HTX gặp khó để có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đánh dấu sự quyết tâm sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp của các HTX. Tuy nhiên, có kế hoạch xây dựng đã khó, việc đưa dự án, kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ vào thực tiễn và vận hành một cách hiệu quả đối với HTX còn khó hơn.

Hiện nay, sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân nhưng theo thống kê, tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung trên cả nước chỉ 30% (trong đó giết mổ công nghiệp khoảng 12-15%).

Khởi động tận…14 năm vẫn không thành công

Việc lượng gia súc, gia cầm phần lớn vẫn được giết mổ tại các lò thủ công là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không kiểm soát chặt được vấn đề về thú y, dịch bệnh, cũng như nguồn gốc sản phẩm.

Chính vì vậy, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là hết sức cần thiết vì không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường mà còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi hiện đại.

Ý thức được điều đó, có những HTX đã tiên phong trong việc xây dựng kế hoạch, dự án cơ sở giết mổ tập trung và mong sẽ hoàn thiện sớm để hình thành những chuỗi chăn nuôi, giết mổ khép kín. Tuy nhiên, thực tế quá trình xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của HTX gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí có HTX đã phải bỏ cuộc.

Mới đây nhất, HTX Tân Hiệp (TP.HCM) là chủ đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp. Với quy mô 15ha, nếu đi vào vận hành, nhà máy sẽ có công suất giết mổ gia súc là 1.000-3.000 con/ngày. Tuy nhiên do vướng về vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, thủ tục điều chỉnh ranh giới, thiếu đất làm đường dẫn vào nhà máy khiến HTX phải chờ đợi suốt 14 năm ròng.

Quá mệt mỏi và chưa đi đến kết quả khả quan vì tuyến đường kết nối vào khu vực dự án xây dựng nhà máy vẫn chưa được triển khai thi công, vị trí khu đất quy hoạch nhà máy có 3 mặt tiếp giáp sông, nên không đảm bảo về môi trường theo quy định, đến tháng 2/2022, HTX Tân Hiệp đã phải làm công văn gửi UBND huyện Hóc Môn xin ngừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và điều chỉnh chức năng sử dụng đất thành khu dân cư nhà vườn.

Giết mổ tập trung là định hướng của nhiều HTX chăn nuôi nhưng quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp, cho biết ngoài vướng trong việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch, HTX còn khó khăn trong việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bởi khi chưa có hồ sơ, giấy tờ của khu đất xây dựng nhà máy, HTX cũng không thể vay vốn ngân hàng để hoàn thiện. Trong khi vốn để đầu tư cơ sở giết mổ là không hề nhỏ.

Hay tại HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) đã có kế hoạch dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại chỗ nhằm chủ động trong việc chế biến gia súc gia cầm có chất lượng cao.

Thực hiện dự án này, HTX mong muốn được quy hoạch một vùng đất để các thành viên tập trung chăn nuôi ở đó. Tuy nhiên, để có được đất, HTX phải xin được vào một phần của khu công nghiệp Gia Phú trên địa bàn nhưng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn vì HTX không có tài sản chung để thế chấp.

Chính vì vậy mà dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm của HTX không thành hiện thực. Thay vào đó HTX phải liên kết với doanh nghiệp để thực hiện giết mổ một phần giá súc, gia cầm cho các hộ thành viên.

Đìu hiu vì không đạt công suất

Bên cạnh những HTX khó khăn trong việc xây dựng cơ sở giết mổ thì có những HTX đã xây dựng và đưa được cơ sở giết mổ tập trung vào hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục đặt ra với những HTX này đó chính là công suất của cơ sở giết mổ lại không đạt theo dự kiến xây dựng ban đầu.

Chẳng hạn như tại HTX Duy Sơn 2 (Quảng Nam) đã đầu tư cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên diện tích 1.500m2 với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Theo tính toán của HTX và cơ quan quản lý tại địa phương, khi cơ sở giết mổ này đi vào hoạt động sẽ thực hiện giết mổ trâu, bò, lợn của người dân và các hộ nhỏ lẻ tại 3 xã Duy Trinh, Duy Trung, Duy Sơn với công suất 50 - 100 con/ngày đêm.

Tuy nhiên, với lý do đường vận chuyển xa và người dân có nhu cầu giết mổ ít nên đến nay, cơ sở giết mổ tập trung của HTX hầu như không hoạt động. Có thời điểm, HTX cho người dân thuê giết mổ trâu, bò nhưng số lượng rất nhỏ, chỉ 2-3 con/đêm.

Thực trạng cơ sở giết mổ xây xong nhưng hoạt động không hết công suất, thậm chí nhiều máy móc, dây chuyền bỏ không như HTX Duy Sơn 2 cũng không hiếm.

Nguyên nhân là người dân không đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở tập trung để giết mổ và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hầu như vẫn còn hoạt động rất mạnh ở các địa phương. Trong khi cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có chi phí rẻ, kiểm dịch và vệ sinh an toàn lỏng lẻo chứ không khắt khe như lò mổ tập trung.

Trước thực trạng trên, đại diện của các HTX chăn nuôi cho rằng, muốn các HTX đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung, điều cần làm là gỡ vướng từ chính sách nguồn vốn, đất đai cho các HTX.

Nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm động vật có kiểm dịch là một trong những cách giúp cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả.

Ông Bạch Đăng Quang cho biết, lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn, đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc gia cầm hoàn chỉnh chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi nhiều HTX phải lấy chính mảnh đất đó ra để thế chấp vay vốn ngân hàng, nếu vướng các thủ tục về đất đai hoặc không được ưu tiên bố trí quỹ đất thì lại càng khó đầu tư.

Còn theo các chuyên gia, hiện nay, tập quán sử dụng thịt nóng trong tiêu dùng và chế biến vẫn còn phổ biến trong nhân dân. Phần lớn người tiêu dùng chưa có ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm động vật đã được kiểm tra của cơ quan thú y, thịt xuất phát từ các cơ sở giết mổ có uy tín hoặc nơi bày bán hợp vệ sinh. Do đó cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân để phù hợp với nếp sống văn minh đô thị. Có như vậy mới hạn chế được các lò mổ thủ công.

Cho dù các HTX rất tâm huyết đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để cung ứng sản phẩm đạt an toàn vệ sinh đến nhân dân, nhưng trước thực trạng giết mổ thủ công vẫn tràn lan như hiện nay, hoạt động quản lý khai thác kinh doanh cơ sở giết mổ của các HTX, thậm chí doanh nghiệp cũng không thể cạnh tranh nổi.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-gap-kho-de-co-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam-1088169.html