HSC: Sacombank vẫn còn đối diện với nhiều áp lực

Nguyên nhân dẫn đến điều này là do hoạt động kinh doanh hiện tại của Sacombank không thể tạo ra đủ thu nhập để trích lập dự phòng một lượng lớn nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM), mặc dù, Sacombank đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu trong những tháng gần đây, HSC cho rằng vẫn cần thêm thời gian để xem xét các số liệu tài chính trước khi xem xét điều chỉnh đánh giá đối với ngân hàng.

Với giá trị “các tài sản có vấn đề” rất lớn là 86 nghìn tỷ đồng theo ước tính cùa HSC, thực sự rất khó để Sacombank xử lý nợ xấu của mình hoàn toàn. Do các hoạt động kinh doanh hiện tại của Sacombank không thể tạo ra đủ thu nhập để trích lập dự phòng một lượng nợ xấu lớn như vậy nên xử lý nợ xấu ở Sacombank sẽ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc thanh lý tài sản bảo đảm.

Do đó, nhu cầu từ thị trường nợ thứ cấp và định giá các tài sản đảm bảo trên thị trường thứ cấp là những yếu tố rất quan trọng. Và do quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng mới đang bắt đầu,và thời gian sẽ cho biết câu trả lời chính xác.

Bên cạnh đó, quyết định đổi mã chứng khoán của Sacombank chưa có tiền lệ thay đổi mà không thành lập một pháp nhân mới. Việc chuyển sàn từ HOSE sang HNX không có được lời giải thích thoả đáng, cổ phiếu STB trong danh mục các quỹ ngoại sẽ tạo nên áp lực bán ra trong ngắn hạn.

Chỉ mới bốn tháng trước, trung tuần tháng 6/2017, cổ phiếu STB đón nhận sự nhập cuộc lớn của khối nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như phiên mua vào tới 13,2 triệu cổ phiếu ngày 16/6. Dòng chảy này trở nên nổi bật trước thềm Sacombank bước vào giai đoạn mới, với thay đổi lớn từ đại hội đồng cổ đông ngày 30/6 ngay sau đó.

Nhưng, trong mấy phiên vừa qua, chính nhà đầu tư nước ngoài cũng là lực lượng bán ra quyết liệt cổ phiếu STB, lượng bán ròng lớn thể hiện ngay sau khi có sự kiện đổi mã, chuyển sàn nói trên.

Kế hoạch mới chỉ trù tính, còn xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, song nhà đầu tư lập tức tính toán ngay diễn tiến của sự việc. Cổ phiếu Sacombank nếu chuyển sang niêm yết ở HNX, nó sẽ không còn nằm trong rổ VN30, không thuộc tiêu chí lựa chọn trong danh mục của quỹ ETF… Và theo đó, lo ngại khối ngoại "tháo chạy" là một trong những áp lực đối với giá cổ phiếu.

Hiện kế hoạch mới chỉ ở mức độ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, chưa có lộ trình dự kiến cụ thể. Tuy nhiên, việc đổi tên mã chứng khoán và chuyển sàn là một vấn đề lớn, không chỉ là việc khoác một chiếc áo mới để “phá dớp”.

Trước nay chưa có tiền lệ cổ phiếu niêm yết đổi tên mã. Ngay như mã NVB hiện nay của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) vẫn phải dùng “di sản” tên mã niêm yết của tiền thân là Ngân hàng Nam Việt (Navibank). Trường hợp Sacombank muốn thay đổi trên, họ phải hủy niêm yết trên HOSE, lấy tên mã mới và niêm yết mới trên HNX.

Ông Dương Công Minh- Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng lý giải trên báo chí: “Mã chứng khoán STB hiện nay có hai vấn đề. Một là về mặt phong thủy, người ta nói STB có nghĩa là “Sao Thái Bạch”. Theo phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm thua lỗ… Do vậy, để thoát khỏi quan niệm này Sacombank đổi mã chứng khoán”.

Về mặt lý thuyết, việc hủy niêm yết trên HOSE và chuyển sang HNX được coi là một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài lớn lựa chọn hoặc ưa chuộng cổ phiếu niêm yết trên HOSE hơn. Ngoài ra, việc loại STB khỏi 2 giỏ chỉ số chủ chốt sẽ dẫn đến áp lực bán từ khối ngoại.

Theo quy định của VSD, mã chứng khoán sẽ giữ nguyên trừ trường hợp tổ chức niêm yết hủy đăng ký tại VSD. Có 3 trường hợp xảy ra khi tổ chức niêm yết hủy đăng ký là do hết hạn lưu hành chứng khoán; chứng khoán không đáp ứng yêu cầu dành cho một công ty đại chúng và được yêu cầu hủy đăng ký; tổ chức niêm yết không phải là công ty đại chúng và đề nghị hủy đăng ký tự nguyện.

Như vậy, STB không thuộc vào bất kỳ trường hợp nào trên đây. Theo HSC, việc thay đổi mã chứng khoán trong trường hợp của Sacombank không đơn giản và hiện chưa rõ VSD sẽ áp dụng các quy định cụ thể nào.

HSC cho rằng Sacombank chỉ muốn thay đổi mã chứng khoán và việc phải hủy niêm yết trên HOSE là sự kiện phát sinh ngoài ý muốn. Có lẽ do HOSE và HNX có khả năng sẽ sáp nhập trong vài năm tới nên Sacombank chấp nhận những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn. Nhưng cũng có thể giả định là trong khi nhà đầu tư thiểu số lo sợ giá cổ phiếu sẽ biến động bất lợi trước áp lực bán của các quỹ ngoại, thì tân Chủ tịch của Sacombank có thể lại nhìn nhận đây là một cơ hội để gia tăng tỷ lệ sở hữu và ảnh hưởng của mình tại ngân hàng.

Cho đến nay thị trường đã có phản ứng tiêu cực trước thông tin này và giá cổ phiếu STB đã giảm gần sàn khi tin này mới được công bố. Hiện giờ về mặt phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu STB có vẻ đang gần phá vỡ hỗ trợ ngắn hạn sau khi tăng trước đó. Vấn đề chính ở đây là Sacombank không đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho quyết định này. Vì với khả năng sáp nhập 2 sàn trong vài năm tới, thì việc chuyển sàn có vẻ như không hề cần thiết.

Mai Thùy (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/hsc-sacombank-van-con-doi-dien-voi-nhieu-ap-luc-212874.htm