Hợp tác Việt Nam - các nước

Chiều 18-2, tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn (Hà Nội), Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam phối hợp Phòng Tùy viên Quốc phòng Ô-xtrây-li-a tại Hà Nội, tổ chức lễ bế mạc tập huấn, trao đổi kỹ năng bắn súng quân dụng giữa hai nước Việt Nam - Ô-xtrây-li-a.

Tới dự, có Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thượng nghị sĩ Lin-đa Rây-nốt-xơ, Bộ trưởng Quốc phòng Ô-xtrây-li-a; bà Rô-bin Mu-đi, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam. Đợt tập huấn diễn ra từ ngày 7 đến 18-2, nhằm trao đổi các nội dung, trong đó tập trung vào quy tắc bảo đảm an toàn, lý thuyết bắn súng ngắn, súng trường, súng bắn tỉa và động tác yếu lĩnh bắn mục tiêu tĩnh, mục tiêu vận động. Kết thúc tập huấn, trao đổi, 100% học viên đã nắm được những nội dung cơ bản về lý thuyết bắn, động tác yếu lĩnh, kết quả bắn được nâng lên làm cơ sở huấn luyện và tham gia thi đấu các giải bắn súng quân dụng quốc tế, trước mắt là tham gia thi đấu Hội thi kỹ năng bắn súng lục quân Ô-xtrây-li-a (AASAM) 2020.

* Ngày 17-2, tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ đã trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Tổng Giám đốc WTO R.A-xê-vê-đô. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định, Việt Nam kiên trì chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của WTO, luôn coi trọng và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với nòng cốt là WTO.

* TTXVN dẫn nguồn Mekong Online (I-ta-li-a) cho biết, chuyên gia V.Boóc-xi, thuộc Viện Nghiên cứu Việt Nam học của I-ta-li-a vừa có bài viết đánh giá tích cực việc Nghị viện châu Âu (EP) thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU). Tác giả V.Boóc-xi nhận định, việc EP thông qua EVFTA là một bước đi quyết định trong việc thiết lập và áp dụng một thỏa thuận thương mại, được đánh giá là “tiên tiến, hiện đại và tham vọng nhất” giữa EU với một quốc gia có thu nhập trung bình. EVFTA cũng được xem như một mô hình cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai giữa EU với các nước đang phát triển.

* Giám đốc Trung tâm Việt Nam học tại thành phố Tu-rin, I-ta-li-a, bà X.Xca-li-ốt-ti cho rằng, việc EP thông qua EVFTA đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Đối với các công ty của I-ta-li-a, EVFTA có thể được coi là một hiệp định đôi bên cùng có lợi, toàn diện và tạo ra hiệu ứng tích cực với kế hoạch đầu tư, kinh doanh dài hạn.

* Chủ tịch Phòng Thương mại I-ta-li-a - Việt Nam P.An-ba-nô khẳng định, những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương giữa I-ta-li-a và Việt Nam liên tục phát triển. Để tận dụng cơ hội EVFTA mang lại, các công ty, nhất là các doanh nghiệp I-ta-li-a cần nhanh chóng nắm bắt và tham gia thị trường Việt Nam.

* International Business Times dẫn nguồn đại diện Văn phòng Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh, ông P.Ha-ra-xi-mô-vích nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn nhất với các công ty Ba Lan ở Đông - Nam Á và việc EVFTA vừa được EP thông qua có thể giúp thúc đẩy thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam. Theo ông P.Ha-ra-xi-mô-vích, phần mềm, công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp nặng như khai thác, đóng tàu, máy móc và thiết bị cho sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm… là các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Ba Lan.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43311402-hop-tac-viet-nam-cac-nuoc.html