Hợp tác xã nông nghiệp ở Gia Lai: Trở đi mắc vốn, trở lại mắc hạ tầng

Với nhiều bất cập trong quá trình hoạt động và tình trạng 'trở đi mắc vốn, trở lại mắc hạ tầng', đa số hợp tác xã trong tình trạng kém hiệu quả

Trong 4 năm qua, tại Gia Lai có hơn 100 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ra đời. Với việc Luật hợp tác xã 2012 có hiệu lực, các hợp tác xã này được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả, đem lại đổi thay tích cực cho ngành nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, với nhiều bất cập gặp phải trong quá trình hoạt động và tình trạng "trở đi mắc vốn, trở lại mắc hạ tầng", đa số hợp tác xã trong tình trạng kém hiệu quả. Những HTX hoạt động hiệu quả nhất cũng khó mở rộng sản xuất kinh doanh, khó thích ứng với thị trường.

Mô hình hợp tác xã kiểu mới giúp nông dân liên kết với nhau để thích ứng với thị trường.

Đầu năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát tại thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đăk Pơ được thành lập, giúp mặt hàng rau, củ, quả sạch của 55 xã viên đến với thị trường Đà Nẵng không phải qua tay thương lái. Ngay sau đó, một số doanh nghiệp tại đây liên hệ mua hàng, nhưng hợp tác xã đành ngậm ngùi từ chối. Lý do là xưởng sơ chế đơn vị đang mượn chỉ đáp ứng được 1.200 kg hàng hóa mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc hợp tác xã cho biết, đơn vị đã nhiều lần gửi tờ trình đến UBND cấp xã, huyện để xin thuê hơn 8 sào đất 5% (đất công do cấp xã, phường quản lý) bỏ trống nhiều năm của địa phương để làm hạ tầng phục vụ sơ chế và văn phòng giao dịch, nhưng đều bị từ chối. “Cám treo, nhưng heo nhịn đói” là nghịch lý mà hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát đang gặp phải.

“Hợp tác xã làm 3 tờ trình xin đất, Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND huyện cũng trả lời là không có đất để giao, cho thuê. Lý do là Luật Hợp tác xã nói là có cơ chế cho thuê đất, nhưng phải tuân theo quy định của Luật Đất đai. Nhưng đất địa phương thì chỉ còn đất 5%. Theo luật Đất đai, đất 5% thì UBND xã quản lý, cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo hình thức đấu giá để sản xuất nông nghiệp. Nó vướng là hợp tác xã là tổ chức thì không được thuê. Đối chiếu với Luật Đất đai thì hợp tác xã không bao giờ thuê được đất này”, ông Nguyễn Văn Thành nói.

Bên cạnh khó khăn về đất đai, cơ sở hạ tầng, hiện nay đa số hợp tác xã nông nghiệp tại Gia Lai không thể tiếp cận được vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

HTX nông nghiệp Chư A Thai tại xã Ia Ke, huyện Phú Thiện hiện có 148 ha đất cùng mặt hàng gạo được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết, nhiều năm qua, đơn vị chỉ có thể loay hoay tự cung ứng vật tư đầu vào (phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật) và bán thóc, gạo thô mà không thể nào xây dựng được thương hiệu sản phẩm vì thiếu vốn. Đã nhiều lần ông gõ cửa các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, nhưng đều bị từ chối vì lý do tài sản của hợp tác xã là tài sản tập thể, được nhà nước giao nên không thể thế chấp. Cách duy nhất là thành viên hợp tác xã phải thế chấp tài sản riêng, nhưng cũng vay không được đáng là bao.

Nhờ mô hình hợp tác xã kiểu mới mà huyện Phú Thiện, Gia Lai xây dựng được nhiều cánh đồng mía lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Nghĩa cho biết: “Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ mang bản chất tự làm, tự chịu trách nhiệm, nhưng khi vay vốn thì không có tài sản thế chấp. Đất của nhà nước giao không thu tiền, đất kinh tế tập thể, không có quyền thế chấp. Chúng tôi phải tự tìm cách, tự liên kết, tự tín chấp bằng cá nhân mình, bằng tài sản của xã viên. Hiện nay, tôi đang tín chấp sổ bìa đỏ của gia đình mình để vay vốn cho hợp tác xã”.

Trong số 165 hợp tác xã ở Gia Lai hiện nay, có 119 HTX nông nghiệp.Theo Liên minh Hợp tác xã Gia Lai phần lớn các hợp tác xã đang hoạt động yếu kém, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành còn thiếu và yếu. 10% số HTX nông nghiệp tiếp cận được thị trường thì lại gặp khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt về vốn, cơ sở hạ tầng và chưa được hỗ trợ đào tạo cán bộ có trình độ theo Luật hợp tác xã 2012.

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiều ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sự phát triển của mô hình HTX.Tuy nhiên, đến nay môi trường hoạt động của các HTX nông nghiệp tại đây vẫn không khả quan hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Gia Lai, trước mắt chưa có giải pháp nào cho vấn đề này, các hợp tác xã phải tự bơi: “Liên minh hợp tác xã đã từng xuống nhiều huyện làm việc với bí thư và chủ tịch UBND huyện đề nghị có chính sách ưu tiên cho các hợp tác xã. Chỉ thị 02 năm 2017 của UBND tỉnh cũng nhắc về điều đó. Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay của hợp tác xã nông nghiệp không thể giải quyết một sớm một chiều, mà cần có thời gian. Tự thân các hợp tác xã phải tự giải quyết khó khăn của mình, bằng cách nâng cao chất lượng cán bộ”.

Mô hình HTX kiểu mới có mục tiêu làm hồi sinh và phát triển mô hình kinh tế tập thể, giúp xã viên chủ động hơn với thị trường. Để tránh tình trạng bình mới, rượu cũ trong hoạt động của các hợp tác xã, cần có chính sách hỗ trợ linh hoạt phù hợp, đồng thời tháo gỡ các rào cản, tạo môi trường phát triển cho mô hình này./.

Nguyễn Thảo/VOV - Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/hop-tac-xa-nong-nghiep-o-gia-lai-tro-di-mac-von-tro-lai-mac-ha-tang-795453.vov