Hợp tác phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước

Sáng 21/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32: Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Dự và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn đảng, toàn ngành để gặt hái được những thành tựu nổi bật trong hoạt động ngoại giao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt các việc. Đó là, tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về ngoại giao kinh tế, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, các nước tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách và thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế;

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong làm cơ bản, chiến lược lâu dài và quyết định với nguồn lực bên ngoài làm quan trọng và đột phá, huy động nguồn lực trong phát triển đất nước. Góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân, như: Đại dịch Covid-19; chống biến đổi khí hậu; an ninh lương thực, an ninh năng lượng...;

Góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước. Thúc đẩy ngoại giao nhân dân, quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân; cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.

Bên cạnh mặt làm tốt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, trong hoạt động ngoại giao, không được chủ quan, lơ là, phải có chương trình kế hoạch giải quyết dứt điểm những vấn đề hạn chế tồn đọng. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết; ứng xử chính sách phải nhanh và hài hòa, hiệu quả, tránh tốn kém nguồn lực. Các biện pháp ngoại giao thể hiện tinh thần “Cây tre Việt Nam - Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” và tạo sự tin cậy cho đối tác, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong 3 năm qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 120 đoàn làm việc với các địa phương, hơn 100 hoạt động kết nối các đối tác quốc tế quan trọng, hỗ trợ ký kết hơn 250 văn bản hợp tác kinh tế quốc tế. Đặc biệt trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, có khoảng 200 hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao; 45 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tới các nước láng giềng, đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Đồng thời, Việt Nam tiếp đón gần 50 đoàn cấp cao của các nước, Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế…

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo kết quả nổi bật trong công tác ngoại giao nửa nhiệm kỳ qua.

Việt Nam nhanh chóng chuyển từ ngoại giao vaccine sang phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hội nhập, gắn kết kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, khu vực; duy trì chuỗi cung ứng, khai thác, tranh thủ mọi cơ hội, thu hút các nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển đất nước.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU Nguyễn Văn Thảo phát biểu tham luận: “Các tiêu chuẩn, quy định mới của Liên minh châu Âu về thương mại, đầu tư quốc tế; cơ hội và thách thức cho xuất khẩu Việt Nam”.

Đối ngoại quốc phòng, an ninh kết hợp chặt chẽ với các lĩnh vực khác, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; góp phần tăng cường lòng tin, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ…

Đối với tỉnh Cà Mau, trong bối cảnh năm 2023 còn khó khăn, biến động khó lường, song lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ về công tác ngoại giao kinh tế. Trong năm, tỉnh tổ chức 5 đoàn đi xúc tiến thương mại, đầu tư tại Hoa kỳ, châu Âu, Singapore và Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Trung Đông; tham gia 1 đoàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức làm việc với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, Trung Quốc. Dự ước năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1,2 tỷ USD, bằng 92,3% kế hoạch, giảm 8,47% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 110,94 triệu USD, giảm 48,71% so với năm 2022.

Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chủ trì hội nghị.

Về hợp tác hữu nghị, năm 2023, tỉnh hỗ trợ Campuchia hơn 2,8 tỷ đồng. Từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ 5 tỷ đồng học bổng cho học sinh, sinh viên tỉnh Khăm Muộn, Lào sang học tập tại Việt Nam và tổ chức Đoàn công tác sang tỉnh Khăm Muồn khảo sát, hỗ trợ thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Các cơ quan chuyên môn có liên quan đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương mời tư vấn xây dựng Dự án: “Trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh” ở 2 điểm tại 22 huyện Nhôm Ma Lát và Nong Buk, tỉnh Khăm Muồn, với quy mô diện tích 20 ha/điểm.

Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh tổ chức Đoàn đi thăm, làm việc với tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc để thực hiện nội dung đưa lao động thời vụ sang tỉnh Jeollabuk làm việc theo nội dung Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa 2 địa phương…

Loan Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hop-tac-phat-trien-de-huy-dong-nguon-luc-xay-dung-dat-nuoc-a30587.html