Hợp tác xã vận tải ở Đồng Nai lao đao vì nhà xe hoạt động 'chui'

Nhà xe Hải Nam kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng hoạt động trá hình không có bến bãi, bắt khách dọc đường, điều phối xe trung chuyển như một nhà xe chạy tuyến cố định, gây thiệt hại nhiều cho cuộc sống vốn đã khó khăn của các nhà xe trong Hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ, hoạt động kinh doanh hợp pháp từ hàng chục năm nay.

Xe Hải Nam bắt khách dọc đường.

Xe Hải Nam bắt khách dọc đường.

Tiếp nhận đơn thư của chủ nhà xe Ngọc Lợi, từ vẻ mặt khắc khổ lam lũ của người đàn ông đã ngoài 60, chúng tôi nhìn ra sự bất lực và trông mong vào chính quyền. Ông là đại diện cho hàng chục hộ kinh doanh vận tải tham gia vào Hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ, chạy trên tuyến cố định từ Bến xe Sông Ray (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đến bến xe miền Đông (Sài Gòn).

Theo như phản ánh của ông, thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện một nhà xe ngang nhiên hoạt động trái quy định, cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiều thiệt hại cho ông và các hộ kinh doanh tham gia Hợp tác xã, trong số đó nhiều hộ đã phải bán phương tiện, ngừng kinh doanh. Đó là nhà xe Hải Nam, hoạt động dưới sự điều hành của Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang.

Hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ vốn nằm trong Hợp tác xã vận tải Xuân Lộc, được thành lập từ những năm 1985. Năm 2009, huyện Cẩm Mỹ được tách ra khỏi huyện Xuân Lộc, do đó Hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ cũng được tách riêng. Tại thời điểm thành lập, Hợp tác xã chỉ có hơn 10 thành viên cùng với khoảng 20 chiếc xe chạy trên tuyến Sông Ray - Bến xe miền Đông.

Là một xã thuộc vào vị trí vùng sâu vùng xa, lượng khách trên địa bàn có hạn, đường đất xấu với rất nhiều ổ gà, ổ voi và đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng tập thể anh chị em tài xế xã viên của Hợp tác xã không vì thế mà lơ là công việc. Họ luôn cố gắng hoạt động phục vụ bà con đồng thời đầu tư cho cơ sở vật chất, nâng cấp phương tiện vận chuyển.

Cho đến nay, Hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ đã có hơn 100 thành viên với 120 chiếc xe chạy trên cùng một tuyến đường. Nhờ sự cố gắng vươn lên, các xã viên đã tạm có cuộc sống ổn định, đồng thời vẫn luôn phấn đấu, chấp hành đầy đủ các quy định vận tải của pháp luật, thực hiện đúng các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 17/7/2019, nhà xe Hải Nam được Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (do ông Trịnh Xuân Toàn làm giám đốc) thành lập trên địa bàn và bắt đầu đi vào hoạt động vận tải. Nhà xe này nằm trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ nhưng không tham gia vào hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ mà hoạt động độc lập, đăng kí kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được quy định khá đơn giản chỉ là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng; khi vận chuyển hành khách, lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách…

Xe trung chuyển của nhà xe hợp đồng đến đón khách tại nhà như xe chạy tuyến cố định.

Lợi dụng điều này, nhà xe Hải Nam lách luật và chạy theo tuyến cố định, lén lút điều phối xe trung chuyển và bắt khách dọc đường trên suốt tuyến Sông Ray - Sài Gòn, đồng thời không nộp các khoản thuế phí vận tải theo quy định, không đăng ký bến đi, bến đến đầy đủ, đón trả khách sai quy định, gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các xã viên trong Hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ, đồng thời làm thất thu một khoản thuế phí không nhỏ của nhà nước.

Điều này là tất nhiên khi xe tuyến cố định phải chịu các ràng buộc về điều kiện kinh doanh và nộp các khoản như: lệ phí ra vào bến, lệ phí bán vé, phí đỗ qua đêm, các thủ tục liên quan đến phương tiện và người lái nên chi phí lớn hơn nhiều so với xe hợp đồng không phải vào bến. Đặc biệt, loại hình này lại được phép chạy nội đô, giờ chạy tùy ý…

Bức xúc hơn, nhà xe Hải Nam còn công khai treo băng rôn, biển hiệu để hút khách dù đang hoạt động trái với quy định của pháp luật. Cũng phải khen ngợi cho nhà xe này và Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang vì đã sáng tạo ra rất nhiều chiêu trò để thu hút hành khách, ví dụ như treo biển hiệu, băng rôn ở những địa điểm đông người tập trung, phát hoa kèm theo danh thiếp của nhà xe miễn phí cho người dân… Và tất nhiên, người dân vốn không hiểu rõ về các quy định vận tải sẽ chọn loại hình mà họ thấy tiện lợi hơn, chưa kể 06 chiếc xe của nhà xe Hải Nam đều là xe mới, được đầu tư nhiều nên chất lượng đều vượt trội phương tiện của những nhà xe chạy theo tuyến khác.

Ngày 29/8/2019, tập thể lái xe của hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ làm đơn cứu xét gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để trình bày nội dung sự việc và đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, sau đó có văn bản trả lời, đồng thời chỉ đạo Đội Thanh tra giao thông số 9 thực hiện việc kiểm tra về điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trá hình như tuyến cố định đối với Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang nhằm xử lý vi phạm theo quy định, đảm bảo kinh doanh vận tải cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đúng loại hình kinh doanh được cấp phép.

Điều đáng nói, ngay khi quyết định trên được ban hành, trước khi Đội Thanh tra giao thông về kiểm tra, nhà xe Hải Nam và Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang đã có động thái tháo gỡ tất cả các biển hiệu, băng rôn có nội dung trái với quy định vận tải, mà thay vào những băng rôn biển hiệu phù hợp khác.

Kết quả, Đội Thanh tra giao thông không nắm được chính xác tình hình, và thông báo nhà xe Hải Nam và Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang đã khắc phục vi phạm, nên không xử lý. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đoàn kiểm tra rời khỏi, các biển hiệu băng rôn lại trở lại vị trí cũ, lần này còn được cố định cẩn thận, mang nội dung y như ban đầu!

Kể từ đó, nhà xe Hải Nam càng ngang nhiên và hung hăng hơn trong việc giành giật hành khách. Khi có xã viên trong hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ tới bày tỏ ý kiến (cụ thể là ông Nguyễn Ngọc Lợi), nhà xe này còn có hành động rình rập chặn đường, có ý định hành hung ông Lợi trên đường về, may mắn nhờ được cảnh báo kịp thời nên ông Lợi đã kịp tránh thoát. Sau đó, giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang là ông Trịnh Xuân Toàn đã trực tiếp gọi điện thoại cho ông Lợi, đe dọa và thách thức ông.

Theo thông tin từ nhiều người dân trên địa bàn, ông Toàn có vợ là cháu gái của một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Mỹ. Phải chăng đây là lí do dù hoạt động trái quy định đã lâu, và các xã viên trong hợp tác xã vận tải Cẩm Mỹ đã nhiều lần làm đơn tiếp tục khiếu nại, nhưng tới nay nhà xe Hải Nam cũng như Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang vẫn chưa phải chịu bất kỳ chế tài xử lý nào từ phía các cơ quan chức năng? Và dù có bị thanh tra kiểm tra, nhà xe này vẫn có thể nắm trước thông tin để có những động thái ứng phó kịp thời?

Hiện nay thủ tục để một đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách theo hợp đồng rất đơn giản. Trong khi đó, đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định phải chịu rất nhiều các điều kiện kinh doanh như: phải thông qua quy hoạch, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến cố định, xem xét biểu đồ chạy sao cho không trùng với giờ đơn vị vận tải hành khách khác…. Do đó, nếu không sớm có giải pháp xử lý tình trạng trên sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ‘méo mó’ thị trường vận tải.

Vẫn biết là lực lượng chức năng cũng như cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình, đồng thời thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển của loại xe này, tuy nhiên vẫn mong các cơ quan công quyền sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý những vi phạm công khai ngay trên địa bàn quản lý của mình.

Trần Hùng – Việt Duy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/hop-tac-xa-van-tai-o-dong-nai-lao-dao-vi-nha-xe-hoat-dong-chui-d112250.html