Họp xem xét nghi án GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn: 'Nhạy cảm' đến mức phải ra tòa phân xử?

Sáng 13.6, Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã tiến hành họp kiểm tra nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam.

Nghi án đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn đã kéo dài nhiều năm nay mà chưa có câu trả lời.

Sau 3 tiếng họp bàn, thảo luận căng thẳng, theo thông tin từ một thành viên trong Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ.

Cuộc họp bàn về hai vấn đề, thứ nhất là xem xét hồ sơ xét duyệt GS của ông Nguyễn Đức Tồn năm 2009. Thứ hai là việc thực hiện chỉ đạo của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước về việc làm rõ nghi vấn đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn.

Trong cuộc họp có đề xuất biểu quyết, nhưng cuối cùng chưa có kết luận GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn hay không.

“Một số thành viên trong hội đồng cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”, phức tạp, phải tiến hành họp bàn thêm. Người thì bảo phải căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ, có luật sư, hay phải ra tòa thì mới biết ai đạo của ai, nên chưa thể kết luận và đề nghị báo cáo lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước” - một thành viên trong Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học chia sẻ.

Như vậy, vụ việc có thể sẽ được “đá” lên cấp trên để giải quyết.

Một nghi án đạo văn gây ảnh hưởng đến danh dự của rất nhiều người, ảnh hưởng đến cả uy tín của giới khoa học VN, nhưng đã kéo dài quá lâu, mà chưa có kết luận chính thức. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng việc thẩm định công trình A có giống công trình B hay không là quá khó khăn, hay vì tâm lý nể nang còn tồn tại trong giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?

Trước đó, trả lời Lao Động, PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định, từ năm 2005, khi là Trưởng ban Thanh tra Nhân dân của Viện Ngôn ngữ học, ông đã nhận đơn thư phản ánh về việc ông Tồn đạo văn của học trò.

Sau khi xác minh, thấy có việc ông Tồn đạo văn, Chi ủy Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã làm báo cáo gửi lên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đề nghị xem xét, giải quyết. Nhưng không hiểu vì sao sự việc không được giải quyết dứt điểm, cũng chưa có kết luận cuối cùng.

Tiếp đó, trong các lần ông Nguyễn Đức Tồn nộp hồ sơ xét duyệt chức danh GS, cũng có đơn tố ông Tồn đạo văn. Hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ học đã xem xét, rồi đồng ý để ông Tồn được phong hàm GS vì “tinh thần nhân văn”.

Đối với một người làm nghiên cứu khoa học, việc tôn trọng chất xám của người khác là rất quan trọng. Trên thế giới, việc đạo văn bị xử lý rất rốt ráo. Còn tại Việt Nam, một vụ việc kéo dài đã 10 năm nay mà dư luận vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc hơn nữa để làm rõ nghi án đạo văn học trò của ông Nguyễn Đức Tồn.

Nếu ông Tồn không đạo văn, cần phải công khai rộng rãi để trả lại danh dự cho ông. Ngược lại, cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt, chứ không thể theo kiểu “nhân văn”, nể nang như 10 năm trước.

Đặng Chung - Anh Phú

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/hop-xem-xet-nghi-an-gs-nguyen-duc-ton-dao-van-nhay-cam-den-muc-phai-ra-toa-phan-xu-612632.ldo