Huế, chặn sông rồi để đó

Sông Ngự Hà, thành phố Huế đã được chặn dòng gần một năm qua để triển khai Dự án cải thiện hệ thống thoát nước Kinh thành Huế, giảm thiểu bồi lắng cho sông Ngự Hà. Đáng nói, dự án này đột nhiên dừng lại mà không tháo đê quai, khiến con sông bị biến thành hồ, mang trên mình hàng triệu lít nước thải, không thể thoát ra ngoài. Lòng sông đang bị ô nhiễm nặng.

Sau khi bị chặn dòng, sông Ngự Hà không còn giữ được màu trong xanh mà đã chuyển sang màu xanh lục của rong tảo.

Sau khi bị chặn dòng, sông Ngự Hà không còn giữ được màu trong xanh mà đã chuyển sang màu xanh lục của rong tảo.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước Kinh thành Huế, giảm thiểu bồi lắng cho sông Ngự Hà có mục tiêu từng bước cải tạo và phục hồi hệ thống thủy đạo trong Kinh thành Huế, tiến tới kiểm soát ngập lụt trong khu vực Thành nội, tạo điều kiện ổn định cho người dân trong khu vực, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, bảo vệ, tôn tạo môi trường đô thị cho khu vực lân cận sông Ngự Hà.

Theo thiết kế, dự án nói trên sẽ xây dựng và lắp đặt hai hệ thống van hơi tự động tại cống Thủy Quan và cống Lương Y. Hai van này vận hành bằng hệ thống máy nén khí, đóng mở tự động khi có sự chênh lệch mực nước trên sông Ngự Hà phía trong và ngoài cống. Đây là dự án được nước ngoài tài trợ, và thành phố Huế cấp vốn đối ứng.

Sau thời gian dài chuẩn bị, tháng 10-2018, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế đã cho khởi công, đắp đê chặn dòng sông Ngự Hà, và xây dựng nhà điều tiết van ở phía cống Thủy Quan, đặt trên đường Ngô Thế Lân, Huế. Thời gian đầu, dự án được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên, sau khi đắp xong đê quai thì dự án đột ngột dừng lại từ đó cho đến nay.

Bà Trịnh Thị Nghiêm, người dân sống ven sông Ngự Hà, nói: “Công trình này đắp đập ngăn cống thủy quan trên sông Ngự Hà gần một năm qua làm nước không lưu thông, sông ô nhiễm. Buổi trưa, chiều mùi hôi từ sông bốc lên rất khó chịu”.

Sông Ngự Hà được triều Nguyễn cho đào vào đầu thế kỷ XIX, giúp thoát nước cho khu vực nội thành; đồng thời, để vận chuyển hàng hóa từ cảng Thanh Hà ở Bao Vinh vào Thành nội. Bà Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Chi bộ 20, phường Tây Lộc, thành phố Huế cho biết: “Nếu dự án dừng lại thì họ phải xẻ đê để nước lưu thông. Đằng này, họ vẫn giữ nguyên con đê ở đó khiến sông thành hồ, nước ô nhiễm, cảnh quan xấu đi. Trong các cuộc họp ở tổ, phường, người dân cũng đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị tháo hoặc xẻ đê quai để nước lưu thông, nhưng không thấy thay đổi gì cả”.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế xác nhận, sau khi gấp rút đắp đê quai thì Dự án cải thiện hệ thống thoát nước kinh thành Huế, giảm thiểu bồi lắng cho sông Ngự Hà, thành phố Huế, đã phải tạm dừng để điều chỉnh. Do đây là dự án kỹ thuật cao, đấu thầu quốc tế nên thời gian điều chỉnh khá dài.

Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế, cho biết: “Dự án triển khai dưới công trình đã được công nhận là di tích lịch sử nên chúng tôi đã có sự cẩn trọng. Tuy nhiên, khi chặn dòng thi công đã phát sinh một số vấn đề, nên dự án phải dừng lại để điều chỉnh. Van của hệ thống cũng phải thiết kế lại cho phù hợp với quy mô mới. Tới đây, chúng tôi sẽ khắc phục bằng cách xẻ tạm đê quai để nước sông lưu thông”.

Việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế cho đắp đê rồi dừng dự án mà không khơi thông đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị. Vì vậy, trong thời gian chờ dự án tiếp tục triển khai, chủ đầu tư phải cho xẻ đê để nước lưu thông là việc làm rất cần thiết. Nó không chỉ giúp duy trì hệ sinh thái, chống ô nhiễm, mà còn thể hiện tinh thần làm việc có trách nhiệm với công việc và cộng đồng.

Đê quai đặt ở cống Thủy Quan, cửa lấy nước của sông Ngự Hà.

QUANG TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40586602-hue-chan-song-roi-de-do.html