HSG: Công ty thuộc vợ cũ của chủ tịch bán sạch cổ phiếu – biến cố hay là 'dứt áo ra đi'?

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Công ty Tâm Thiện Tâm, đơn vị do bà Hoàng Thị Xuân Hương (vợ cũ của ông Lê Phước Vũ) làm chủ tịch, đã bán ra hết toàn bộ 24.211.820 cổ phiếu HSG, tương đương 6,92% vốn điều lệ của HSG. Có phải 'biến cố' đang gõ cửa HSG hay bà Hương chỉ muốn dứt HSG?

Ngày hôm qua, 23/5/2018, Công ty TNHH Một thành viên Tâm Thiện Tâm (Tâm Thiện Tâm), đơn vị do bà Hoàng Thị Xuân Hương làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc, đã hoàn tất bán ra 19.211.820 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) theo phương thức giao dịch thỏa thuận.

Dữ liệu giao dịch ngày 23/5/2018 cho thấy, Tâm Thiện Tâm đã bán ra hơn 19,2 triệu cổ phiếu HSG thu về giá trị hơn 230,54 tỷ đồng, tương đương giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, từ ngày 19/4/2018 đến ngày 18/5/2018, Công ty Tâm Thiện Tâm cũng đã bán ra 5.000.000 cổ phiếu HSG theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh.

Như vậy, sau 2 đợt bán ra cổ phiếu HSG trong vòng hơn 1 tháng qua, Tâm Thiện Tâm hiện không còn nắm giữ cổ phiếu HSG. Bà Hoàng Thị Xuân Hương từng là vợ của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch của HSG.

Báo cáo quản trị của HSG vào tháng 10/2015, tên của bà Hoàng Thị Xuân Hương được trình bày tại phần người liên quan của Chủ tịch Lê Phước Vũ (vợ - hàng thừa kế thứ nhất). Tuy nhiên, báo cáo quản trị của HSG vào tháng 4/2016, bà Hoàng Thị Xuân Hương là người liên quan đến ông Hoàng Đức Huy (anh, chị, em ruột – hàng thừa kế thứ hai), Phó tổng giám đốc HSG. Điều này cho thấy từ tháng 4/2016 bà Hoàng Thị Xuân Hương không còn là vợ của ông Lê Phước Vũ.

Phải chăng việc Tâm Thiện Tâm bán sạch cổ phiếu của HSG đơn thuần chỉ là quyết định của vợ cũ Chủ tịch Lê Phước Vũ rút tài sản khỏi Tập đoàn Hoa Sen hay quan ngại trước tương lai của Tập đoàn Hoa Sen khiến Tâm Thiện Tâm quyết định rút khỏi HSG?

Tập đoàn Hoa Sen đang đối mặt với 4 vấn đề cốt lõi: (i) nợ vay ngân hàng tăng cao; (ii) khó nắm bắt được biến động giá nguyên liệu, do đó biên lợi nhuận gộp biến động khó lường; (iii) chi phí hoạt động tăng bất thường; và (iv) thị phần đang sụt giảm. Trong đó, 2 hệ quả nợ vay tăng, chi phí hoạt động tăng đang ăn mòn lợi nhuận của HSG một cách nhanh chóng.

Kết quả kinh doanh quý II niên độ tài chính 2017 – 2018 đã sụt giảm đến 78,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 116 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

Tại ngày 31/3/2018, mặc dù số dư vay nợ ngân hàng đã giảm so với 3 tháng trước đó, nhưng số dư vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn của HSG vẫn đang ở mức cao, 15.795 tỷ đồng, bằng 65,88% tổng tài sản của HSG; tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 2,9 lần. Tại thời điểm 30/9/2017, số dư vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn của HSG là 11.850,9 tỷ đồng, bằng 55,28% tổng tài sản.

Trước đó, trong bản tin hàng ngày vào ngày 03/05/2018 của Công ty Chứng khoán HSC, bộ phận phân tích của HSG đã hạ đánh giá cổ phiếu HSG xuống "kém quả quan" và dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2018 của HSG sẽ đạt 981,3 tỷ đồng, giảm 26,3% so với dự báo trước đó chủ yếu do mảng kinh doanh cốt lõi đang sụt giảm.

Dự báo này chưa bao gồm phần lợi nhuận bất thường từ thoái vốn khỏi công ty liên doanh Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept và bán 3 dự án tại Quận 2 và Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo tài chính quý II vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy HSG có thể sẽ hoàn tất được việc thoái vốn khỏi liên doanh Gemadept – HSG hay 3 dự án bất động sản.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/hsg-cong-ty-thuoc-vo-cu-cua-chu-tich-ban-sach-co-phieu-bien-co-hay-la-dut-ao-ra-di-3451383.html