HSBC hạ dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 xuống còn 3,5%

Trong 6 quốc gia đại diện cho nền kinh tế ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), Việt Nam là nước duy nhất được HSBC giảm mức dự báo lạm phát năm 2022 từ mức 3,7% xuống 3,5%, do giá thực phẩm trong nước ổn định.

Giá thực phẩm ổn định là yếu tố căn cơ giúp Việt Nam kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo về rủi ro lạm phát tại khu vực ASEAN, đồng thời điều chỉnh mức dự báo lạm phát tại các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Theo đó, trong một năm qua, tình hình lạm phát ở ASEAN có phần im ắng hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên tình hình hiện tại đã khác, khi áp lực giá đã tăng lên đáng kể ở một số thị trường, đáng lưu ý là Thái Lan, Philippines và Singapore. Ở các nước khác, trong vài tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng sẽ tăng lên.

Rủi ro lớn nhất đối với bình ổn giá cả trong khu vực tới thời điểm này vẫn là giá năng lượng và thực phẩm trên thế giới tăng lên. Các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động quyết liệt hơn nhằm “giải nén” áp lực giá. Bên cạnh đó còn có một rủi ro là giá năng lượng và thực phẩm tăng cao “lây lan” sang chỉ số CPI cơ bản, do phục hồi từ đại dịch, nhu cầu trong nước dồn nén khiến việc điều chỉnh giá trầm trọng hơn.

Theo ước tính của HSBC, lạm phát cơ bản của Philippines, Indonesia và Malaysia đặc biệt dễ ảnh hưởng do lạm phát năng lượng và thực phẩm tăng, Thái Lan và Việt Nam thì đỡ hơn. HSBC đã điều chỉnh dự báo CPI năm 2022 cao lên đối với Thái Lan, Philippines, Singapore và Indonesia.

HSBC nhận định, ngoài Malaysia và Indonesia (xét về khí đốt tự nhiên và than đá), các nền kinh tế còn lại đều là những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng. Cả Philippines và Thái Lan đều đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, thể hiện rất rõ trong số liệu CPI gần đây của hai nước này. Giá dầu tăng khiến lạm phát toàn phần của Philippines và Thái Lan cao hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương hai nước này đặt ra.

Tỷ trọng các yếu tố liên quan đến năng lượng trong rổ CPI của Malaysia và Indonesia cũng cao hơn, ví dụ như chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, mức độ tác động của năng lượng lại không đồng đều, tùy thuộc vào sự điều chỉnh giá của mỗi nước và/hoặc mức thuế áp lên nhiên liệu. Tính đến nay, Thái Lan là nước phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh nhất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Rủi ro lớn hơn từ giá thực phẩm leo thang

Trong khi giá năng lượng tăng lên là động lực chính thúc đẩy lạm phát ở hầu hết các thị trường ASEAN trong vài tháng đầu năm 2022, rủi ro lớn hơn bây giờ lại xuất phát từ giá thực phẩm tăng tại các thị trường khác trên thế giới. Tình hình hiện nay gợi nhớ đến “cuộc khủng hoảng giá thực phẩm” ở châu Á năm 2008, khi đó, chi phí năng lượng tăng cao càng gia tăng áp lực lên các thị trường nông nghiệp (ví dụ như thông qua chi phí phân bón và vận chuyển tăng lên).

Ngoài ra, cũng giống như năm 2008, việc các nước xuất khẩu thực phẩm lớn áp dụng giới hạn thương mại hiện tại làm tăng rủi ro giá cả có thể leo thang thêm nữa. Cụ thể, gần như toàn bộ các hạng mục giá thực phẩm toàn cầu đều tăng mạnh từ đầu năm 2022, đặc biệt là dầu ăn.

Giá thực phẩm tăng để lại ảnh hưởng trên diện rộng, một phần là do gián đoạn nặng nề trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Âu, và tác động càng gia tăng do những hạn chế xuất khẩu. Ấn Độ, nước sản xuất bột mì lớn thứ hai trên thế giới, đã triển khai cấm xuất khẩu bột mì từ trung tuần tháng 5 khiến giá bột mì ngay lập tức tăng thêm 7% và đồng thời áp dụng giới hạn trần xuất khẩu đường. Tương tự, Indonesia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, gần đây cũng đã triển khai cấm xuất khẩu dầu cọ trong ba tuần, còn Malaysia hạn chế xuất khẩu gà.

Điều may mắn là mặt hàng gạo – thực phẩm chính của các nước thuộc khối ASEAN chỉ mới tăng nhẹ từ đầu năm 2022 và vẫn duy trì thấp hơn mức đỉnh của năm 2021. Đây thực sự là tin tốt cho khu vực này, đặc biệt với Indonesia, Philippines và Malaysia là những nước nhập khẩu ròng gạo lớn. Mặc dù vậy, điều này cũng không đủ bù đắp cho những tác động trên diện rộng do giá tăng ở các mặt hàng thực phẩm khác. Với việc thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt như Philippines và Việt Nam, lạm phát toàn phần chắc chắn sẽ tăng lên nữa.

Vậy tình hình tệ tới đâu? Tất cả các nền kinh tế đều trải qua tình trạng giá thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức lạm phát thực phẩm ở Thái Lan và Indonesia lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Ở Thái Lan, giá thịt cũng tiếp tục tăng, chủ yếu là do gián đoạn sản xuất thịt heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi, đẩy giá các loại thịt khác lên, ví dụ như thịt gà.

So ra thì tình hình ở Việt Nam lại tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên tình trạng giá năng lượng tăng và giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy các chi phí trong nước lên theo.

Cũng giống như vấn đề giá năng lượng tăng, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu chính sách tài khóa nhằm giải quyết tình trạng giá thực phẩm tăng cao. Malaysia đã chi ngân sách thêm 680 triệu RM (155 triệu USD) để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm một gói trợ cấp 40 triệu RM (9,6 triệu USD) đối với bột mì đa dụng.

Ở Philippines, chính phủ của Tổng thống Duterte có kế hoạch “hạ nhiệt” giá cả bằng biện pháp hạ thuế nhập khẩu thịt và ngô. Mức thuế tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN) đối với thịt heo, gà và ngô hiện ở mức 30-40% đang được nghiên cứu hạ xuống. Cũng giống như thành công của Đạo luật Thuế quan Gạo, hạ thuế nhập khẩu những mặt hàng chính yếu này sẽ là biện pháp nhanh chóng và hiệu quả không chỉ giúp “hạ nhiệt” giá thực phẩm mà còn trực tiếp giảm bớt gánh nặng lên ngân sách các hộ gia đình.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải theo sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, điều hành linh hoạt để giữ mục tiêu lạm phát, đảm bảo phát triển kinh tế và giữ ổn định đời sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, 8 nhóm tác động lớn đến sản xuất và tiêu dùng được Tổng cục Thống kê nhận định là: Xăng dầu; lương thực, thực phẩm; giá điện; giá dịch vụ giáo dục; dịch vụ y tế… Diễn biến của nhóm hàng hóa, dịch vụ này tăng/giảm sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, các mặt hàng phải xem xét, cân nhắc để không tăng trong một thời điểm, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô để điều hành các công cụ chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2022 đã duy trì thanh khoản hệ thống ở mức tương đối tốt, lãi suất cơ bản ổn định. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước quyết tâm điều hành giá cả kiểm soát lạm phát.

Nguy cơ "lan rộng" sang các nhóm hàng cơ bản

Xét cho cùng thì với ngân hàng trung ương, vấn đề đáng quan tâm là mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng cơ bản. Theo ước tính của HSBC, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều, trong đó, Philippines là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia, còn ở Việt Nam và Thái Lan thì ảnh hưởng lại hạn chế.

Ngoại trừ ở Singapore, lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, dao động xung quanh hoặc xuống dưới mức giữa mục tiêu lạm phát hoặc mức dự báo của ngân hàng trung ương. Mức độ gia tăng áp lực giá các mặt hàng cơ bản sẽ phụ thuộc một phần vào sự phục hồi của thị trường lao động mỗi nước.

Sau khi xem xét mọi khía cạnh, HSBC đã có một vài thay đổi trong dự báo lạm phát, nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines; trong khi giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam do giá thực phẩm trong nước ổn định nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần.

Dự báo và điều chỉnh dự báo lạm phát toàn phần của HSBC (đỏ = điều chỉnh tăng; xám = điều chỉnh giảm).

Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, câu hỏi mấu chốt ở đây là các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng như thế nào? Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) là một trong những ngân hàng trung ương có động thái sớm và quyết liệt nhằm thúc đẩy bình thường hóa tiền tệ ở châu Á. Cơ quan này đã nâng “nhẹ” biên độ tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa (NEER) của đồng SGD ba lần trong vòng sáu tháng, khoảng 50 điểm cơ bản mỗi lần. Tuy nhiên, đây chưa phải hồi kết của chu kỳ thắt chặt.

Trong số những thị trường mới nổi của khối ASEAN, Malaysia và Philippines là hai nước đầu tiên đưa ra động thái “hãm phanh”. Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) gần đây đã gây bất ngờ cho thị trường khi nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas - BSP) cũng đã điều chỉnh tăng 25 điểm cơ bản để giữ được lạm phát trong mức kỳ vọng.

Đối với Việt Nam, HSBC đánh giá nhờ xuất khẩu ấn tượng và tiêu dùng cá nhân phục hồi, Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch. Lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình trạng giá năng lượng cao kéo dài đẩy giá cả nói chung tăng nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời. Tình hình đó có thể sẽ khiến NHNN phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong Quý 3/2022 trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hsbc-ha-du-bao-lam-phat-viet-nam-nam-2022-xuong-con-3-5-post7474.html