Hợp nhất không 'quên' giám sát, kiểm soát quyền lực

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện khi thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng tham mưu cấp tỉnh là làm thế nào để giám sát, kiểm soát quyền lực.

Sau thí điểm hợp nhất ba văn phòng sẽ tổng kết báo cáo Quốc hội

Sau thí điểm hợp nhất ba văn phòng sẽ tổng kết báo cáo Quốc hội

Trao đổi với PV, các chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội đều có chung quan điểm, việc thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung là cần thiết. Mục tiêu đề ra và phải hướng tới trong khi thực hiện đề án thí điểm này là nhằm tinh giản biên chế, giảm đầu mối, cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý cần tránh việc sáp nhập một cách cơ học, nghĩa là chỉ giảm đầu mối, giảm lãnh đạo nhưng chưa hẳn đã giảm được biên chế. Đây là một bài toán nan giải, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thí điểm, cần phải có giải pháp hữu hiệu để thực hiện được mục tiêu này.

Đặc biệt, không chỉ phát huy hiệu quả công tác tham mưu, theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thanh Bình, phải làm sao để có thể kiểm soát được quyền lực. Chính vì thế cần phải cẩn trọng khi cơ cấu tổ chức các phòng và biên chế.

Xuất phát từ tình hình thực tế, một số địa phương cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm thế nào để giám sát quyền lực, đồng thời tránh tình trạng Chánh Văn phòng sau thí điểm hợp nhất không biết công việc chuyên môn của từng Văn phòng, vì việc phụ trách hoạt động cụ thể của từng bộ phận lại giao cho cấp phó.

Cho ý kiến tại một hội thảo về chủ trương này, đại diện Văn phòng HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, phải xem xét vấn đề xuất phát từ cơ sở khoa học, có phương án thí điểm hợp nhất, quản lý và điều hành để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn. “Các Văn phòng sau khi thí điểm hợp nhất, liệu có quên đi vai trò giám sát của HĐND và Đoàn ĐBQH không? Hay UBND lại kiểm soát quyền lực của các đơn vị còn lại?”, vị đại diện nêu.

Có cùng mối băn khoăn, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, khi ba văn phòng về “ở chung” có thể sẽ dẫn tới tình trạng dĩ hòa vi quý. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải khắc phục cho được tình trạng nể nang nhau để thực hiện cho đúng nhiệm vụ một cách khách quan, công tâm.

Theo dự thảo đề án dự kiến sẽ có khoảng 12 – 15 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến kiến cho rằng, cần thận trọng và nên thực hiện thí điểm từng bước. Tại hội nghị cho ý kiến về việc này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thanh Bình cho rằng, nên thí điểm hợp nhất 3 văn phòng tham mưu cấp tỉnh tại một số địa phương, từ đó rút kinh nghiệm trong việc bố trí cơ cấu tổ chức hợp lý.

Một số ý kiến cũng cho rằng, đề án phải đánh giá được sau khi thí điểm hợp nhất sẽ giảm được bao nhiêu biên chế, bao nhiêu chức danh, bao nhiêu vị trí việc làm, tiết kiệm được bao nhiêu cơ sở vật chất, kinh phí, quy mô, đặc biệt là tính hiệu quả và phải nhìn thấy tương lai một cách rõ ràng. Như nhìn nhân của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng, với việc thí điểm hợp nhất này chỉ quyết tâm chính trị thôi chưa đủ, mà phải có các điều kiện đi kèm để bảo đảm hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng chung.

Theo ban soạn thảo đề án, việc hình thành 3 Văn phòng riêng làm cho bộ máy cồng kềnh, nhiều phòng, nhiều cấp phó, khó tập trung nguồn lực và phát sinh tăng trụ sở. Mỗi tỉnh, thành có 3 đơn vị tương đương cấp sở làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, như vậy, trên toàn quốc sẽ có 189 cơ quan và trên 500 lãnh đạo cơ quan cấp sở (tương đương giám đốc, phó giám đốc sở). Ngoài ra còn hình thành nhiều đơn vị trung gian cấp phòng.

Khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng, sẽ giảm được 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương. Tương ứng với đó giảm được 2 cấp trưởng và 3 cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó trưởng phòng.

Theo tính toán sơ bộ, với 3 cơ quan độc lập như hiện nay, có 189 Chánh Văn phòng, ít nhất 378 Phó Chánh Văn phòng, nếu thành lập văn phòng chung sẽ giảm được 126 Chánh Văn phòng và ít nhất 126 Phó Chánh Văn phòng.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hop-nhat-khong-quen-giam-sat-kiem-soat-quyen-luc-1307250.tpo