Hợp tác Việt Nam – Campuchia: Có thể tạo ra sự 'bùng nổ'

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam – Campuchia còn lớn, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì có thể tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về sự hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc.

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-8/12 của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, chiều 6/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia với sự tham dự của hơn 400 đại biểu nhằm chia sẻ cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn

Nhiều kết quả tích cực

Khẳng định quan hệ Việt Nam – Campuchia đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ hai nước trong thời gian qua đã góp phần giải quyết nhiều vướng mắc trong hợp tác giữa hai nước.

Cụ thể, hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3,8 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2016). 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 3,8 tỷ USD (tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái).

Nếu tiếp tục duy trì đà này, cả năm dự kiến sẽ đạt gần 5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng tích cực này, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ sớm vượt mục tiêu được đặt ra cho năm 2020 và mở ra những cơ hội mới để hướng tới mục tiêu 7-8 tỷ USD vào năm 2020” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 11/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận có 210 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài là trên 3 tỷ USD. Những dự án đầu tư của Việt Nam vào Campuchia tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông – công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến – chế tạo, thương mại, y tế, năng lượng, xây dựng…

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel), Tập đoàn cao su Việt Nam… đã có mặt tại Campuchia, góp phần vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia cũng như trở thành động lực hợp tác bền chặt giữa hai nước.

Ở chiều ngược lại, tính đến thời điểm này, Campuchia có 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,67 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thương mại, vận tải kho bãi…

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại Diễn đàn

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt sang Campuchia đầu tư, kinh doanh

Nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ bùng nổ cho dù kinh tế thế giới có nhiều biến động. Theo đó, Thủ tướng đề xuất tập trung vào 4 định hướng chung. Thứ nhất, hai nước đều là thành viên của ASEAN, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có nhiều quy định thuận lợi mở cửa thị trường cho vốn, hàng hóa, lao động, dịch vụ. Đây là cơ sở nền tảng mà các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các thuận lợi này.

Thứ hai, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền kinh tế số, lợi thế truyền thống về tài nguyên, lao động sẽ mất dần lợi thế. Các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp trẻ cần tập trung vào đổi mới, sáng tạo và trở thành động lực thúc đẩy vượt lên.

Thứ ba, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng lao động Campuchia, bảo vệ tốt môi trường. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, PVN, EVN, Tập đoàn Cao su, BIDV... phải là những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam hoạt động đầu tư kinh doanh thành công tại Campuchia.

Thứ tư, Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Campuchia dành cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo động lực trong việc thúc đẩy dòng chảy thương mại giữa hai bên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (ngoài cùng bên phải) tham dự Diễn đàn

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Viettel cho biết, Campuchia là thị trường viễn thông nước ngoài đầu tiên Viettel đầu tư từ năm 2006 với thương hiệu “Metfone”. Hiện nay, Metfone là nhà mạng số 1 tại thị trường cả về số thuê bao và hạ tầng mạng lưới, đóng góp đáng kể vào hoạt động xã hội của Campuchia. Theo lộ trình chiến lược của Tập đoàn Viettel, song song với quá trình thực hiện ở Việt Nam, Viettel đồng thời thực hiện công cuộc chuyển đổi số tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Campuchia.

Do đó, chúng tôi mong Chính phủ và cơ quan chức năng 2 nước tích cực hỗ trợ Viettel và Metfone trong việc xem xét cấp giấy phép kinh doanh các dịch vụ mới. Ngoài ra, hỗ trợ các quy trình có liên quan trong việc triển khai cung cấp các dịch vụ mới tại thị trường Campuchia” – Đại diện Tập đoàn Viettel đề xuất.

Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới. Cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đang sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư và thông qua Luật về đặc khu kinh tế và sẽ hiện đại hóa hệ thống hải quan và thuế quan, khuyến khích phát triển thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Ngoài các ưu đãi cho các nhà đầu tư, Campuchia là quốc gia có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Campuchia không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.” – Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-viet-nam-campuchia-co-the-tao-ra-su-bung-no-113010.html