Hợp tác nghề cá ở Biển Đông: Ai hủy diệt các rạn san hô, làm cạn kiệt nguồn cá?

Đánh bắt cá là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất, làm đau đầu các nhà quản lý quốc gia ở khu vực Biển Đông.

Việc đánh bắt cá quá mức, đánh bắt cá trái phép (IUU Fishing) và việc sử dụng những phương thức đánh cá mang tính chất hủy diệt vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường hàng hải hiện nay đã dẫn đến sự suy giảm đáng báo động về nguồn cá ở khu vực này. Hiện nay trữ lượng cá ở khu vực Biển Đông chỉ còn khoảng 5% nguồn cá của những năm 1990.

Tại Hội thảo Đối thoại biển lần thứ hai về “Hợp tác nghề cá ở Biển Đông” do Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) và Đại sứ quán Australia tổ chức cuối tuần trước, Đại úy Martin A.Sebastian – Viện Biển Malaysia, các nhà quan sát đã phân tích thực trạng chỉ ra những tác động về mặt kinh tế của các hoạt động suy kiệt nguồn cá tại Biển Đông.

Nghiên cứu của TS Vũ Thanh Ca – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, chính việc đánh bắt cá quá mức, đánh bắt trái phép và sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt cùng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trong thời gian qua đã hủy diệt các rạn san hô, điều này làm suy giảm cạn kiệt nguồn cá.

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo ông Ca, những phương pháp đánh bắt cá mang tính chất hủy diệt bao gồm: Đánh bắt bằng mìn nổ, lưới cào đáy, hay việc Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép một số đảo nhân tạo ở trung tâm khu vực Biển Đông với diện tích hơn 160 cây số vuông, cũng làm ảnh hưởng tới các rạn san hô trong vùng này và tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường sinh thái biển. Dự tính sẽ mất khoảng 5 tỷ đô la do rạn san hô bị hủy hoại bởi những hoạt động xây dựng trái phép này.

Tình hình sẽ còn tệ hại hơn, có thể mất trắng nguồn lợi hải sản ở khu vực Biển Đông. Muốn bảo vệ rạn san hô cần phải chấm dứt ngay tình trạng đánh bắt cá quá mức và kiểm soát, duy trì nguồn cá ở mức đủ có thể duy trì đa dạng sinh học và tạo cơ sở cho san hô phục hồi.

Đại úy Sebastian, đến từ Malaysia cho rằng, có rất nhiều bên liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trái phép nhưng chưa có một tổ chức đóng vai trò trung tâm có thể điều phối tất cả các bên liên quan này để từ đó đưa ra một giải pháp toàn diện. Hiện nay vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và xây dựng cơ chế mới đó.

Một trong những giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt trái phép là xây dựng cộng đồng tham gia bảo đảm an ninh chứ không chỉ có việc tuần tra chung. Như vậy, việc đầu tư nhiều vào các trang thiết bị mới như tăng số lượng tàu tuần tra chưa hẳn đã là giải pháp hữu hiệu.

Ông Sebastian gợi ý, để tạo ra một đường an ninh dọc bờ biển không thì không chỉ là việc trang bị vũ khí, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển mà điều quan trọng không kém là phải xây dựng được một cộng đồng chung tay, góp sức duy trì an ninh. Cộng đồng này là những người ngư dân và các cấp quản lý. Không ai khác, chính người dân có thể đóng vai trò giám sát hiệu quả, nhờ kinh nghiệm và am hiểu địa bàn. Khi phát hiện vấn đề họ sẽ kịp thời báo động cho các nhà chức trách.

Bàn về sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông, tiến sỹ Shafiah Muhibat - Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore cho biết, hiện có khoảng hơn hai mươi Hiệp định song phương hiện nay có hiệu lực với các quốc gia trong khu vực, tuy nhiên vẫn thiếu cơ chế hợp tác song phương để giải quyết những tranh chấp xảy ra trong việc đánh bắt cá ở vùng Biển Đông.

Do vậy, để bảo vệ nguồn cá, cũng là bảo vệ sinh kế cho số đông các ngư dân trong khu vực, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi quốc gia cần xây dựng cơ chế thảo thuận, thiết lập ban thư kí thẩm định giám sát thực thi các thỏa thuận và gửi đến lãnh đạo các quốc gia thành viên trong khu vực, mỗi năm cơ chế này sửa đổi một lần cho phù hợp. Cơ chế ấy không chỉ nội khối ASEAN mà rộng rãi hơn và gắn liền với cơ chế Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, các quốc gia cũng cần xây dựng cơ chế đưa ra được mức trần sản lượng đánh bắt cho các khu vực lãnh hải chung.

Vì chỉ khi có các cơ chế rõ ràng thì mới có thể giải quyết được vấn đề như chuyện cạn kiệt nguồn cá tại Biển Đông mà chúng ta đang chứng kiến.

Tại họp báo thường kỳ chiều 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nói về việc Bộ Nông nghiệp TQ thông báo điều chỉnh quy chế cấm đánh bắt cá trên biển bao gồm một số vùng biển của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/5 tới.

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía TQ. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển được xác định phù hợp với các quy định trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, trái với thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - TQ, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển”.

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ai-huy-diet-cac-rang-san-ho-lam-can-kiet-nguon-ca-437409.html