Huawei và các đối tác Mỹ tìm cách đối phó lệnh cấm

Theo New York Times, các công ty công nghệ Mỹ vẫn bán linh kiện cho tập đoàn công nghệ Huawei, bất chấp lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, để bù lại những thiệt hại từ lệnh cấm, Huawei có thể sẽ tăng phí bản quyền những phát minh công nghệ của mình.

Lách luật để giảm thiệt hại

Sau khi New York Times đăng tải bài báo trên, công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn Micron Technology của Mỹ thừa nhận họ đã nối lại một số hoạt động làm ăn với Huawei. Ông Sanjay Mehrotra, CEO của Micron, cho biết một đánh giá nội bộ của công ty xác định rằng họ có thể tiếp tục vận chuyển hợp pháp một số sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu.

Vị CEO này cũng thừa nhận Micron đã bắt đầu chuyển một số đơn đặt hàng các sản phẩm này cho Huawei trong hai tuần qua. Tuy nhiên, CEO Micron nói rằng vẫn còn nhiều bất ổn xung quanh tình hình của Huawei và công ty này không thể ước tính khối lượng hoặc khoảng thời gian mà họ sẽ có thể giao hàng cho Huawei.

Thiết bị mạng của Huawei hiện bị nhiều nước cấm sử dụng.

Thiết bị mạng của Huawei hiện bị nhiều nước cấm sử dụng.

Micron là công ty chip của Mỹ đầu tiên công khai việc tiếp tục hợp tác ở mức độ nhất định với Huawei sau lệnh cấm của Mỹ. Theo nhà phân tích Steven Fox của Cross Research, nhiều công ty dù đặt trụ sở ở Mỹ, nhưng vẫn có thể phân loại công nghệ mà họ bán cho Huawei là công nghệ nước ngoài, thông qua quyền sở hữu chi nhánh và hoạt động ở các quốc gia khác.

Trước đó, sau khi có lệnh cấm của chính quyền Mỹ, Micron đã phải dừng toàn bộ việc cung cấp cho Huawei dù đây là khách hàng chiếm khoảng 13% doanh thu hàng năm của công ty này.

Giá cổ phiếu Micron tăng tới 11% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi thông tin trên được công bố. Công ty cho biết đã cung cấp trở lại cho Huawei trong 2 tuần qua, nhưng không cho biết cụ thể hơn.

Việc ngừng cung cấp thiết bị, linh kiện cho Huawei sẽ khiến các công ty của Mỹ thiệt hại nặng nề khi mất một khách hàng lớn, bởi trong số 70 tỷ USD Huawei đã bỏ ra mua linh kiện, dịch vụ năm 2018, có tới 11 tỷ USD rơi vào túi các công ty Mỹ. New York Times dẫn nguồn tin giấu tên cho biết các công ty sản xuất chip cùng nhiều hãng công nghệ khác của Mỹ vẫn bán linh kiện Huawei bằng cách tận dụng một "lỗ hổng" trong lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei, đó là quy định nếu dưới 25% công nghệ trong một con chip xuất phát từ một quốc gia ngoài Mỹ, thì con chip đó không nằm trong diện bị cấm bán cho Huawei. Quy định này có thể được các nhà cung cấp "tranh thủ" bằng cách chuyển giao bằng sáng chế cho các thực thể ở nước ngoài để giảm bớt hàm lượng công nghệ Mỹ trong sản phẩm.

John Neuffer, thành viên Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, cho biết họ "cam kết tuân thủ nghiêm ngặt" lệnh trừng phạt chính quyền đưa ra, nhưng lưu ý rằng "một số mặt hàng vẫn có thể được cung cấp cho Huawei" dựa trên quy định của luật pháp. "Tác động đối với mỗi công ty khác nhau, tùy theo từng sản phẩm và chuỗi cung ứng cụ thể. Mỗi công ty phải đánh giá cách tốt nhất để tiến hành kinh doanh và đảm bảo việc tuân thủ lệnh cấm", Neuffer nói.

Huawei sẽ thu phí bản quyền phát minh để bù thiệt hại

Người sáng lập kiêm Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi hồi đầu tháng 6 cho biết doanh số bán smartphone ở nước ngoài của họ đã giảm tới 40% do ảnh hưởng của lệnh cấm. Tuy nhiên, ông khẳng định Huawei “sẽ sống sót và vươn lên mạnh mẽ, chúng tôi sẽ không bao giờ chết".

Một trong những chiến lược mà Huawei có thể sẽ áp dụng là yêu cầu các công ty Mỹ trả phí bản quyền cao hơn khi sử dụng những bằng sáng chế công nghệ mạng của hãng. Huawei là một trong những công ty tham gia xây dựng kiến trúc mạng di động và bộ tiêu chuẩn thống nhất của mạng 5G, giúp tất cả các thiết bị di động có thể giao tiếp và kết nối mạng di động 5G tốc độ cao.

Huawei hiện có khoảng hơn 56.000 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ viễn thông và mạng. Rất nhiều trong số đó là các bằng sáng chế quan trọng, đặt nền tảng cho mạng viễn thông thế giới. Trong số những bằng sáng chế được cấp có hơn 57% tại Trung Quốc và gần 18% tại Mỹ. Đây cũng là thị trường sở hữu số bằng sáng chế lớn thứ hai của Huawei.

Số lượng bằng sáng chế liên quan đến 5G của Huawei còn nhiều hơn cả Nokia, Samsung hay LG. Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi cho biết: "Trong những năm qua, chúng tôi không tích cực kiếm tiền bản quyền bằng sáng chế từ những công ty sử dụng bằng sáng chế của chúng tôi. Đó là vì Huawei bận phát triển kinh doanh. Nhưng khi có nhiều thời gian hơn, chúng tôi sẽ cố gắng kiếm tiền từ những công ty đã dùng bằng sáng chế của Huawei".

Hôm 12-6, Huawei đã yêu cầu nhà mạng viễn thông Verizon Communications Inc của Mỹ trả 1 tỷ USD tiền phí bản quyền cho hơn 230 bằng sáng chế của Huawei. Các bằng sáng chế này liên quan tới thiết bị mạng của hơn 20 trong số các nhà bán lẻ của Huawei, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ, song các nhà bán lẻ này lại trả tiền cho Verizon.

Ngọc Trang (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/huawei-va-cac-doi-tac-my-tim-cach-doi-pho-lenh-cam-551344/