Huawei sống khỏe tại khu vực đồng minh Mỹ

Trong bối cảnh Mỹ lôi kéo châu Âu tham gia chiến dịch loại bỏ Huawei, gã công nghệ Trung Quốc đã kiếm hợp đồng từ các nước vùng Vịnh.

Các nước vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), không chỉ lựa chọn Huawei để triển khai mạng 5G mà còn hợp tác với tập đoàn Trung Quốc này để phát triển các thành phố thông minh.

CEO Nhậm Chính Phi thừa nhận Huawei khó có thể được gạch tên khỏi danh sách cấm vận của Mỹ. Ảnh: Xinhua

CEO Nhậm Chính Phi thừa nhận Huawei khó có thể được gạch tên khỏi danh sách cấm vận của Mỹ. Ảnh: Xinhua

Dù Huawei đã hiện diện tại Vùng Vịnh kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, nhưng số lượng thỏa thuận cũng như những bước tiến lớn của “đại gia” viễn thông này tại khu vực chỉ bùng nổ trong những năm gần đây.

Tháng 1 vừa qua, Saudi Arabia thông báo sẽ mở cửa hàng của Huawei tại thủ đô Riyadh và đây là cửa hàng lớn nhất của tập đoàn này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Một vài tháng trước đó, chính quyền Saudi Arabia đã ký thỏa thuận với Huawei nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ lĩnh vực công và tư nhân. Mùa hè năm ngoái, công ty đầu tư Batic tại quốc gia vùng Vịnh này đã chính thức “bắt tay” với Huawei nhằm thực hiện các dự án xây dựng thành phố thông minh.

Ngoài ra, tập đoàn Huawei cũng phát triển các ứng dụng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ những người Hồi giáo hành hương về các thánh địa Mecca và Media.

Tại Dubai - một tiểu vương quốc công nghệ cao của UAE, Huawei đã triển khai nhiều dự án khác nhau từ việc lưu trữ dữ liệu đến các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho mạng lưới giao thông công cộng. Năm ngoái, hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai, hãng hàng không lớn nhất Trung Đông, cũng chọn Huawei làm đối tác xây dựng một trung tâm tăng cường năng lực giám sát và an ninh của công ty.

Các nước Vùng Vịnh giàu dầu mỏ đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Giám đốc Huawei phụ trách tại Trung Đông, Charles Yang cho biết cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là một trụ cột quan trọng trong các chiến lược chuyển đổi số quốc gia của các nước vùng Vịnh. Ông nhấn mạnh: "Bằng cách giành niềm tin của các đối tác Trung Đông, chúng tôi có thể giảm nhẹ những sức ép chính trị bên ngoài như của Mỹ".

Sau khi chịu lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ do ông Donald Trump lãnh đạo, Huawei đã bị đe dọa đến nhiều mảng kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị 5G.

Ngày 15/2, Duan Aijun, Chủ tịch mảng kinh doanh mảng Thị giác máy tính của Huawei thông báo trên Weibo về dự án mới của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc: nuôi lợn bằng trí tuệ nhân tạo song không nêu thêm chi tiết về chiến lược mới.

Trung Quốc có ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới, chiếm một nửa sản lượng lợn hơi toàn cầu. Các mô hình chăn nuôi lớn ngày càng hiện đại hóa, đòi hỏi sự hỗ trợ của công nghệ cao. JD.com, NetEase và Alibaba là những tập toàn công nghệ lớn đang tham gia vào lĩnh vực này.

Theo SCMP, dự án được khởi động trong bối cảnh mảng kinh doanh smartphone của hãng đang gặp khó, Huawei phải tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới, trong đó có dịch vụ đám mây, phương tiện thông minh, thiết bị đeo, khai thác than và nuôi lợn.

Tuần trước, ông Nhậm Chính Phi, CEO kiêm nhà sáng lập Huawei, khẳng định: "Chúng tôi vẫn có thể tồn tại mà không cần dựa vào doanh số bán điện thoại". Ông cũng nói thêm rằng khả năng Mỹ gạch tên công ty khỏi danh sách cấm vận rất khó. Vì vậy, việc lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi của Huawei là điều dễ hiểu trong bối cảnh này.

Tham vọng của Huawei trở nên rõ ràng hơn khi công ty mở rộng nhiệm vụ của Richard Yu, người đứng đầu nhóm kinh doanh tiêu dùng của công ty, trong đó có việc phụ trách các dịch vụ đám mây và AI từ tháng trước. Việc cải tổ lại ban lãnh đạo có thể củng cố các động thái của công ty vào các thị trường tăng trưởng mới.

Ngoài nuôi lợn bằng AI, Huawei cũng đang tập trung nghiên cứu và phát triển thiết bị đeo tay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/huawei-song-khoe-tai-khu-vuc-dong-minh-my-3428177/