HoREA kiến nghị dời thí điểm đánh thuế tài sản đến năm 2020

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, xin dời thời gian thí điểm đánh thuế tài sản đến sau năm 2020 vì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn và thu nhập người dân còn khá thấp.

HoREA hoàn toàn đồng thuận với việc áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM và nhận định, đây sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của thành phố. Tuy nhiên, áp dụng việc đánh thuế tài sản ngay thời điểm này là chưa phù hợp vì nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng và chưa thật sự vững chắc.

Theo HoREA, giá nhà hiện nay vẫn còn rất cao, gấp khoảng 25 lần thu nhập bình quân của xã hội (ở các nước phát triển chỉ khoảng 5 - 7 lần). Điều này đồng nghĩa với thu nhập của người dân vẫn còn thấp và chưa ổn định.

Riêng tại TP.HCM, dù thời gian qua thu nhập người nhân đã được cải thiện nhiều hơn. Cụ thể, GDP hiện đã vượt mức 5.000 USD/người và dự kiến sẽ vượt mức 10.000 USD/người vào năm 2020. Thế nhưng, trên thực tế, chi phí để đảm bảo nhu cầu cuộc sống là rất cao.

HoREA kiến nghị dời thời gian thí điểm thuế tài sản vì thị trường có khó khăn (Ảnh minh họa)

“Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn. Việc này sẽ làm giá nhà, đất tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo, làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa. Đặc biệt là tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản”, HoREA nhận định.

Cần phù hợp thực tiễn!

Khi xây dựng Luật thuế tài sản, thuế nhà, đất vào thời điểm sau năm 2020, thì cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, như chưa nên đánh thuế đối với nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn, hoặc người chỉ có 01 nhà để ở, có giá trị dưới 1 tỷ đồng ở đô thị, hoặc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

Từ những lý do trên, HoREA đề nghị cần phải xem xét tổng thể về hệ thống và chính sách thuế để đảm bảo sự đồng bộ, tránh tình trạng tận thu hoặc thuế chồng thuế. HoREA cũng cho rằng, giá nhà, đất hiện đang quá cao so với thu nhập của người dân mà một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất.

Rõ ràng, hiện nay có khoản thu tiền sử dụng đất, đây không được gọi là thuế nhưng trên thực tế thì gần như vậy. Khoảng thu này cũng rất lớn, chiếm khoảng 10% giá trị chung cư, 30% giá trị nhà phố và 50% đối với biệt thự. Như vậy, chỉ tính riêng khoảng này, người sở hữu tài sản đã chịu áp lực cực lớn về chi phí. Chính vì lý do này, HoREA mong muốn, nếu tăng thuế thì phải thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm xuống.

Đáng chú ý, HoREA cho rằng việc thí điểm đánh thuế tài sản cho chỉ riêng TP.HCM là chưa thực sự phù hợp. Bởi, việc đánh thuế tài sản sẽ Nlàm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản, làm giảm thu nhập thực tế, tác động bất lợi tới các tầng lớp dân cư. Từ đó có thể dẫn đến sự dịch chuyển dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, thành phố khác, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thành phố. Vì thế, HoREA đề nghị dời thời gian thí điểm thuế tài sản đến sau năm 2020.

Hoàng Anh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/horea-kien-nghi-doi-thi-diem-danh-thue-tai-san-den-nam-2020-d63228.html