Hợp nhất Ủy ban Kiểm tra của Đảng với Thanh tra là cần thiết

Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo với chủ đề 'Thí điểm hợp nhất cơ quan Thanh tra Nhà nước và cơ quan Kiểm tra của Đảng' do Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ đã tổ chức ngày 30/11.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Đã có 8 tỉnh thực hiện hợp nhất

Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL& KHTT) Phạm Thị Thu Hiền cho biết, việc hợp nhất Cơ quan Thanh tra Nhà nước và Cơ quan Kiểm tra của Đảng đã được đặt ra cách đây gần 10 năm tại Đề án 01 - ĐA/UBKTTW ngày 8/7/2009 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020.

Mục đích của việc hợp nhất này là hướng đến việc tinh giảm biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, đặc biệt là khắc phục những chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo giữa hai cơ quan này.

Ngày 7/8/2018, Bộ Chính trị có Kết luận 34/KL-TW đã nêu" thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện".

Thực hiện Kết luận 34/KL-TW, tính tới thời điểm hiện tại đã có 8 tỉnh thực hiện việc hợp nhất Cơ quan Thanh tra Nhà nước và Cơ quan Kiểm tra của Đảng ở những cấp độ khác nhau như: Hà Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Trà Vinh.

"Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực tiễn của Viện CL&KHTT về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất cho thấy, quá trình thí điểm hợp nhất Cơ quan Thanh tra Nhà nước và Cơ quan Kiểm tra của Đảng và việc tổ chức hoạt động thanh tra kiểm tra tại các địa phương đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết" Phó Viện trưởng cho hay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ trao đổi, bình luận các vấn đề như: Cơ sở lý thuyết, tư tưởng, quan điểm của việc hợp nhất giữa hai cơ quan; thực trạng về địa vị chính trị - pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của hai cơ quan.

Bên cạnh đó, thực tiễn việc thực hiện thí điểm hợp nhất hai cơ quan như: bối cảnh, quan điểm, chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước có liên quan đến vấn đề hợp nhất; tình hình thực hiện thí điểm hợp nhất.

Đồng thời, đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của hai cơ quan đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay.

Hợp nhất nhằm rút ngắn quy trình công tác, tránh trùng lắp

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương cũng cho rằng, thực tiễn hoạt động của ba cơ quan riêng biệt như vừa qua đã xuất hiện những bất cập, hạn chế và trùng chéo. “Do nội hàm gần gũi giữa kiểm tra, giám sát và thanh tra nên trong thực tế những hành vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, khó có thể phân biệt rạch ròi ranh giới đâu thuộc phạm vi kiểm tra của UBKT và đâu thuộc phạm vi thanh tra của thanh tra Nhà nước, do đó, trong hoạt động của hai cơ quan này không thể tránh khỏi bất cập, trùng chéo”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Hiện tượng, cùng một đối tượng và cùng một vi phạm nhưng lại có hai tổ chức khác nhau là UBKT và Thanh tra Nhà nước cùng tiến hành xem xét, nhưng nhiều khi đi đến kết luận không giống nhau. Chính điều này dẫn đến việc kỷ luật đảng và kỷ luật chính quyền, đoàn thể nhiều khi không tương xứng với nhau.

Có những trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng nhưng chính quyền vẫn không xem xét kỷ luật mà còn cất nhắc, đề bạt ở chức vụ quản lý cao hơn và ngược lại có trường hợp bị kỷ luật về chính quyền, đoàn thể nhưng lại không xem xét kỷ luật về đảng, đã làm hạn chế tác dụng của kỷ luật đảng cũng như kỷ luật của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, chính sự kiểm tra và thanh tra trùng chéo cũng làm tốn kém thời gian, thậm chí gây ra tâm lý "chán nản" của đối tượng được kiểm tra, thanh tra.

Bà Ngọc cho rằng, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan UBKT của Đảng và cơ quan thanh tra Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và xử lý sai phạm theo quy định.

Đòi hỏi thực tiễn cần phải hợp nhất cơ quan UBKT và Thanh tra nhằm tăng cường sức mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, thông qua việc phát huy thế mạnh ở mỗi cơ quan, tận dụng năng lực chuyên môn của cán bộ thanh tra, kiểm tra, rút ngắn quy trình công tác, tránh trùng lắp; khắc phục những hạn chế, tồn tại trước đây để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị hiện nay. Như vậy, việc nghiên cứu "Hợp nhất UBKT với Thanh tra" là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Tổ chức bộ máy gọn nhẹ, điều hành tập trung

Theo đại diện Thanh tra Hà Nội, sự hợp nhất mang lại những hiệu quả tích cực như: Tổ chức bộ máy gọn nhẹ, điều hành tập trung. Đối với cấp tỉnh, tổ chức bộ máy gồm Thường trực cơ quan, Văn phòng cơ quan và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ (các phòng chuyên môn có cùng nhiệm vụ như theo dõi địa bàn, đơn vị; đơn thư, khiếu nại, tố cáo được sáp nhập làm thành một đơn vị). Đối với cấp huyện, tổ chức bộ máy gọn lại thành một cơ quan, không có phòng ban trực thuộc.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao và toàn diện hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau có thể bổ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng cao, khắc phục được tình trạng chồng chéo trong hoạt động giữa thanh tra và kiểm tra; việc xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra được tiến hành đồng bộ, kịp thời.

Theo vị này, việc hợp nhất UBKT và Thanh tra ở cấp tỉnh và cấp huyện sẽ góp phần: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra của Đảng và công tác thanh tra của Nhà nước; làm tinh gọn đầu mối, giảm biên chế; tăng cường sức mạnh, nâng cao năng lực phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm của cán bộ, đảng viên; tạo sự thống nhất và tập trung cao trong đánh giá tính chất, mức độ và xác định hình thức, biện pháp xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, có 2 hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và công tác thanh tra của Nhà nước

Một số đồng chí đứng đầu cơ quan UBKT - Thanh tra cấp huyện thiếu kinh nghiệm, nên chưa quán xuyến, bao quát hết công việc trong lĩnh vực thanh tra, nhất là công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, dẫn đến lúng túng trong chỉ đạo, điều hành. Có nơi, khi sáp nhập cơ quan UBKT - Thanh tra không đánh giá đầy đủ, đúng mức khối lượng công việc của cơ quan sau hợp nhất, nên cắt giảm biên chế, dẫn đến giải quyết công việc của cơ quan chậm, không tham mưu giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/hop-nhat-uy-ban-kiem-tra-cua-dang-voi-thanh-tra-la-can-thiet_t114c1059n158601