HoREA: Từ nay đến 2020, bất động sản chuyển mạnh sang phân khúc vừa túi tiền

Từ nay đến 2020, HoREA dự báo thị trường bất động sản sẽ tái cấu trúc để giải quyết hiện tượng lệch pha cung - cầu và chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở, căn hộ vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền.

Đây là nhận định đáng chú ý của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) trong công văn ngày 5/9 gởi Thành ủy, UBND TP HCM và các Sở, ban ngành nhận định tổng quát về thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM và cả nước, trọng tâm là từ năm 2006 đến nay.

Theo HoREA, thị trường BĐS TP HCM trong giai đoạn 2006 - 2015 mặc dù đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhưng sau mỗi giai đoạn 5 năm thì quy mô thị trường có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng là 0,9 lần, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng đạt 1,6 lần.

Năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại, nhất là trong phân khúc căn hộ cao cấp từ 3 phòng ngủ trở lên, BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng nhìn toàn cục, thị trường vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định.

Từ nay đến năm 2020, HoREA dự báo thị trường BĐS sẽ tái cấu trúc để giải quyết hiện tượng lệch pha cung - cầu đang thiên về phân khúc BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Đồng thời chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở, căn hộ vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền đang có nhu cầu thực rất lớn, có tính thanh khoản cao. Đồng thời, nguồn tín dụng cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ để khắc phục hiện tượng lệch pha dòng tiền vào một số doanh nghiệp lớn.

Hiệp hội nhận định, các chính sách vĩ mô, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu với khối lượng khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 60 - 70% được đảm bảo bằng BĐS, thì sẽ vừa giải quyết được nợ xấu, vừa tái khởi động lại các dự án BĐS đang bị ngừng triển khai, khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A). Do vậy, thị trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục giữ được đà phục hồi và tăng trưởng cơ bản ổn định, không có biến động lớn.

Thị trường BĐS cả nước và TP HCM manh nha hình thành ngay từ năm 1987 sau khi thành phố thực hiện chủ trương bán hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê sử dụng, nhưng thực sự dần hình thành từ năm 1993 sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai đầu tiên và Pháp lệnh Nhà ở, đã tạo khuôn khổ pháp lý ban đầu cho thị trường quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Trong hơn 20 năm qua, hoạt động của thị trường BĐS từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, tuân theo các quy luật phổ biến. Thị trường thường diễn biến theo hình SIN bất đối xứng, phụ thuộc vào quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh; quan hệ cung - cầu; chính sách, cơ chế điều tiết vĩ mô của nhà nước; hành vi đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thị trường BĐS thường trải qua các giai đoạn phát triển: tăng trưởng - ổn định - nóng sốt - đóng băng - trầm lắng - phục hồi và tăng trưởng trở lại... Trong đó, cơn sốt BĐS xảy ra vào các thời điểm năm 1993; năm 2001 - 2002; nửa cuối năm 2010; đặc biệt là cơn sốt "bong bóng" BĐS đã đạt đỉnh năm 2007;

Thị trường bị khủng hoảng suy thoái hoặc đóng băng vào các thời điểm năm 1995 - 1999; mà nặng nề nhất là từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009, và giai đoạn năm 2011 - 2013. Sau đó, thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại trong giai đoạn 2003 - 2006; cuối năm 2009 - giữa năm 2010 và từ năm 2013 đến nay.

Các giai đoạn thị trường BĐS bị khủng hoảng sốt bong bóng hoặc bị đóng băng đều tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng và đội ngũ công nhân, lao động...

Duy Khánh

Nguồn NDH: http://ndh.vn/horea-tu-nay-den-2020-bat-dong-san-chuyen-manh-sang-phan-khuc-vua-tui-tien-20170908073333277p148c164.news