cắm mốc thực địa bằng cọc với 36 điểm tọa độ. Đất thực tế và bản đồ không có sự chênh lệch.

Theo đó, sân bay mới sẽ có một mặt tiền là đường Vũng Tàu - Gò Găng - Long Sơn (đường Trường Sa). Phía Tây Nam giáp vịnh Gành Rái, phía Tây Bắc giáp sông Chà Và; phía Đông Nam giáp đường nhỏ hiện hữu. Tổng diện tích là 248,5 ha, khu đất hiện vẫn đang được quản lý theo đúng quy hoạch được duyệt trước đây.

Máy bay cất cánh hướng ra biển

Theo Ban QLDA, đơn vị đã phối hợp với đơn vị tư vấn của Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát sơ bộ trước khi lập hồ sơ mời thầu.

Hiện sân bay Vũng Tàu có tổng diện tích hơn 173,3 ha. Trong đó có sáu đơn vị đang hoạt động trực thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam với nhiều hạng mục.

Sân bay mới dự kiến sẽ xây dựng có những nét tương đồng về quy mô, chức năng, tiêu chí với sân bay hiện tại theo yêu cầu của Binh đoàn 18 đưa ra. Như đường cất hạ cánh, kích thước 18x1800 m và một đường 6x660 m, toàn bộ hệ thống sân đỗ, nhà ga máy bay…

Vị trí quy hoạch sân bay Gò Găng.

Vị trí quy hoạch sân bay Gò Găng.

Còn với vị trí sân bay Gò Găng mới thì dự kiến đường cất cánh và bay thẳng ra phía biển (vịnh Gành Rái). Việc xử lý nền đất yếu, xây dựng đường băng cất hạ cánh tại khu vực đơn vị tư vấn sẽ đưa ra giải pháp cụ thể. Khu vực sân bay không có nhà dân sinh sống nên thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án.

Ông Trình thông tin thêm: “Theo dự án đây là sân bay lưỡng dụng, vừa quân sự vừa thương mại. Hướng tuyến đường cất hạ cánh dự kiến là 30x1800 m. Nguồn vốn đầu tư là ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự kiến trong sáu tháng sẽ có hồ sơ trình cho Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng thẩm định…”.

Trước mắt chỉ là sân bay chuyên dùng

Đại tá Trần Trung Dũng, Phó Tư lệnh Binh đoàn 18, nêu ý kiến: Do yêu cầu đặc thù, sân bay Vũng Tàu thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng và sẵn sàng ứng cứu, phục vụ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, hãng dầu, bay huấn luyện đào tạo phi công…

Binh đoàn đề nghị sẽ chỉ thực hiện việc bàn giao khi sân bay Gò Găng đã được xây dựng hoàn chỉnh. Ngoài ra, Binh đoàn 18 đề nghị được quản lý toàn bộ sân bay mới bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ hàng không chung. Binh đoàn được giữ lại một phần diện tích tại sân bay Vũng Tàu để triển khai một số kế hoạch phục vụ công tác.

Binh đoàn 18 đề nghị có kế hoạch, thời gian cụ thể về việc xây dựng sân bay mới để đơn vị có thể sắp xếp kế hoạch hoạt động, đầu tư tại sân bay Vũng Tàu trong những năm tiếp theo.

Lãnh đạo Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng cho hay Bộ Quốc phòng đến nay đều nhất quán đồng ý chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu sang Gò Găng nhằm sử dụng khu đất sân bay cũ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sân bay xây dựng xong mọi việc điều hành khai thác bay sẽ do Binh đoàn 18 quản lý. Các hoạt động bay với máy bay loại nhỏ hơn phục vụ du lịch trong tương lai các đơn vị sẽ phải ký hợp đồng với Binh đoàn. Đây không phải sân bay dân dụng do đã được bỏ ra khỏi quy hoạch Cảng hàng không từ năm 2018.

Cũng theo lãnh đạo Cục Tác chiến, qua kiểm tra thực địa vị trí tạm thời xác định như trên có thể xây dựng sân bay chuyên dùng tại Gò Găng, với 36 điểm tọa độ nêu trên. Trước mắt tập trung xây dựng sân bay chuyên dùng, Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Với hệ thống đường băng dự kiến ở sân bay chuyên dùng mới, chỉ cần đầu tư thêm một số hạng mục phụ trợ, có thể xem xét phục vụ một số chuyến bay, loại tàu bay khác phục vụ phát triển kinh tế như tỉnh mong muốn.

Liên quan đến việc xây dựng sân bay phía Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng cũng lưu ý tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch các dự án cao tầng quanh sân bay cần xem xét kỹ. Đồng thời phải lấy ý kiến Cục Tác chiến để tránh ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh.

LÂM HUỲNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/hop-chot-vi-tri-xay-dung-san-bay-go-gang-912559.html