Hợp lực để phát triển bền vững ĐBSCL

Năm 2017, ĐBSCL chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại: Hội nghị APEC về an ninh lương thực, Hội nghị Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng là mục tiêu lớn của cả nước đến năm 2050 Ảnh: VINH HIỂN

Xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng là mục tiêu lớn của cả nước đến năm 2050 Ảnh: VINH HIỂN

Yêu cầu bức thiết

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đất này và vùng đất đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ sự phát triển đất nước.

Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa phát huy tác dụng. Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng đất này.

Xây dựng phát triển toàn diện

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân, cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người.

Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước, Tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, Nghị quyết 120 của Chính phủ là một chuyển biến rất lớn trong suy nghĩ của lãnh đạo, căn cứ trên kinh nghiệm hơn 40 năm nay. Nghị quyết này sẽ làm thay đổi lại tình thế trước đây. Ví dụ toàn ĐBSCL đang được thiết kế theo chính sách cũ là an ninh lương thực; cái gì cũng phải lo cho an ninh lương thực, cho cây lúa, nên cấu trúc hạ tầng cũng như việc tổ chức trong các ban ngành xuống đến tỉnh, huyện và cho tới người nông dân chỉ để sản xuất lúa là chính.

Vấn đề hiện nay là làm giàu cho nông dân phải lợi dụng các điều kiện thiên nhiên của ĐBSCL. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con làm giàu. Kế tiếp là thay đổi tư duy của người nông dân. Người nông dân muốn có trình độ khá lên thì không thể làm theo kiểu cũ, làm manh mún. Đồng quan điểm trên, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, câu chuyện “4 nhà” đâu chỉ dành riêng cho phát triển nông nghiệp, mà cho cả chặng đường phát triển tổng thể ĐBSCL. Vì vậy, cần phải hợp lực, kết nối sức mạnh giữa Nhà nước - thị trường - xã hội để chung tay vì một ĐBSCL thịnh vượng!

Theo TRẦN MINH TRƯỜNG/SGGP

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/hop-luc-de-phat-trien-ben-vung-dbscl-post1937.html