Hợp tác xã – 'Bệ đỡ' để nông nghiệp Đắk Nông phát triển

Các hợp tác xã ở Đắk Nông ngày càng phát huy rõ nét vai trò 'bệ đỡ' thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Kỳ 1: Tập hợp nông dân phát triển nông nghiệp

Đắk Nông hiện có 283 hợp tác xã (HTX), trong đó 230 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp đã và đang tập hợp đông đảo nông dân tham gia phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực và có lợi thế của tỉnh.

Khai sáng cho nông dân

Khoảng 100 năm trước, cây cà phê lần đầu tiên được trồng trên vùng đất Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông. Ngày nay, Đắk Nông là vùng sản xuất cà phê trọng điểm đứng thứ 3 của cả nước và Tây Nguyên với khoảng 141.000ha.

Chị Nguyễn Thị Tốt (bên trái) thành viên HTX Bechamp Đắk Nông chăm sóc cà phê hữu cơ

Cà phê đang chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của Đắk Nông và tới 59,6% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm. Đắk Nông xác định cà phê là cây trồng chủ lực hàng đầu của tỉnh, sau đó là hồ tiêu, điều, cao su.

Nhiều HTX nông nghiệp ở Đắk Nông đã tập hợp nông dân tham gia vào kinh tế tập thể khai thác tiềm năng, lợi thế của cây cà phê và dẫn dắt phát triển theo hướng chất lượng cao.

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song ngay từ khi thành lập 2021 đã định hướng sản phẩm chủ lực là cà phê hữu cơ. Hiện tại, HTX có 35 thành viên đang chăm sóc 70ha cà phê theo hướng hữu cơ.

Chị Nguyễn Thị Tốt, thành viên HTX Bechamp Đắk Nông chia sẻ kinh nghiệm làm phân hữu cơ cho các nông dân

Chị Nguyễn Thị Tốt, thành viên HTX Bechamp Đắk Nông có 2ha cà phê chia sẻ: “Tôi có hơn 20 năm trồng cà phê nhưng trước đó không biết gì về cách trồng hữu cơ. Trong suy nghĩ của tôi làm cà phê hữu cơ rất khó. Mình không thể làm được. Từ khi vào HTX và được hướng dẫn kỹ thuật, tôi thấy làm cà phê hữu cơ không khó. Càng bắt tay vào sản xuất cà phê hữu cơ tôi càng đam mê!”.

Được HTX hướng dẫn kỹ thuật, chị Tốt và các thành viên đều biết cách sử dụng các chế phẩm ủ phân hữu cơ và các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh bón cho vườn cà phê.

“Hàng chục năm trước tôi đã đổ hàng tấn phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học lên vườn cây. Lúc đó, tôi chưa biết tác hại của nó đối với sức khỏe của bản thân cũng như người tiêu dùng. Tôi phải mất mấy năm cải tạo vườn mới tẩy sạch tồn dư hóa học độc hại trong đất, trong cây. Bây giờ thực sự gia đình tôi mới được hít thở không khí trong lành. Người tiêu dùng sản phẩm cũng tốt cho sức khỏe. Tôi đã từ bỏ sản xuất vô cơ và không bao giờ quay lại nữa!”, chị Tốt vui vẻ chia sẻ.

Anh Hà Công Xã, thành viên HTX hướng dẫn kỹ thuật chế biến phân hữu cơ cho nông dân

Anh Hà Công Xã, thành viên kiểm soát kỹ thuật, một trong những người sáng lập HTX Bechamp Đắk Nông chia sẻ: “HTX được lấy theo tên của nhà khoa học người Pháp có nhiều đóng góp cho nông nghiệp hữu cơ là Giáo sư Antoine Becchamp. Bài học từ cà phê bẩn trong quá khứ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của nông dân. Từ đó, chúng tôi đã vận động nông dân tham gia thay đổi tư duy sản xuất. Sản phẩm nông sản sạch thì mới đem lại hiệu quả kinh tế và bền vững”.

Sau thời gian dài nghiên cứu, HTX Bechamp Đắk Nông đã có phương thức canh tác riêng của mình. Trước hết, HTX hướng dẫn cho thành viên, nông dân “2 nền tảng” về kỹ thuật sử dụng vi sinh vật có lợi và xác bã động vật, thực vật sản xuất phân bón, thuốc hữu cơ chăm sóc vườn cây.

Thứ hai là biện pháp“hai không” gồm: không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học và không sử dụng phân bón hóa học. Thứ ba là “2 bắt buộc”, đó là thành viên, nông dân phải học tập và áp dụng kỹ thuật của HTX về tự lập nhân nuôi các dòng vi sinh vật có lợi phục vụ sản xuất, sử dụng vi sinh vật để sản xuất ra thuốc trừ nấm, trừ sâu dựa trên 4 yếu tố cay, nóng, đắng, lợi khuẩn nhằm giải quyết sâu bệnh.

Vườn cà phê hữu cơ của thành viên HTX Bechamp Đắk Nông

Hiện nay, HTX Bechamp Đắk Nông có 35 thành viên đang chăm sóc 70ha theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình đạt 3 tấn/ha. Anh Hà Công Xã chia sẻ: “3 năm trước, chúng tôi đã hướng dẫn nông dân kỹ thuật tẩy chất hóa học nhằm “hồi sinh” cho đất, cho cây. Qua 3 năm triển khai, chúng tôi thống kê và thấy khi thành viên và nông dân tự sản xuất phân bón, thuốc hữu cơ thì mỗi ha cà phê mỗi năm giảm khoảng 20 triệu đồng so với trước đây mua phân, thuốc hóa học. Chúng tôi phấn đấu năm 2024 này sẽ có 10ha cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và 10ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để xuất khẩu”.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Anh Nguyễn Văn Hậu, thành viên HTX Bechamp Đắk Nông có 2ha cà phê năm nay thu về 7 tấn nhân, trong đó 4 tấn nhân honey. Anh Hậu chia sẻ: “Từ khi vào HTX, tôi chuyển đổi cách chăm sóc vườn cà phê. Hồi trước, tất cả các đợt bón phân tôi bỏ đạm, lân, kali cho vườn cây. Nhưng 3 năm qua, mỗi năm tôi chỉ bón 1 lần kali, lân với lượng đủ để cây cà phê đậu trái, còn lại các đợt sau chỉ bón phân hữu cơ gia đình tự ủ. Trong vườn tôi “nuôi” cỏ chống xói mòn đất và khi đến độ nhất định thì dùng máy phát, tận dụng làm phân chứ tuyệt đối không xịt thuốc”.

Anh Nguyễn Văn Hậu, thành viên HTX Bechamp Đắk Nông có 2ha cà phê năm nay thu về 7 tấn nhân, trong đó 4 tấn nhân honey

Ngoài cà phê, hồ tiêu, rau, củ, quả, trái cây… cũng đang được các HTX định hướng nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. 5 năm trước, anh Bế Văn Chiến ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong tham gia vào HTX Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ thương mại Thịnh Phát.

Anh Chiến được HTX Thịnh Phát hướng dẫn quy trình trồng rau VietGAP, từ đó mỗi năm 1ha rau đem về cho gia đình khoảng 250-280 triệu đồng.

Anh Bế Văn Chiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thông tin với Chủ tịch UBND Đắk Nông về sản phẩm cải thảo của HTX đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc

“Không tham gia vào HTX Thịnh Phát thì có lẽ tôi cũng đang lúng túng không biết trồng cây gì thay thế vườn cà phê già cỗi. HTX giúp tôi biết cách trồng rau VietGAP; tư vấn cho tôi trồng rau phù hợp với nguồn vốn của gia đình vì chỉ khoảng 3 tháng là thu hoạch, nhanh thu hồi vốn”, anh Chiến tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết: HTX có trên 200 nông dân là thành viên, liên kết mỗi năm trồng khoảng 80ha rau, củ, quả và khoảng 700ha hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái.

Trong đó, 2 năm qua, sản phẩm cải thảo của HTX được Công ty CJ Foods Việt Nam (Long An) mua với số lượng lớn để chế biến thành kim chi xuất khẩu sang Hàn Quốc.

230 HTX nông nghiệp của Đắk Nông đã thu hút trên 4.800 nông dân trở thành thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5.000 người.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết: Các HTX nông nghiệp đã và đang giúp nông dân khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong nông nghiệp. Những HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Đồ họa: Thanh Nga

Đến nay, các HTX của Đắk Nông đang triển khai 37 chuỗi giá trị sản phẩm về cà phê, hồ tiêu, rau, đậu, củ, quả, lúa gạo và chăn nuôi. Đắk Nông có 23 HTX với 26 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Nhiều HTX sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Nông sản của các HTX đạt UTZ, Oganic, EU, UDA, YAZ, Fairtrade, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn ngành hàng… ngày càng tăng, phát triển chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường trong nước, xuất khẩu.

Kỳ 2: Dẫn dắt nông dân phát triển bền vững

Phan Thanh Nga

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/hop-tac-xa-be-do-de-nong-nghiep-dak-nong-phat-trien-211533.html