Hợp nhất 3 Văn phòng nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sau khi hợp nhất 3 Văn phòng sẽ góp phần tinh giản đầu mối, biên chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan…

Để hiểu sâu thêm vấn đề này, phóng viên chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trưởng Ban soạn thảo Đề án.

PV:Xin ông cho biết quá trình chuẩn bị Đề án diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc hợp nhất 3 Văn phòng HĐND, UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH là thực hiện chủ trương của Đảng, nhằm tinh giản đầu mối, biên chế, nâng cao hiệu quả.

Vừa qua Văn phòng Quốc hội được giao thực hiện Đề án này, chúng tôi đã làm kỹ, trên cơ sở khảo sát báo cáo thực tiễn thực trạng của 3 Văn phòng này. Sau đó Văn phòng Quốc hội xây dựng đánh giá tác động khi hợp nhất, điều kiện khả năng hợp nhất ra sao, rồi xây dựng Đề án, tiến hành hội thảo tại ba miền Bắc – Trung – Nam.

Khi tiến hành hội thảo, điều rất thuận là thành phần gồm có các đồng chí lãnh đạo UBND, Thường trực HĐND, Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH các địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng 3 Văn phòng… đều đi dự khá đầy đủ. Điều đó chứng tỏ lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm đến việc hợp nhất 3 Văn phòng này.

Trong quá trình triển khai có nhiều ý kiến khác nhau, cơ bản đều đồng tình với việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì khi nhập vào thì công tác phục vụ, quản trị rất tốt, đó là công tác hành chính, công tác quản lý trụ sở, vấn đề phương tiện, tiếp xúc cử tri…

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn, băn khoăn nhất là việc phân định chức năng nhiệm vụ, trong đó chức năng giữa cơ quan lập pháp và hành pháp ở địa phương, đó là việc giám sát. Trước kia là độc lập, cơ quan này giám sát cơ quan kia. Văn phòng không trực tiếp giám sát nhưng Văn phòng tham mưu, phục vụ cho công tác giám sát này.

Bây giờ nhập vào làm một thì công tác phục vụ này sẽ là một người, vừa tham mưu cho việc giám sát, đồng thời tham mưu cho việc thực hiện kết luận sau giám sát. Nên còn băn khoăn ở tính độc lập, khách quan. Thứ hai là về tổ chức, khi nhập vào chỉ còn một Chánh Văn phòng thôi, các Phó Chánh Văn phòng trước mắt là giữ nguyên như thế, nhưng họ rất băn khoăn về công tác cán bộ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

PV: Vậy theo ông, Đề án đã giải quyết những băn khoăn này ra sao?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trước thực tiễn như thế, chúng tôi tham mưu xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó khi thí điểm sẽ giữ nguyên chức năng nhiệm vụ của 3 cơ quan này, tức là chỉ cộng vào chứ chưa bỏ đi cái nào.

Về tổ chức bộ máy, để đảm bảo khắc phục hạn chế kia thì chúng tôi quyết định thành lập các phòng. Có hai phương án thành lập phòng được trình lên: Một phương án 7 phòng và một phương án 11 phòng, trong đó 10 phòng quy định cứng tên phòng, còn 1 phòng để địa phương tùy theo điều kiện của mình mà quyết định.

Hai phương án này có cả ưu và khuyết điểm. Nếu như 11 phòng sẽ có phòng của HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH riêng với chức năng tham mưu cho Thường trực công tác giám sát, tuy nhiên không được độc lập như cũ, chỉ là độc lập tương đối thôi. Còn phương án 7 phòng thì hòa đồng với nhau và có lợi ở chỗ giảm mạnh số phòng, song tính độc lập không có, vì cùng một phòng mà tham mưu hai nhiệm vụ chung…

PV: Nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đấy cũng là những điều mà chúng tôi còn băn khoăn. Giải pháp của Ban soạn thảo là đề xuất 11 phòng, có phòng HĐND riêng, UBND riêng. Nhưng dù sao những phòng này vẫn thuộc Văn phòng chung, đó mới là cái khó.

Nếu giữ nguyên như bây giờ thì đúng là không ai lăn tăn. Nhưng đề nghị phương án 11 phòng mục đích là để độc lập tương đối, vì phòng kia sẽ chịu sự chỉ đạo của Chánh Văn phòng nhưng trực tiếp là của HĐND. Tôi nói là độc lập tương đối thôi, chứ không hoàn toàn tốt được như cái cũ.

Cũng giống như vấn đề chức năng bộ máy, hiện nay Chánh Văn phòng UBND đang là thành viên UBND, Chánh Văn phòng HĐND là Thường trực HĐND, để cho độc lập thì Đề án đề nghị Chánh Văn phòng chung này không phải là Thường trực HĐND cũng như không phải là thành viên UBND, mà chỉ là chủ nhiệm cơ quan chung, có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp và phục vụ.

Chúng tôi cũng có quy định về Phó Chánh Văn phòng nhưng trước mắt đang giữ nguyên, từ năm 2020 trở đi mới thực hiện giảm dần số phó này theo quy định. Có thể là 4 Phó, một Phó phụ trách mảng UBND, một phó phụ trách HĐND, một phó phụ trách khối Văn phòng Đoàn ĐBQH, còn một phó phụ trách chung khối hành chính – quản trị cho cả các cơ quan. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có thể 5 phó.

PV: Nhắc đến nhân sự Chánh Văn phòng chung, có ý kiến cho rằng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh hiện nay thường là Tỉnh ủy viên, do đó sẽ lợi thế hơn…

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đề án quy định có thể chọn một trong 3 Chánh Văn phòng này, cũng có thể không ai trong 3 người này. Đó là quyền của địa phương, mình không can thiệp.

Vì phải liên quan đến năng lực, phải chọn một người có đủ năng lực, hiểu biết và chỉ đạo được cả 3 lĩnh vực. Hội tụ đủ yếu tố trong một con người không phải dễ, Chánh Văn phòng chung này phải hội tụ những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đó.

PV: Trở lại vai trò giám sát của HĐND, cũng từng có đại biểu băn khoăn HĐND rất khó giám sát UBND, thậm chí Chánh Văn phòng chung sau này cũng khó vượt qua khỏi lãnh đạo tỉnh. Dự thảo có đưa ra giải pháp nào để nâng cao vai trò của HĐND hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thực ra đây là HĐND, có Ban HĐND sẽ tham mưu cho Chánh Văn phòng công tác giám sát. Các đại biểu HĐND đi giám sát chứ không phải cá nhân ông Chủ tịch HĐND. Nếu chỗ nào đại biểu HĐND có năng lực, bản lĩnh thì sẽ hoạt động tốt. Đó là vai của HĐND, thể hiện quyền giám sát của HĐND.

PV: Cũng có đại biểu lo ngại “ông ở huyện không dám chất vấn ông Giám đốc Sở” vì lý do này, lý do khác…

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Cái đấy là thực tiễn. Có thể đại biểu là cán bộ thì ngại. Nhưng thực tế cuộc sống còn nhiều đại biểu khác cũng trách nhiệm cao, mạnh dạn hỏi, thẳng thắn chất vấn.

PV: Đối với số lượng địa phương thí điểm, được biết đầu tiên con số là 15, sau rút xuống còn 10. Xin ông cho biết vì sao lại rút?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đầu tiên chúng tôi đưa ra 12-15 tỉnh. Nhưng sau hội nghị 3 miền thì các địa phương đề nghị cân nhắc, chỉ cần 10 tỉnh là phù hợp, trải đều trên 3 vùng miền là đủ. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các đại biểu.

Và 10 địa phương này được chọn theo tiêu chí trải đều vùng miền khu vực Bắc – Trung – Nam, có thành phố lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; đô thị có, nông thôn có, để làm sao mô hình thí điểm đa dạng, phong phú các loại hình khác nhau.

PV: Về tinh thần, có tỉnh, thành nào trong diện được lựa chọn thí điểm tỏ ra ngần ngại hoặc lấn cấn hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Có chứ, và điều đó là không tránh khỏi. Bao giờ người thí điểm, xung phong cũng ít. Các địa phương có tâm tư vì việc thí điểm 3 cơ quan, nhưng họ cũng chấp hành thôi. Vì đây không phải thí điểm rồi dừng lại, mà là để triển khai. Cho nên không làm trước thì làm sau thôi.

PV: Tại sao Thủ đô Hà Nội không nằm trong diện thí điểm, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vì đã có TP. Hồ Chí Minh rồi thì Hà Nội thôi, nhường cho các địa phương khác. Hai thành phố lớn đại diện một thành phố là được rồi, làm sao mang tính chất phổ quát.

PV: Xin ông cho biết, ý kiến của TP Hồ Chí Minh phản ứng như thế nào khi được chọn thí điểm và giả sử có thêm địa phương muốn được thí điểm thì giải quyết ra sao?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Qua trao đổi với Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thì ông trả lời rất sẵn sàng. Chúng tôi cũng khuyến khích ngoài 10 địa phương trên thì mong các địa phương khác xung phong tham gia thí điểm.

Thời gian thí điểm từ 1-1-2019 vì là bắt đầu năm ngân sách, cho đến 31-12-2019 sẽ tổng kết. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá sẽ sửa 3 luật: Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Quốc hội. Còn đến 31-12 mà 3 luật này chưa sửa xong thì sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi nào luật có hiệu lực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Đề án, khi thực hiện hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sẽ giảm được 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp Sở ở mỗi địa phương; ít nhất sẽ giảm được 126 Chánh Văn phòng và 126 Phó Chánh Văn phòng. 10 địa phương dự kiến đưa vào thực hiện thí điểm gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/hop-nhat-3-van-phong-nham-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-511755/