Hợp đồng vay tài sản có bảo lãnh

Với hợp đồng vay tài sản có bảo lãnh, để có thể quy trách nhiệm liên đới cho người vay và người bảo lãnh, bên cho vay cần đạt được thỏa thuận với người vay và người bảo lãnh về khả năng liên đới này.

Tình tiết sự kiện: Các bên cùng ký kết vào hợp đồng ba bên. Trong hợp đồng, một Công dân Pháp là bên cho vay (Nguyên đơn), một Công ty Việt Nam (Bị đơn) là bên vay và việc vay có bảo lãnh của một Công dân Pháp (đồng Bị đơn). Số tiền vay là 637.200.000 VND nhằm mục đích hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động đang triển khai của Công ty Việt Nam. Tại Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài đã “buộc Bị đơn và đồng Bị đơn có trách nhiệm liên đới trong việc thanh toán cho Nguyên đơn những khoản tiền sau: Tiền gốc (…), tiền lãi (…)”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ vụ tranh chấp trên, chúng ta thấy có hai vấn đề đáng lưu ý: thứ nhất là về thẩm quyền giải quyết của Trọng tài và thứ hai là trách nhiệm liên đới của người đi vay với người bảo lãnh.

* Thẩm quyền giải quyết của Trọng tài

Hợp đồng vay tài sản có thể có biện pháp bảo đảm nhưng cũng có thể không có biện pháp bảo đảm. Trong trường hợp có biện pháp bảo đảm như bảo lãnh trong vụ việc trên, hợp đồng vay và hợp đồng bảo lãnh có mối quan hệ chính/phụ (vay là hợp đồng chính và bảo lãnh là hợp đồng phụ).

Quan hệ vay và quan hệ bảo lãnh vẫn là hai quan hệ khác nhau mặc dù có quan hệ chính phụ. Trong vụ việc nêu trên, quan hệ vay là quan hệ giữa bên cho vay (Công dân Pháp) và công ty Việt Nam còn quan hệ bảo lãnh là quan hệ giữa người cho vay và người nhận bảo lãnh (cả hai là Công dân Pháp). Quan hệ vay hoàn toàn có thể tồn tại mà không cần có hợp đồng phụ (bảo lãnh) nhưng hai quan hệ này cũng có thể hoàn toàn tồn tại cùng một lúc; khi hai quan hệ này cùng tồn tại thì việc bảo lãnh “có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính” (Điều 362 Bộ luật dân sự năm 2005 và quy định này không còn được giữ lại trong Bộ luật dân sự năm 2015).

Chính vì là hai quan hệ khác nhau nên quan hệ vay có thể được giải quyết tại Trọng tài nếu có thỏa thuận chọn Trọng tài và quan hệ bảo lãnh có thể không được giải quyết tại Trọng tài nếu không có thỏa thuận chọn Trọng tài (lúc này nếu có tranh chấp thì quan hệ bảo lãnh được giải quyết tại Tòa án). Tuy nhiên, trong vụ việc nêu trên, cả quan hệ bảo lãnh và quan hệ vay đều được giải quyết tại Trọng tài và sở dĩ Trọng tài có thẩm quyền giải quyết là vì cả ba chủ thể trên đã thỏa thuận chọn VIAC khi có tranh chấp.

Do đó, khi cho vay tài sản, bên cho vay cần lưu ý về thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp. Nếu họ muốn quan hệ vay và quan hệ bảo lãnh cùng được giải quyết tại Trọng tài thì bên cho vay phải cùng thỏa thuận chọn Trọng tài với bên vay tài sản và bên bảo lãnh như trong vụ việc được bình luận. Ở đây, cả ba bên nên cùng nhau chọn thỏa thuận trọng tài trong chính hợp đồng vay.

* Nghĩa vụ liên đới trả tài sản vay

Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015).

Quy định trên hoàn toàn không đề cập tới khả năng “liên đới” giữa người vay (người có nghĩa vụ hoàn trả) và người bảo lãnh trong mối quan hệ với người cho vay (người có quyền nhận lại tài sản cho vay). Thông thường, bên cho vay yêu cầu bên vay (như trong vụ việc trên là Công ty Việt Nam) và khi bên vay không trả tiền thì bên cho vay yêu cầu người bảo lãnh thực hiện thay cho bên vay. Tuy nhiên, trong vụ việc nêu trên, Hội đồng Trọng tài đã buộc bên vay và bên bảo lãnh “liên đới” trả tiền gốc và tiền lãi cho bên cho vay.

Việc quy trách nhiệm “liên đới” nêu trên kéo theo một số hệ quả nhất định. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 288 Bộ luật dân sự năm 2015, “nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Hướng quy trách nhiệm liên đới rất có lợi cho bên cho vay.

Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để Hội đồng Trọng tài có thể buộc người vay và người bảo lãnh “liên đới” thanh toán cho bên cho vay? Sở dĩ, Hội đồng Trọng tài quy trách nhiệm liên đới cho bên vay và bên bảo lãnh là vì, trong hợp đồng vay, người bảo lãnh đã cam kết “bảo lãnh liên đới”. Nói cách khác, trách nhiệm liên đới nêu trên xuất phát từ thỏa thuận liên đới của các chủ thể liên quan.

Thực ra, văn bản hiện nay không quy định trách nhiệm liên đới của người vay và người bảo lãnh nhưng cũng không có quy định nào cấm các chủ thể liên quan thỏa thuận về khả năng liên đới giữa người vay và người bảo lãnh. Do đó, trên cơ sở Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 (nay là khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015) theo đó “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội” và “Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”, Hội đồng Trọng tài ghi nhận thỏa thuận liên đới của các bên.

Vì vậy, để có thể quy trách nhiệm liên đới cho người vay và người bảo lãnh, bên cho vay cần đạt được thỏa thuận với người vay và người bảo lãnh về khả năng liên đới này. Việc đạt được sự liên đới như vừa nêu sẽ rất có lợi cho bên cho vay và tiện lợi cho Trọng tài khi ra Phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, dù là trách nhiệm liên đới, theo Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên, bên có quyền chỉ có thể yêu cầu người bảo lãnh thực hiện sau khi nghĩa vụ được bảo lãnh đến hạn thực hiện nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện.

Theo VIAC

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/hop-dong-vay-tai-san-co-bao-lanh-169786.html