Họp lớp đầu năm

Học cùng lớp Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành (TX Đông Hòa), đến nay nhóm bạn vẫn giữ thói quen gặp mặt đầu năm sau nhiều năm ra trường. Ảnh: CTV

Ngày họp lớp đầu năm được kỳ vọng là thời gian bạn bè vui mừng gặp lại nhau để một lần nữa sống lại những năm tháng học trò hồn nhiên, vô tư cũng như để mọi người cùng chia sẻ dự định tương lai, kể cho nhau nghe những thành tựu hay khó khăn sau một năm làm việc. Dù vậy, không phải cuộc họp lớp nào cũng diễn ra suôn sẻ với đủ đầy những ý nghĩa của nó.

Ngày càng vắng

Hơn 10 năm về trước, chuyện họp lớp đầu năm được nhiều người quan tâm, bàn luận sôi nổi thì những năm gần đây, mỗi dịp tết đến xuân về, phong trào họp lớp có vẻ không còn thu hút nhiều người tham gia bởi nó không mang lại ý nghĩa như nhiều người kỳ vọng.

Chị Nguyễn Thị Minh Trinh (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) cho biết, từ khi ra trường đến nay, mỗi năm, chị nhận được vài ba lời mời họp lớp. Nào là lớp cấp 2, cấp 3 rồi đại học. Trước đây, dù bận chị vẫn cố gắng sắp xếp công việc để đi nhưng đi rồi mới thấy không phải ai cũng nhiệt tình đi họp lớp. “Có một năm, lớp đại học hẹn nhau gặp mặt, ai cũng đăng ký tham gia, cũng mong muốn gặp nhau nhưng đến ngày hẹn, mình đến nơi thì thấy lớp chỉ có 4 người. Cũng biết bạn bè toàn ở xa, không phải ai cũng có điều kiện để về gặp nhau nhưng mình vẫn thấy hụt hẫng. Từ đó, mình không đi họp lớp đại học nữa”.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng (phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) thì chia sẻ: “Còn nhớ ngày tốt nghiệp, cả lớp tôi ai nấy đều bùi ngùi xúc động hứa hẹn đến ngày họp lớp nhất định sẽ có mặt đông đủ nhưng rồi vài năm trôi qua, số người tham gia họp lớp cứ vơi dần. Nhiều thành viên trong lớp ban đầu cũng nhiệt tình nhưng sau một, hai lần tham gia họ tìm cách rút lui. Thực tế chỉ một số ít thành viên trong lớp còn giữ được sự nhiệt tình với ngày gặp mặt đầu năm của lớp; còn lại phần lớn không mấy mặn mà với việc này”.

Nhìn lại các buổi họp lớp, chuyện vui thì ít mà chuyện buồn thì nhiều. Cứ tưởng gặp nhau có rất nhiều điều để nói nhưng cuối cùng không khí bỗng dưng ngượng ngùng, mở lời nói chuyện với nhau cũng rất khó khăn. Nhiều người chia sẻ, các buổi họp lớp cứ nhạt nhẽo dần khi mọi người đều có những mối quan tâm riêng. Không còn cảnh ngồi lại bên nhau để ôn lại kỷ niệm cũ, thắt chặt tình cảm mà chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại rồi tụ tập ăn nhậu, hát hò sau đó kéo theo nhiều hệ lụy.

Chưa kể, bạn bè ngày xưa học chung một lớp nói chuyện vui vẻ hòa đồng, giờ mỗi người có một vị trí khác nhau trong xã hội nên có sự phân biệt đẳng cấp. Người giàu có thành đạt thì mạnh dạn tự tin, thể hiện; người kém may mắn lại rụt rè e ngại nên nhiều người không còn hứng thú, vui vẻ với những cuộc gặp mặt này.

Gặp nhau là để kết nối, sẻ chia

Khác với nhiều buổi họp lớp như đã nói ở trên, các bạn lớp 12A1 tốt nghiệp năm 2011 Trường THPT Lê Trung Kiên (TX Đông Hòa) giữ thông lệ họp lớp rất đều đặn. Là học sinh lớp chọn nên đa phần sau tốt nghiệp cấp 3, các thành viên trong lớp đều đạt được những thành công nhất định. Có bạn là bác sĩ, kỹ sư, có bạn là công an, giáo viên, một số bạn đã chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc. Những buổi gặp gỡ đầu năm luôn được các bạn mong chờ.

Để việc họp lớp diễn ra như mong muốn, ban cán bộ lớp liên lạc thường xuyên với các thành viên, nắm danh sách những ai trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, ai làm ăn khá giả. Các bạn kết nối với cả những thành viên ở xa không thể về được. Hằng năm, các bạn sẽ đóng góp vào quỹ chung của lớp 1 lần. Quỹ này dùng để thăm hỏi thầy cô, hỗ trợ những bạn ốm đau, trợ cấp đột xuất khi những người bạn trong lớp gặp điều không may. Cứ như vậy, cuộc họp mặt đầu năm của lớp 12A1 vẫn được các thành viên trong lớp chờ đợi dù họ ra trường đã nhiều năm.

Nói về việc làm thế nào để ngày họp lớp mang ý nghĩa kết nối, sẻ chia, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã nói trên Báo Thanh niên: “Trong quá trình trao đổi thông tin, gửi trao cảm xúc buổi họp mặt đầu năm tuyệt đối tránh những câu hỏi mang tính tế nhị xoay quanh lương bổng, ngoại hình, tình trạng hôn nhân...

Bởi những câu hỏi như vậy có thể khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, tổn thương, thậm chí mặc cảm… Các thành viên phải luôn có sự tiết chế và chừng mực nhất định tránh trường hợp quá vui mà phát ngôn không hay. Cũng nên tạo cơ hội cho những bạn trầm tính được giao lưu nhiều hơn, những ai đã quá hoạt ngôn thì nên lắng nghe”.

Ngày họp mặt đầu năm hãy dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ thời học sinh, hay những khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình làm việc chung để khơi gợi những cảm xúc tích cực…

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/293027/hop-lop-dau-nam.html