Huấn luyện bò đua ở vùng Bảy Núi

Mỗi người có một bí quyết rèn bò khác nhau và tất cả đều giữ bí mật 'ngón nghề' của mình. Phía sau những 'đấu sĩ' bò, là cuộc chiến khốc liệt để giành chiến thắng của các 'cua rơ'.

Những chú bò mang thân phận "đấu sĩ"

Nhà Chau Pi (Nguyễn Thành Tài, 44 tuổi) nằm sâu sau núi Cấm, thuộc Sóc Tà Lọt (An Cư, Tịnh Biên, An Giang). Còn hơn một tháng nữa mới đến hội đua bò nhưng để chuẩn bị chu đáo cho việc "rinh giải", năm nay, "cua rơ" này đã gác lại mọi việc và tất bật huấn luyện cho những chú bò chiến binh của mình.

Đổ mồ hôi trên sân tập thì thong thả về đích trong cuộc đua, đó là nguyên tắc Chau Pi áp dụng nhiều năm nay để chiến thắng đối thủ. Chúng tôi tận mắt chứng kiến buổi tập của "vua đua bò" Chau Pi ngay vùng biên giới Tịnh Biên.

“Cua rơ” Chau Pi và cặp bò "đấu sĩ" đang chuẩn bị cho mùa đua.

Bãi tập ngày chủ nhật thu hút tất cả những đôi bò cừ khôi đến từ các nơi trong huyện. Những con bò dáng vẻ "hầm hố", được lồng chảo vào bừa (phương tiện đua), dưới cái thét vang trời của nài, sải những bước nhảy vun vút.

Trong bãi tập, nài Chau Pi có vẻ điềm tĩnh và khiêm nhường hơn, anh chăm chú quan sát và tham vấn cho những nài bò non tay khác. Gặp ai hỏi, "cua-rơ bất bại" vẫn giữ lối trò chuyện hào sảng, chân chất: "Mình không nhận giỏi, chỉ là có chút kinh nghiệm do lâu năm huấn luyện bò. Những dịp như thế này, mình chia sẻ với anh em để cùng nhau chiến thắng, không cho bò vùng khác có cơ hội. Đó chính là niềm tự hào của dân nài bò tụi mình".

Chau Pi vẫn luôn khiêm tốn như vậy, đó là cái "nhẫn" của tay đua lão luyện từng kinh qua các trận đua khốc liệt. Để đạt đẳng cấp như "cua rơ" này thì rất hiếm, bởi là người hùng của đường đua thì phải có bản lĩnh dũng mãnh cùng cái đầu điều khiển. Giá trị tinh thần của nghề đua chính là danh dự, nó hơn hẳn cả những thứ vật chất khác.

Đường đua bò là ải vô cùng khốc liệt, nài bò phải có tinh thần thép và trái tim sắt đá để làm chủ tốc độ trước những đấu sĩ hăng như sư tử. Một khi nài đã đứng trên gọng bừa thì sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bởi tốc độ cao nhất của bò có thể đạt đến mức 120km/h. Chỉ cần một phút sơ sẩy có thể nát thịt dưới gọng bừa.

Nài bò tập trung về sân huấn luyện.

Chau Pi chia sẻ: "Khi bước lên bừa phải cầm dây chão thật chắc, hai chân làm trụ vững như cột, thét ra tiếng uy lực làm bò phải phục tùng, dùng roi không được quá mạnh hay quá nhẹ. Phải kết hợp hài hòa giữa nài và bò, nếu không thống nhất với nhau thì người ngã trước, còn bò khiếp vía sẽ phản lại chủ".

Chau Pi cho biết, đã theo nghiệp đua bò thì phải chấp nhận những gì kì công và nhiêu khê nhất. Công việc đầu tiên là chọn bò, đây là khâu quan trọng và vô cùng khó. Bò đua phải đạt được những đặc điểm của một "chiến binh": Chân thanh thoát như chân nai, móng nhỏ như móng ngựa. Khóe mắt xéo, mí dầy, mi to… là bò gan dạ.

Xoáy ngay ngắn ở mặt, bụng thon, lưng không oằn, không lang lưỡi… là bò can trường. Để đảm bảo những tiêu chí này nài bò nhiều khi phải vượt hàng trăm kilômét, sàng lọc khắt khe từ hàng trăm con bò khác nhau. Luật đua bò yêu cầu phải có đôi. Vì vậy, tìm một con đã khó nhưng kiếm cặp hợp nhau thì gian nan bội phần.

Những tay đua bò sành sỏi vùng Bảy Núi còn vận dụng quy luật trong ngũ hành, luận về xung - khắc theo bản mệnh Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ để chọn những cặp bò hợp nhau. Mạng bò được quy định theo màu lông. Ví dụ, bò đen là mệnh thủy (nước), bò vàng mệnh hỏa (lửa), thủy khắc chế hỏa, nếu cho hai con này sóng đôi trên đường đua, chúng có thể chạy mỗi con một hướng...

Việc chăm sóc và rèn luyện bò cũng rất khắt khe, giống như võ sỹ quyền anh, phải kinh qua những buổi chạy thể lực đường trường. Chau Pi cho biết, thường ngày anh phải cho bò tha bừa chạy hàng chục kilômét đường trường từ xã An Cư ra tận vùng biên giới, sau đó cho chạy hàng trăm vòng trên sân tập.

Trong khi chế độ dinh dưỡng cho bò đua cũng theo kiểu công chúa, hoàng tử. Ngoài thức ăn chính là cỏ non thì bò phải được tẩm bổ bằng cháo gạo, cám, nước dừa pha trứng gà, sữa tươi, nước sô-đa… những thứ này có tác dụng giữ sức. Một điều khắt khe nữa, đã là bò đua thì tuyệt đối kiêng cữ "chuyện ấy" với bò cái, nếu "lỡ dại" chúng sẽ giảm sút thể lực ghê gớm.

Nói là đua bò nhưng thực chất là đua trí não và sự khéo léo của con người. Mỗi người có một bí quyết rèn bò khác nhau và tất cả đều giữ bí mật "ngón nghề" của mình. Chau Pi yêu bò trên tất thảy, đôi lúc mải mê với bò mà quên luôn vợ con. Người ta hay nói "người tài, bò hay" là chỉ sự cưng chiều, yêu thương và cách thức thuần dưỡng bò của các "cua rơ". Nhiều năm nay, hầu như chưa đối thủ nào đánh bại được "vua đua bò" Chau Pi.

Những thủ đoạn trên đường đua

Càng ngày, lễ hội đua bò càng thể hiện được tính chuyên nghiệp, giải thưởng cũng hấp dẫn hơn. Thường là tivi, xe máy, tủ lạnh, thậm chí là tiền mặt… khiến không ít người mạnh dạn đầu tư và không từ "xảo quyệt" để chiến thắng. Nếu đối thủ có bò hay, ban đêm họ có thể cho người dùng xiên đâm mù mắt bò. Cũng có thể trước khi đua đối thủ lấy mỡ, nhờn xe máy đổ vào gọng bừa để nài trượt chân... Những "trò bẩn" ấy các tay đua đều quá am tường.

Những cặp đấu sĩ bước vào cuộc đua khốc liệt.

Để chiến thắng, các "cua rơ" đã dùng đủ mọi biện pháp, bất chấp các thủ đoạn. Chau Pi tiết lộ: "Họ thường mua ria mép của hổ về cắm vào mông bò để tăng tốc bò mình và át vía bò khác. Giá mỗi cái ria mép hổ đâu có rẻ, dao động từ 2 - 4 triệu/ria nhưng phải đi khắp nơi săn lùng mới có. Trong cuộc đua họ cắm vào hậu môn bò khiến chúng chạy như ma đuổi và cuối cùng giành chức vô địch".

Theo các nài bò, thì lông hổ có tác dụng át vía khiến bản thân con bò bị "yểm", như thể có hổ đằng sau đang đuổi bắt nên phải chạy, trong khi những cặp bò chạy đằng sau thấy thế dè chừng mà không dám vượt lên. Thế nhưng, mặt trái của nó là sau khi chạy thục mạng trên đường đua, những con bò này suy giảm sức lực nhanh chóng và có thể chết ngay.

Bò sau kỳ thi giành vô địch thì được giới nài săn lùng ráo riết, ra giá chất ngất, có khi là vô giá. Nhưng nếu thất bại hoặc bị tai nạn gãy chân thì được "thanh lý" với giá… bò thịt. Đó chính là bi kịch của những "đấu sĩ" bò trên đường đua.

Trong 17 năm mang bò đi đua, Chau Pi không thể quên lần bị ngã vào năm 2007. Lần đó anh rất tự tin cầm cương nhưng chân thì có cảm giác không bám vững, đó là điều lạ ít thấy. Dù vậy anh cố bám và điều khiển đôi bò phi như bay trong khi đối thủ bám theo sau một quãng dài.

Khán giả ai cũng vỗ tay đoán chắc đôi bò của anh sẽ chiến thắng. Khi gần cán đích thì chân anh không thể trụ nổi nữa và cuối cùng đã trượt ngã sõng soài ra đường. Chau Pi kiểm tra kỹ lại và cay cú nhận ra trước lúc vào đua, đã có người đổ dầu nhờn lên gọng bừa.

Nhưng đó chưa phải là tận cùng của kẻ tiểu nhân. Bài học để đời đối với Chau Pi là vào năm 2006, anh bị đối thủ của mình dùng gậy đánh vào gáy ngay giữa đường đua. Năm đó, Chau Pi đã bán 3 mảnh đất được 200 triệu mua cặp bò cực tốt và đầu tư rèn luyện rất kỹ. Vào cuộc đua, ngay vòng loại đầu tiên anh đã dễ dàng bỏ xa các đối thủ.

Đua bò là lễ hội hằng năm của người Khmer vùng Bảy Núi.

Trận chung kết đôi bò của Chau Pi tự tin phi nước đại trên ruộng đua, khán giả hò reo tung trời. Một đối thủ bám sát phía sau nhân lúc bùn té cao quá đầu, mọi người không nhìn thấy thì tay này vung gậy đánh mạnh vào gáy khiến Chau Pi ngã lăn ra phải đưa đi cấp cứu.

Ngoài những trò hạ sách này thì còn rất nhiều mánh khóe chơi nhau khác. Ví dụ như các đối thủ họp nhau lại để cùng đánh hội đồng một nài nào đó bằng cách "thí mạng", tức ép bò giẫm lên bừa nài khác để gây tai nạn. Trong những năm qua không ít vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên đường đua khiến những cặp bò đua gãy chân, hoặc chết ngay tại chỗ cũng một phần vì những trò không mấy hảo hán này. Chau Pi thoáng buồn, anh nhíu mày nói: "Giá trị nhân văn cao thượng trong cuộc chơi đã ít nhiều bị bào mòn. Chúng tôi cảm thấy rất buồn".

Ng.Thiện - Cát Tường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/huan-luyen-bo-dua-o-vung-bay-nui-509373/