Hợp tác xã đẩy mạnh chuyển đổi số

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh Long An đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) vào sản xuất, kinh doanh. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ứng dụng phần mềm trong quản lý, sản xuất

HTXNN Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) là một trong những HTX tiên phong CĐS trong quản lý, điều hành, kinh doanh ngay sau khi ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích các HTXNN thực hiện CĐS.

Khi bắt tay vào CĐS, HTXNN Mỹ Thạnh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn nhất là việc chuyển đổi sổ sách, nhật ký canh tác từ viết tay sang các phần mềm quản lý.

Giám đốc HTXNN Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “HTX đã tạo điều kiện cho kế toán, thủ quỹ và thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng các phần mềm trong quản lý, bán hàng, kế toán, nhật ký sản xuất,... Đặc biệt, HTX mạnh dạn đăng ký mua các phần mềm để áp dụng vào quá trình quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh. HTX cũng yêu cầu các nhà cung ứng phần mềm phải cam kết nếu trong quá trình sử dụng mà nhân viên gặp khó khăn thì phía cung cấp phần mềm phải hỗ trợ”.

Năm 2019, HTX mua phần mềm quản lý bán hàng và kế toán. Nhờ phần mềm này mà HTX giảm được 2 lao động, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất; đồng thời, công việc xuất, nhập hàng được quản lý chặt chẽ, hạn chế sai sót.

Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) dán mã QR lên từng sản phẩm để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc

Hàng ngày, HTXNN Mỹ Thạnh cung cấp ra thị trường từ 4-5 tấn rau, củ, quả các loại. Số lượng đơn hàng còn tùy vào từng ngày và nhu cầu của khách hàng. Do đó, nhờ vào các phần mềm, nhóm Zalo,... mà HTX luôn quản lý và chăm sóc tốt khách hàng. Nhân viên của HTX chỉ cần thao tác trên máy tính là có thể tính được tổng số hóa đơn xuất hoặc nhập vào HTX.

Nhằm quảng bá thương hiệu và tạo sự thuận lợi cho khách hàng trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản, HTX còn dán tem truy xuất nguồn gốc có mã QR trên từng sản phẩm, bao bì. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể quét mã QR để kiểm tra đầy đủ thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, công đoạn chế biến, phân phối, trọng lượng sản phẩm,...

Livestream bán nông sản

Trong thời đại 4.0, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối Internet hoặc một cái click chuột trên máy tính, chúng ta có thể mua được bất cứ món đồ nào mình yêu thích mà không cần phải mất quá nhiều thời gian, công sức.

Nắm bắt được nhu cầu này, đặc biệt là sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường mua bán hoa lan trầm lắng, nhiều nhà vườn không tìm được đầu ra ổn định cho hoa lan, vì thế, HTXNN Công nghệ cao Phước Điền (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) đã mạnh dạn thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin. Ban đầu, HTX chỉ đăng ký bán hoa lan trên các trang thương mại điện tử. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn các thành viên chụp ảnh hoa lan đăng bán trên các trang Facebook cá nhân. Nhờ vậy, sức tiêu thụ hoa lan của HTX tăng lên nhưng số lượng không đáng kể so với nhu cầu xuất bán của các thành viên HTX.

Đắn đo về việc tìm đầu ra cho hoa lan, Giám đốc HTXNN Công nghệ cao Phước Điền - Nguyễn Duy Phong tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu phương thức bán hàng qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram,... Sau thời gian tìm hiểu, anh Phong đứng ra livestream bán hàng. Qua nhiều lần livestream, anh rút ra được nhiều kinh nghiệm, trong đó anh quan tâm đến chất lượng từng sản phẩm, cách giao tiếp với khách hàng,…

Việc livestream giúp Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Điền (huyện Cần Giuộc) giải quyết được vấn đề đầu ra cho hoa lan

Anh Nguyễn Duy Phong cho biết: “Sau khi thành thục kỹ năng livestream bán hàng, tôi bắt đầu làm các video chia sẻ kinh nghiệm livestream cho các thành viên HTX, thậm chí những thành viên nào chưa rành về công nghệ thì tôi xuống tận nơi hướng dẫn. Riêng thành viên nào chưa tổ chức được livestream thì tôi sẽ thu mua sản phẩm để hỗ trợ đầu ra cho họ. Hiện tôi đã thành lập được một tổ chuyên livestream bán hàng, với khoảng 15 người tham gia. Thông qua hình thức livestream này, khách hàng khắp nơi đều biết đến sản phẩm Hoa lan Duy Phong. Trung bình hàng ngày, Hoa lan Duy Phong bán được trên 300 đơn hàng, với khoảng 1.000 cây hoa lan các loại”.

Anh Trần Anh Thy là một trong những thành viên của HTX đã mạnh dạn áp dụng phương thức livestream bán hoa lan sau khi được anh Phong tư vấn, hỗ trợ. Cũng như những nhà vườn khác, trước đây, anh Thy chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống là thương lái tự tìm đến thu mua. Thế nhưng, từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, điều kiện đi lại khó khăn, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng thì thương lái không còn tìm đến vườn thu mua. Thời điểm đó, anh Thy “đứng ngồi không yên” vì chưa tìm được đầu ra cho vườn lan gần 3ha của gia đình.

Anh Thy chia sẻ, hàng ngày, anh cho nhân viên tổ chức livestream 3 ca, mỗi ca 1 giờ vào các khung giờ cố định, trong đó tùy theo từng khung giờ sẽ phân khúc khách hàng khác nhau. Nhờ livestream, trung bình, các nhân viên của anh Thy sẽ bán được 30-40 đơn/ngày. Song, không phải bất cứ ai cũng có thể livestream bán hàng mà đòi hỏi phải có duyên ăn nói và cách xử lý tình huống khôn khéo làm hài lòng khách hàng.

HTXNN Công nghệ cao Phước Điền được thành lập từ năm 2019, với 27 thành viên. Trong đó, 10 thành viên trồng và kinh doanh hoa lan, tổng diện tích canh tác hơn 10ha. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà vấn đề đầu ra cho hoa lan đã được cải thiện, các thành viên an tâm sản xuất.

Giữa cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, việc CĐS trong nông nghiệp được xem là nhu cầu tất yếu. Thực tế khẳng định, nơi nào mạnh dạn CĐS, nơi đó giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận. Việc CĐS trong nông nghiệp cũng không hề khó, điều quan trọng là phải chuyển đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hop-tac-xa-day-manh-chuyen-doi-so-a173478.html