HỢP TÁC NGHỊ VIỆN TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG HỒI PHỤC KINH TẾ TRONG GIAI ĐOẠN ĐẠI DỊCH COVID - 19

Trong phiên làm việc nhóm tại Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 11 do Quốc hội Philipines đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 14/8/2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh đã trình bày tham luận về Hợp tác nghị viện hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng hồi phục kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid - 19.

Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 11 do Quốc hội Philipines đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến

Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 11 do Quốc hội Philipines đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến

Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 11 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế, chính trị, anh ninh, xã hội của tất cả các nước ASEAN. Tại Việt Nam, sau 99 ngày không có ca mắc Covid trong cộng đồng, từ ngày 25/7 đến nay đã phát hiện nhiều ca mắc mới trên nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đối mặt với những khó khăn, thách thức này, Cộng đồng ASEAN tiếp tục nỗ lực giữ vững đoàn kết, ổn định, đề ra các biện pháp xây dựng và phát triển Cộng đồng tầm nhìn 2025, củng cố vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề khu vực cũng như quan hệ với các đối tác.

Tham luận của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh trình bày đã khẳng định, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015, đến năm 2018, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, với tổng GDP khoảng 3.000 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và ngày càng diễn biến phức tạp, Cộng đồng ASEAN cũng như các nước trên thế giới đặt ra ưu tiên hàng đầu là chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.

Những biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid -19 đã tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế, thương mại cũng như đời sống của nhân dân các nước trong khu vực. Ngân hàng Phát triển Châu Á mới đây đã dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh nhấn mạnh, bên cạnh việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới, ASEAN cần giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng hồi phục kinh tế trong giai đoạn đại dịch.

Trong bối cảnh này, tăng cường hợp tác Nghị viện, thể hiện tinh thần đồng hành của các Nghị viện thành viên AIPA với Chính phủ các nước ASEAN nhằm kịp thời ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng là hết sức cần thiết. Vì vậy, tại Hội nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất 6 khuyến nghị đối với các Nghị viện thành viên AIPA:

1, Các Nghị viện thành viên AIPA khẳng định quyết tâm nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, ủng hộ việc triển khai các sáng kiến của ASEAN, nhằm chủ động ứng phó, phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, tính mạng và ổn định cuộc sống của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

2, Tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung cứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn.

3, Duy trì các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với đại dịch Covid - 19, kịp thời ban hành những chính sách về giáo dục, thất nghiệp, cải thiện hệ thống y tế công trong đó có nâng cao khả năng tiếp cận vắc-xin và các nhu yếu phẩm, trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương và gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện các chính sách phù hợp nhằm giảm tác động kinh tế của đại dịch Covid -19 đến các ngành, nghề trong ASEAN, đặc biệt là du lịch, thông qua gói kích thích kinh tế và cơ hội việc làm.

4, Cam kết thúc đẩy việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

5, Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN. Tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thư tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh Covid - 19.

6, Thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông; tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các tiểu vùng khác của khu vực ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch Covid -19./.

Lan Hương - Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47569