Hợp đồng thuê cảng Darwin hay câu chuyện của Canberra

Hợp đồng thuê của Landbridge Group bắt đầu vào năm 2015 và từng khiến Washington phản hồi gay gắt về việc không được hỏi ý kiến. Bây giờ, Chính phủ Australia có thể phải trả tiền bồi thường cho công ty Trung Quốc này nếu hợp đồng thuê cảng Darwin của họ bị đảo lộn vì lý do an ninh quốc gia.

Hôm 6-5, Trung Quốc tuyên bố đình chỉ “vô thời hạn” tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế chiến lược giữa nước này với Australia, động thái được cho là bước lùi nghiêm trọng trong mối quan hệ vốn đang khủng hoảng giữa hai nước.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton xác nhận với The Sydney Morning Herald rằng Bộ của ông đang xem xét liệu có nên từ bỏ hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm của Landbridge Group theo bộ luật cơ sở hạ tầng hay không. Bộ luật này được thông qua vào năm 2018. Nhưng một động thái như vậy cũng có thể gây nguy hiểm cho xếp hạng rủi ro về đầu tư của Australia cũng như mức lãi suất mà một quốc gia phải trả cho các khoản vay và tín dụng, những ảnh hưởng về kinh tế và chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh - Canberra vốn đã trở nên xấu đi trong năm qua.

Cảng Darwin là một trong những cảng trọng yếu của Australia nhưng chưa được đầu tư tương xứng. Ảnh: Getty.

Cảng Darwin là một trong những cảng trọng yếu của Australia nhưng chưa được đầu tư tương xứng. Ảnh: Getty.

Trên thực tế, khi những lo ngại của Canberra về tác động của Bắc Kinh đối với an ninh quốc gia của Australia tiếp tục gia tăng, cựu Thủ tướng Kevin Rudd hồi tuần trước nói rằng, Canberra nên tiến hành phân tích chi phí, lợi ích để xác định xem liệu hợp đồng cho Landbridge Group thuê có hợp lý hay không. Nhưng, không giống như việc hủy bỏ biên bản ghi nhớ không ràng buộc về Sáng kiến Vành đai và Con đường cách đây 2 tuần, việc thu hồi thỏa thuận thuê cảng Darwin có thể gây ảnh hưởng đến tài chính và thương mại, vì đây là một hợp đồng thương mại.

John Garrick, một học giả luật kinh doanh tại Đại học Charles Darwin cho biết: “Cả hai bên đều có nghĩa vụ theo các điều khoản của hợp đồng thuê và câu hỏi ban đầu chỉ đơn giản là liệu các điều khoản đó có được đáp ứng trong giai đoạn này hay không. Nếu các điều khoản cho thuê không được đáp ứng, có các thủ tục tiêu chuẩn cần tuân theo để chấm dứt hợp đồng thuê dựa trên việc không thực hiện một điều khoản cần thiết, chẳng hạn”. Ban Đánh giá đầu tư nước ngoài Australia cũng chỉ rõ, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là cực kỳ khó xảy ra. Nhiều khả năng, việc chấm dứt hợp đồng sẽ đến từ một thỏa thuận thương lượng chung về mặt thương mại mà hợp đồng cho thuê không khả thi.

Việc xem xét lại hợp đồng của Landbridge Group thuê cảng Darwin được đưa ra trong bối cảnh xung đột ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc gia tăng từ tháng 4-2020 khi Australia thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm là hợp đồng thương mại được ký kết bởi chính quyền lãnh thổ phía Bắc Australia và Landbridge Group. Landbridge Group đã trả 506 triệu AUD để vận hành các hoạt động của cảng. Chính quyền lãnh thổ phía Bắc đã cố gắng kêu gọi Canberra đầu tư và nâng cấp cảng trong 30 năm trước khi đưa ra đấu thầu mà Landbridge Group sau đó đã thắng vào năm 2015. Tranh cãi xung quanh thỏa thuận này cũng đã nổ ra khi Washington phản đối mạnh mẽ vì cảng Darwin vốn từng là căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ.

Ngoài vai trò là một cảng thương mại, Darwin cũng còn là căn cứ của lực lượng quốc phòng Australia và lính thủy đánh bộ Mỹ. Theo thỏa thuận đã ký, Landbridge Group chỉ được phép tiếp cận đầu cuối thương mại của cảng và công ty không thể mời các chuyến thăm của hải quân nếu không có sự chấp thuận của chính phủ. Học giả John Garrick phân tích, chính quyền lãnh thổ phía Bắc vẫn giữ 20% cổ phần của nhà khai thác cảng và có tiếng nói trong các cuộc bổ nhiệm quan trọng như cho vị trí Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của cảng nhưng lại không chia sẻ bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà Landbridge Group kiếm được.

Trong một cuộc điều tra về khuôn khổ đầu tư nước ngoài kết thúc vào năm 2016, Bộ Quốc phòng Australia từng khẳng định rằng họ không có lo ngại về an ninh đối với hợp đồng cho thuê. Theo Stephen Kirchner, Giám đốc thương mại và đầu tư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Sydney thì dù có báo cáo của Bộ Quốc phòng Australia, chính phủ vẫn có thể xem xét lại tính hợp lệ của thỏa thuận. “Tôi nghĩ rằng, thực tế là giao dịch ban đầu đã không được giám sát đầy đủ từ toàn bộ chính phủ và được thực hiện với sự tham vấn không đầy đủ với Chính phủ Mỹ. Chính phủ Australia có quyền đảo ngược các thỏa thuận như vậy nhưng họ cũng không có bất cứ điều gì bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng cho thuê”, ông Stephen Kirchner nói.

Tuy nhiên, nếu hợp đồng bị chấm dứt, ông Stephen Kirchner cho rằng, Landbridge Group sẽ có quyền yêu cầu bồi thường. Đồng quan điểm này, Daryl Guppy, một chuyên gia thương mại có trụ sở tại Darwin, người đã làm việc với chính quyền Lãnh thổ phía Bắc về việc can dự của công ty Trung Quốc vào cảng này nhấn mạnh: “Bồi thường thỏa đáng là một phương trình khó giải. Chính phủ liên bang đã được biết là thường trả ít hơn nhiều so với giá trị của một tài sản khi việc mua lại bắt buộc đã được sử dụng. Vì thế, giải pháp thay thế là chính phủ mua lại của Landbridge Group nhưng dù bằng cách nào đi nữa, những sáng kiến này không cần phải được gói gọn trong “những luận điệu chống Trung Quốc và chiến tranh”.

Thật là mỉa mai rằng, nếu việc căng thẳng ngoại giao không gia tăng thì việc cải tạo cảng Darwin do Landbridge Group thực hiện sẽ được hoan nghênh nhất bởi vì cảng cũ bị bỏ quên sẽ không phù hợp với mục đích sử dụng. Ngoài ra, hồ sơ rủi ro có chủ quyền của Australia cũng có thể bị tổn hại với việc các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai luôn cẩn thận hơn khi kinh doanh tại nước này”.

Ngọc Khuê

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/hop-dong-thue-cang-darwin-hay-cau-chuyen-cua-canberra-640725/