HTX cần thận trọng, tránh 'kẻ ăn ốc, người đổ vỏ' khi ký hợp đồng OEM

Nhiều HTX đang ký kết các hợp đồng gia công, hoàn thiện bao bì cho các đối tác trong và ngoài nước. Nhưng làm sao để bảo đảm lợi ích hài hòa, hướng tới làm ăn lâu dài và tránh tính trạng bị hàm oan khi ký kết các hợp đồng là điều nhiều HTX còn lo lắng.

Đại diện một HTX ở Hải Phòng đang làm gia công về bao bì cho biết, các thành viên HTX đang băn khoăn trước một vấn đề. Cụ thể là có đơn vị đặt HTX gia công sản xuất và đóng gói bao bì. Theo đó, đơn vị này tự bỏ tiền ra mua bao bì và gửi bao bì sang HTX để đóng gói.

Không ít rủi ro

Nhưng thực tế, một số bao bì đơn vị này đưa sang cho HTX lại đồng thời đưa cho một bên khác cũng sản xuất gia công và đóng gói. Lúc này, các thành viên HTX nhận thấy có sự rủi ro vì biết đâu một bên khác cùng gia công nhưng không đảm bảo chất lượng, hàng hóa làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì lúc đó, HTX có thể sẽ lâm vào cảnh 'quýt làm, cam chịu'?

Thực chất, việc các HTX đang hoạt động trong lĩnh vực gia công, hoàn thiện bao bì sản phẩm cho đối tác trong và ngoài nước thông qua các hợp đồng như trường hợp trên không hiếm. Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang) nhận định, việc đứng ra nhận gia công, đóng gói, hoàn thiện bao bì sản phẩm cho một bên khác tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì không phải bất cứ công đoạn nào của quy trình này cũng diễn ra thuận lợi và đúng như ý của cả bên nhận gia công và bên thuê gia công.

Nhưng có một điều là có những HTX, các thành viên chủ yếu là nông dân, mức độ nhận thức, nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật quốc tế, bất đồng ngôn ngữ... nên gặp khó khăn trong liên kết làm các hợp đồng gia công. HTX cũng chưa mạnh về nguồn vốn nên chưa thể vừa sản xuất, xuất khẩu trực tiếp. Trong khi đối tác của các HTX phần lớn là các doanh nghiệp nên họ thường nắm phần thắng khi ký kết các hợp đồng với HTX.

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng sơ chế từ các HTX, doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, các HTX, doanh nghiệp Việt thực hiện vai trò đóng gói sản phẩm theo các hợp đồng gia công thường gọi là OEM (Original Equipment Manufacturer-Nhà sản xuất thiết bị gốc).

HTX Mỹ Tịnh An sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu theo hợp đồng.

Trước những vấn đề mà HTX đang gặp phải, ông Nguyễn Cao Thắng, đại diện Công ty TNHH XNK nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo (Bà Rịa Vũng Tàu), cho rằng phía HTX cần xem lại các điều khoản hợp đồng gia công đã ký kết với đơn vị thuê xem bên nào làm đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đó.

Cụ thể là tùy thuộc vào việc HTX thỏa thuận như thế nào trong hợp đồng OEM, nếu HTX chỉ đồng ý sản xuất ruột, phần vỏ (bao bì, tên thương hiệu, các thông tin trên bao bì ...) là của đối tác, thì phía đối tác của HTX phải tự chịu trách nhiệm công bố sản phẩm (công bố với cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm). Điều này pháp luật đã quy định rõ ràng, không phải doanh nghiệp, HTX thích thì công bố, không thích thì không công bố.

Về nguyên tắc, bên nào sản xuất thì bên đó công bố chất lượng sản phẩm (nhưng đó là sản phẩm của nhà sản xuất nhưng do người khác phân phối). Còn đơn vị làm gia công thì công thức chung trên thị trường là sản phẩm của ai thì người đó làm hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm để tự chịu trách nhiệm về chính sản phẩm của mình và để giữ bản quyền.

Cẩn trọng để tránh bị hàm oan

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch), cho biết nếu bên thuê HTX gia công yêu cầu bên sản xuất ghi rõ trên bao bì “sản phẩm được sản xuất tại…, hoặc sản xuất bởi đơn vị...” thì HTX phải yêu cầu bên thuê cung cấp các thông tin, hồ sơ về sản phẩm để HTX làm hồ sơ công bố quản lý chất lượng.

Trong trường hợp, bên thuê HTX mang cùng mẫu bao bì ấy cho nhà sản xuất khác sản xuất sản phẩm cùng loại, thì HTX chỉ cần in lên bao bì của lô sản phẩm do bên HTX sản xuất một dãy mã riêng, để không bị nhầm với bên cùng được đối tác thuê gia công, đóng gói là được.

Nhưng đối với trường hợp, khi HTX đã ghi tên của mình lên bao bì mà lại đem bao bì đó đưa cho bên khác thì là khó chấp nhận được. Vì lúc này, HTX chỉ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình sản xuất chứ ko thể chịu cho đơn vị khác.

Chính vì vậy, theo bà Liên, nếu HTX chưa đề cập vấn đề này trong hợp đồng OEM, thì HTX phải cùng với bên thuê gia công ngồi lại cùng giải quyết vấn đề theo hướng ko đồng ý cho người khác “cho ruột” vào bao bì có tên mình, tránh phải chịu trách nhiệm với cả khách hàng, người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc ký hợp đồng gia công, hoàn thiện bao bì là không hề đơn giản đối với các HTX vì mỗi đơn hàng khác nhau thường có nội dung, quy định khác nhau.

Do vậy, khi các HTX làm gia công OEM với đối tác, cần hết sức thận trọng để tránh bị hứng chịu hậu quả mà đôi lúc không phải do mình gây ra. Trong đó, cần xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng để tránh dẫn đến tranh chấp, kiện tụng, thậm chí trắng tay và đứng trên bờ vực phá sản.

Đặc biệt, khi phát hiện ra những bất thường trong hợp đồng hoặc trong thực tiễn triển khai, thay vì im lặng cho qua, HTX cũng cần làm việc trực tiếp với đối tác đã ký hợp đồng, hoặc có văn bản gửi cho đối tác trình bày cụ thể sự việc để có cách giải quyết thấu đáo.

Ông Lâm Văn Hải, Giám đốc HTX mây tre đan Hòa Bình (Lạng Sơn) đang thực hiện khâu gia công các sản phẩm nội thất được làm từ nguyên liệu mây tre đan, nhôm, nhựa với 12 chi nhánh ở trong và ngoài tỉnh cho biết hiện nay, dù pháp luật Việt Nam đã bảo vệ quyền lợi cho HTX, doanh nghiệp Việt khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài nhưng thực chất ở trong nước vẫn thiếu các trung tâm hỗ trợ pháp lý để tư, vấn hỗ trợ pháp lý cho HTX, doanh nghiệp.

Trong khi các HTX cũng đa phần là có quy mô nhỏ, còn thiếu nguồn lực đầu tư cho đội ngũ pháp chế đủ tầm nên chưa thể tự tư vấn, giải quyết những khó khăn khi thực hiện các hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-can-than-trong-tranh-ke-an-oc-nguoi-do-vo-khi-ky-hop-dong-oem-1097972.html