HOSE sập sàn, HNX hưởng lợi

Sàn HOSE liên tục gặp sự cố khi quá tải khối lượng giao dịch khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp rục rịch tính phương án mới.

Mỗi khi thanh khoản đạt mức 14.000-17.000 tỉ đồng, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) lại rơi vào trạng thái “đơ sàn”. Trước sự cố kéo dài, HOSE từng đưa ra các giải pháp tạm thời, điển hình là điều chỉnh nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu bắt đầu từ ngày 4.1.2021. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn không giải quyết được vấn đề, nhà đầu tư vẫn than trời khi không thể đặt lệnh giao dịch và dù có đặt được lệnh thì cũng không biết được là đã khớp hay chưa.

Trong bối cảnh HOSE bị tê liệt kéo dài, sàn HNX với cơ sở hạ tầng vượt trội trở thành tâm điểm mới của dòng tiền. So với sàn HOSE chỉ giới hạn 900.000 lệnh/ngày, sàn HNX có thể lên tới 20-30 triệu lệnh/ngày. Hơn nữa, vốn hóa và thanh khoản của HNX đều thấp hơn sàn HOSE. Có thể quan sát rất rõ hiện tượng dòng tiền “chuyển nhà” này khi trong một tháng qua, VN-INDEX chỉ dao động hẹp ở vùng 1.150-1.200 điểm, trong khi tính tới ngày 17.3.2021, HNX-Index đã tăng hơn 22% trong cùng thời gian, cá biệt một số cổ phiếu tăng tới hơn 50% giá trị.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên dòng tiền chuyển từ sàn HOSE sang HNX. Trong phiên giao dịch ATC ngày 22.1.2018, hệ thống giao dịch của sàn HOSE đã bất ngờ gặp trục trặc, các lệnh đều được ghi nhận không hiển thị trạng thái, đến cuối phiên, kết quả giao dịch phiên ATC không được trả về cho các công ty chứng khoán. Do chưa thể khắc phục xong lỗi hệ thống, sáng hôm sau, HOSE ra thông báo tạm ngừng giao dịch phiên 23.1. Dòng tiền ngay lập tức chảy mạnh sang sàn HNX và UPCoM, kết thúc phiên giao dịch cả HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng mạnh cả về chỉ số lẫn giá trị giao dịch.

Ngoài ra, để giảm tải cho hệ thống HOSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển từ sàn HOSE sang HNX. Đây được coi là chất xúc tác, làm tăng tính đa dạng, nhộn nhịp cũng như thanh khoản cho sàn HNX. Theo ghi nhận của HNX, tính đến nay, đã có 3 công văn đề nghị chuyển sàn từ các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) Công ty Cổ phần Bibica (BBC) và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC).

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect, đã đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép các cổ phiếu chuyển giao dịch được đảm bảo giữ nguyên trong các rổ chỉ số. Bởi nhiều chỉ số đầu tư được dùng tham chiếu cho các quỹ chỉ số như VN Diamond, VNFIN Lead...

Trong thời gian chờ sàn HOSE thay đổi, sàn HNX được dự báo sẽ tiếp tục là nơi hút tiền của giới đầu tư. Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích - Khách hàng cá nhân, Maybank Kim Eng, nhận định: “Trong tương lai gần, cụ thể từ 2-3 tháng tới, sẽ khó có khả năng sớm có giải pháp cho vấn đề nghẽn lệnh tại HOSE. Vì vậy, chuyển hướng đầu tư sang sàn HNX có lẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới”.

Dự kiến HNX sắp tới sẽ tiếp nhận thêm khoảng 65 triệu cổ phiếu. Câu hỏi được đặt ra là mức độ bền vững của xu hướng

này. Nhất là khi HOSE lại sắp đưa hơn 1,2 tỉ cổ phiếu chào sàn. Do hạn chế về vốn hóa và thanh khoản, đa phần các cổ phiếu ở sàn HNX đều có tỉ lệ cấp margin không cao, đặc biệt các cổ phiếu sàn UPCoM thậm chí không được cấp margin. Điều này có thể làm suy yếu dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán chung, gây thiệt hại về lâu dài. Hơn nữa, tình trạng nghẽn lệnh nếu kéo dài quá lâu sẽ gây tổn hại cho cả sàn HOSE lẫn HNX. Chẳng hạn, với mức phí giao dịch 0,3%, HOSE có thể thu về 600 triệu đồng từ cả hai bên mua - bán với mỗi 1.000 tỉ đồng giá trị giao dịch trên sàn. Ngoài tài chính, mất mát lớn hơn là niềm tin của nhà đầu tư.

Mặt khác, năm 2021 được cho là năm tăng trưởng mạnh của kênh bất động sản, trong khi các vướng mắc về pháp lý của kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ sớm được gỡ bỏ. Điều này đồng nghĩa dòng tiền ở thị trường chứng khoán luôn sẵn sàng trực chờ đổ qua các kênh sinh lợi khác. “Sự đảo chiều và san sẻ nguồn vốn có thể sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2021 khi nền kinh tế và các kênh đầu tư khác hồi phục, dòng tiền sẽ có thể không còn nằm nhiều trong chứng khoán nữa mà sẽ chuyển dần sang các kênh khác”, bà Ngân Tuyền cho biết.

Cũng cần lưu ý, việc chuyển sàn của các doanh nghiệp hầu như chỉ mang tính chất tạm thời và sẽ sớm kết thúc. Đã có giải pháp được đưa ra là áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE. “Đây là biện pháp khả thi và chỉ mất từ 3-4 tháng để triển khai và hoàn thiện”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, cho biết.

Bà Ngân Tuyền cho rằng, bản chất thật sự của việc chuyển sàn là để "chia lửa" với hệ thống tại HSX, chứ không đến từ vấn đề nội tại của doanh nghiệp đó. Hầu hết lãnh đạo của các doanh nghiệp này đều cho biết sẽ quay lại HOSE ngay khi hệ thống mới được đưa vào vận hành".

Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, các nhà quản lý thị trường cần giải quyết sớm vấn đề nghẽn lệnh, tránh cái nhìn xấu từ nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực phát triển lên chuẩn mực thị trường mới nổi.

Vũ Thiện

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/hose-sap-san-hnx-huong-loi-3339830/