Hợp tác và liên kết Á - Âu một cách hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung (*)

LTS - Ngày 27-9-2019, tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn 'Kết nối Á - Âu: Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững' do Ủy ban châu Âu tổ chức. Chúng tôi trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa Quý vị đại biểu, Quý vị khách quý,

Đại diện cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôi rất vui mừng và vinh hạnh được tham dự và phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối Á - Âu: Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững” do Ủy ban châu Âu tổ chức.

Thưa Quý vị,

Đã một thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới đã và đang hồi phục, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất định như sự gia tăng xu hướng bảo hộ mậu dịch, sự leo thang căng thẳng thương mại và địa chính trị tại nhiều khu vực đã ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư và xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm suy yếu hệ thống thương mại và hợp tác đa phương đã được xây dựng trong những thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 cộng hưởng với xu hướng dịch chuyển sức mạnh kinh tế thế giới từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam kéo theo một trật tự thế giới đa chiều đang dần được hình thành với sự xuất hiện những khái niệm mới như “Toàn cầu hóa 4.0”, đã và đang tạo ra những thay đổi, thách thức có ảnh hưởng sâu rộng đến quản trị toàn cầu cũng như quan hệ giữa các quốc gia và khu vực.

Nhưng mặt khác, những thay đổi mạnh mẽ của môi trường quốc tế cũng đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia và nếu có những chính sách đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể phát huy thế mạnh, thậm chí trở thành người tiên phong dẫn dắt và định hình cho các khuôn khổ, cấu trúc hợp tác quốc tế mới. Đóng sập cánh cửa hợp tác không phải là một lựa chọn. Thay vào đó, tăng cường hội nhập, hợp tác và cùng nhau chung tay có lẽ mới là lựa chọn đúng đắn để chúng ta bước tiếp.

Thưa Quý vị,

Châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên như một trung tâm liên kết kinh tế toàn cầu với trên 150 FTA, chiếm gần 2/3 tổng số FTA trên thế giới và đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt ba thập kỷ qua, với tỷ trọng trong GDP toàn cầu tăng nhanh từ 14% năm 1988 lên 36% năm 2018 và dự đoán đến năm 2050, sẽ đóng góp tới 55% GDP thế giới và 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, châu Âu, một lục địa với những nền kinh tế phát triển lâu đời, là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Liên hiệp châu Âu là nền kinh tế lớn thứ hai, nhà xuất khẩu hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hơn 100 quốc gia. Vượt qua khủng hoảng kinh tế và nợ công, nền kinh tế EU đang hồi phục vững chắc với tăng trưởng GDP Khu vực đồng ơ-rô đạt 1,9% năm 2018 vừa qua.

Do đó nếu chúng ta xây dựng được một khuôn khổ hợp tác hiệu quả giữa hai châu lục này, thì đây sẽ trở thành những điểm sáng và hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, với trao đổi thương mại lên tới hơn 1.500 tỷ USD/năm, chiếm hơn 65% GDP thế giới và đóng góp hơn 70% cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018. Thêm vào đó, quan hệ giữa Âu - Á chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu như hiện nay, không chỉ là sự kết nối về kinh tế, mà còn là sự giao thoa về văn hóa, xã hội, cùng đối mặt với nhiều thách thức và cùng chia sẻ nhiều lợi ích từ cơ chế hợp tác và môi trường hòa bình, ổn định của khu vực đem lại.

Thưa Quý vị,

Điểm qua những điều trên để cho thấy tiềm năng hợp tác giữa châu Á và châu Âu là vô cùng to lớn, vì chúng ta không chỉ chia sẻ nhiều cam kết, tầm nhìn, mục tiêu và lợi ích chung, mà đồng thời cùng chia sẻ nhiều thách thức và cơ hội chung. Do vậy, kết nối là cách thức mà chúng ta cùng nhau hướng tới tương lai, kết nối càng mạnh mẽ và bền chặt thì tương lai càng tươi sáng và nhiều cơ hội.

Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực tăng cường kết nối Á - Âu của Liên hiệp châu Âu nhằm hướng tới việc kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên các luật lệ quốc tế. Bốn lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược Kết nối Á - Âu là kết nối giao thông, kết nối số, kết nối năng lượng và kết nối con người đều là những lĩnh vực mà hai châu lục chúng ta có nhiều tiềm năng và nhu cầu để hợp tác. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Ngân hàng châu Á (ADB) tính toán đến năm 2030, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ khoảng 1.500 tỷ USD/năm và nếu tính cả chi phí cho giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thì con số ước tính sẽ lên tới 1.700 tỷ USD/năm. Nhu cầu vốn này rất lớn và vượt xa nguồn cung hiện thời.

Do vậy, đây là thời điểm chúng ta cần tăng cường hơn nữa kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á - Âu một cách hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung cho hai khu vực và thế giới. Vì lợi ích của chính mình và cả thế giới, hai châu lục chúng ta cần phải tiên phong thúc đẩy hợp tác hướng tới một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, hợp tác và bền vững hơn.

Thưa Quý vị,

Sau 30 năm đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,5 - 7%/năm, nhờ đó thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp năm lần; trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có độ mở lớn nhất khu vực châu Á và là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với hơn 351 tỷ USD vốn đầu tư FDI, và khoảng 25.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Về thương mại quốc tế, Việt Nam có quan hệ với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN, Cơ chế Hợp tác Á - Âu ASEM, Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO… Với 16 FTA đã ký và đang đàm phán, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với gần 60 quốc gia, và cũng là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với toàn bộ nhóm G7 và 16/20 nước G20.

Tháng 1-2019 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” CPTPP giữa Việt Nam với 10 nước đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu chính thức có hiệu lực, tạo nên một khối kinh tế có quy mô 13% GDP toàn cầu. Cuối tháng 6-2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư EVFTA và IPA, trở thành nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký FTA với EU. Nếu EU và Việt Nam có thể sớm phê chuẩn Hiệp định này, thì có nghĩa Việt Nam sẽ có ưu thế thương mại tự do với hầu hết các đối tác thương mại chính trên thế giới. Nghĩa là, khi nói đến Việt Nam, người ta không còn chỉ nói về lợi thế thị trường gần 100 triệu dân mà còn là thị trường các nước ASEAN, CPTPP và EU, góp phần tạo nên xung lực mới của hợp tác Đông - Tây, mang đến sự phát triển thịnh vượng của hai khu vực Á - Âu và toàn cầu.

Thưa Quý vị,

Sang năm 2020, bên cạnh việc được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam cũng sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, do đó với vị trí và vai trò của mình, Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng đóng vai trò là cửa ngõ, là cầu nối gắn kết giữa EU với khu vực ASEAN và rộng hơn là với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU đi vào chiều sâu, phát triển sang một giai đoạn mới năng động hơn, tương xứng với tiềm năng và đáp ứng tốt lợi ích của hai bên. Trước mắt, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Việt Nam và một số đối tác khác tại ASEAN, hai bên có thể thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do liên khu vực giữa ASEAN và EU, đồng thời nỗ lực, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và có lợi ích chung.

Chúng tôi kỳ vọng, sự hợp tác ngày một chặt chẽ và sâu rộng giữa Việt Nam - EU và ASEAN - EU sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho hai khu vực và toàn cầu. Một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng là nguyện vọng của tất cả các quốc gia, dân tộc. Tương lai ngày mai sẽ được quyết định bởi hành động hôm nay của chúng ta. Do vậy, đại diện cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôi mong muốn các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác, kết nối để cùng tìm kiếm những giải pháp cho những rủi ro, thách thức chung, đồng thời, tìm ra cơ hội cùng phát triển.

Sự năng động, sáng tạo và mức độ kết nối ngày càng cao cho chúng ta cơ sở lạc quan về tương lai kinh tế tươi sáng của hai châu lục. Để đạt mục tiêu đó, tôi muốn nhấn mạnh đến hai yếu tố quan trọng, tiên quyết thúc đẩy sự thành công kết nối Á - Âu trong giai đoạn tới như sau:

Thứ nhất, hòa bình, an ninh là điều kiện tiên quyết, là nền tảng cho hợp tác, kết nối về kinh tế và phát triển bền vững thành công, nhất là trong bối cảnh vẫn đang có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và xâm phạm lợi ích, chủ quyền của các nước. Do đó, hai châu lục cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin dựa trên nguyên tắc các tranh chấp phải được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm các luật lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, để hợp tác, kết nối hiệu quả và thực chất, cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong đa dạng. Hai châu lục cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các đặc thù về thể chế, văn hóa, xã hội và truyền thống lịch sử rất đa dạng của mỗi bên. Đảm bảo quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cởi mở và cân bằng giữa các ý thức hệ khác nhau, hài hòa giữa các giá trị và đa dạng văn hóa, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm tăng cường gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, có được sự thống nhất về ưu tiên và phối hợp hành động để chung tay giải quyết các thách thức chung.

Để kết thúc bài phát biểu của mình, tôi muốn mượn lời cố Tổng Thư ký Liên hợp quốc C.An-nan: “Hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người, chúng ta cùng nhau chia sẻ một vận mệnh. Chúng ta chỉ có thể làm chủ vận mệnh đó, nếu chúng ta cùng nhau đối diện với nó”. Và chỉ có sự đoàn kết, chung tay và tin tưởng mới có thể giúp chúng ta cùng nhau hướng tới tương lai chung hòa bình, thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững.

Tôi xin chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp. Chúc Quý vị đại biểu sức khỏe và hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn.

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.

TSKH NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41743202-hop-tac-va-lien-ket-a-au-mot-cach-hieu-qua-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung-va-thinh-vuong-chung.html