Huế - Kinh đô áo dài trong dòng chảy thời đại

Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của cố đô Huế, với Đề án 'Huế - Kinh đô áo dài' vừa được phê duyệt kinh phí, đây được coi là động lực để phát triển ngành kinh tế áo dài gắn với sự phát triển của văn hóa cố đô.

Đề án“Huế - Kinh đô áo dài” không chỉ nhằm phục hưng một di sản, mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch phát triển. Ảnh: Tiêu Dao

Đề án“Huế - Kinh đô áo dài” không chỉ nhằm phục hưng một di sản, mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch phát triển. Ảnh: Tiêu Dao

Từ trong di sản miền cố đô

Trong dòng chảy văn hóa Việt, chiếc áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn bó với đời sống của người Huế nói riêng và là biểu tượng của người phụ nữ Việt nói chung. Vì thế, áo dài được xem là giá trị văn hóa độc đáo trong rất nhiều các di sản văn hóa ở Huế và địa phương này đang quyết tâm xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”.

Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, thanh lịch của người con gái Huế, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, lịch lãm, góp phần tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông. Bên cạnh đó, áo dài còn thể hiện những giá trị đặc sắc về đạo đức, thẩm mỹ, là một di sản sống động, sản phẩm du lịch độc đáo của mảnh đất cố đô Huế. Dưới thời vua chúa nhà Nguyễn, Huế đã thực sự là kinh đô áo dài của Việt Nam, là nơi chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của loại quốc phục này.

Giáo sư, Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan (Thừa Thiên Huế) - người đã dành một đời cho áo dài Huế cho hay, người phụ nữ Huế thừa hưởng tính cách nhẹ nhàng, đằm thắm mang đặc trưng của vùng đất một thời là kinh đô của đất nước. Vẻ đẹp truyền thống với những nét dịu dàng, e ấp của cô gái Huế trong tà áo dài vẫn còn nguyên vẹn và có sức lay động lòng người. Phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình.

Còn với nam giới thì chiếc áo dài ngũ thân là trang phục thường xuyên không chỉ trong các nghi thức quan trọng, mà còn trong cả đời sống thường nhật. Áo ngũ thân chủ yếu có hai loại: Áo tay rộng (áo tấc) thường được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng và áo tay hẹp (hay áo tay chẽn) được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày, trong khi thực thi công vụ và nhiều loại hình hoạt động khác. Trong thời quân chủ, chiếc áo ngũ thân tay hẹp cùng khăn vấn đầu (hình chữ nhân hoặc chữ nhất) và quần dài màu trắng là loại trang phục được sử dụng rất phổ biến từ hoàng cung đến các bộ, viện, phủ đường, ty, nha, quân doanh… thể hiện sự nghiêm túc, chỉnh chu của người thi hành công vụ. Sự phân biệt về đẳng cấp, thứ bậc chủ yếu thể hiện qua chất liệu, màu sắc của vải may và mức độ cầu kỳ của các hoa văn trang trí trên áo.

Tuy nhiên, áo dài Huế cũng trải qua một giai đoạn không được coi trọng, thậm chí, chiếc áo dài ngũ thân nam giới đã gần như mất hẳn sau khi người Pháp vào Đông Dương mang theo quần Âu, áo sơ mi, comple và những biến cố trong chiến tranh, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, chỉ còn lại những chiếc áo thụng, áo tấc xuất hiện trong các nghi lễ tế tự, cúng giỗ của các đình làng, nhà họ, gia đình... Vì vậy, rất nhiều người không biết áo dài ngũ thân nam truyền thống là gì. Mãi từ năm 1986 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài Huế mới dần dần được hồi sinh với diện mạo mới, nhất là áo dài của nữ giới và gần đây là áo dài của nam giới.

Phát huy di sản thành sản phẩm kinh tế

Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn bó với đời sống của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, chiếc áo dài Huế được may thêu tinh tế và sắc sảo bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài ba xứ Huế từ lâu đã trở thành một món quà lưu niệm văn hóa, tinh thần độc đáo không thể thiếu cho người dân địa phương cũng như khách du lịch.

Trong vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế phát động và đẩy mạnh việc phục hưng áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ) gắn với triển khai Đề án “Huế-Kinh đô áo dài”. Trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành văn hóa với vai trò chủ đạo đã đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ chào cờ nơi công sở... Ngành giáo dục sau khi phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng. Một số trường học đã trang bị hoặc thuê, mượn áo ngũ thân để thầy cô giáo và các em học sinh mặc trong các sinh hoạt thực tế tại bảo tàng, di tích và các lễ hội do trường tổ chức.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trang bị áo dài cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên và đã triển khai quy định mặc đồng phục áo dài khi tham gia các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa. Giới doanh nhân đã sử dụng áo dài trong hầu hết các diễn đàn. Và tại chợ Đông Ba, ngôi chợ hơn 100 tuổi nổi tiếng nhất xứ Huế, hàng trăm tiểu thương đã cùng nhau mặc áo dài trong các ngày lễ, Tết hay trong các ngày hội, tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp về áo dài Huế gắn liền với ngôi chợ lịch sử.

Riêng với hoạt động du lịch, khoảng 2 năm trở lại đây, mặc áo dài nói chung và mặc cổ phục nói riêng đi tham quan, chụp ảnh trong không gian di sản, hay tìm về những nét xưa cũ trở thành sản phẩm thu hút khách, nhất là dòng khách trẻ tuổi. Những hình ảnh đó đang trở thành nét đặc trưng của du lịch cố đô…

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Huế - Kinh đô áo dài” là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm phục hưng một truyền thống văn hóa, một di sản của cố đô Huế, mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ phát triển. Tỉnh hướng đến mục tiêu đưa áo dài trở thành di sản quốc gia, đồng thời xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh áo dài trong thời gian tới”.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hue-kinh-do-ao-dai-trong-dong-chay-thoi-dai-post461553.html