Huế: Lâm tặc 'rộn ràng' rút ruột rừng phòng hộ A Lưới

Hàng chục cây gỗ quý lâu năm ở rừng phòng hộ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang bị lâm tặc ngày đêm xẻ thịt, tàn phá nghiêm trọng.

Dựng cầu khỉ để vận chuyển gỗ?

Mới đây, PV Infonet đã nhận được thông tin từ người dân về việc lâm tặc đang ngày đêm "xẻ thịt" hàng loạt cây gỗ quý lâu năm trong rừng phòng hộ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Để tìm hiểu thực hư sự việc, ngày 17/9 PV đã nhập vai một người dân thường tìm cách xâm nhập vào khu rừng mà người dân phản ánh.

Từ thị trấn A Lưới, PV chạy xe dọc theo QL49 đến cầu Mỏ Quạ rồi tiếp tục rẽ phải vào ngách 23 đường thủy điện A Lưới. Đây là con đường độc đạo với dốc đá quanh co, có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng rất nguy hiểm. Dù vậy, khi vào đến khu vực mà người dân phản ánh, PV không phát hiện bất cứ một dấu vết nào của việc phá rừng hay vận chuyển gỗ.

Trạm kiểm soát đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ

Tuy nhiên, khi PV tìm vào một khe suối thuộc núi A Rur, tiểu khu 311 (xã Hương Phong, huyện A Lưới) khoảng 50m thì bất ngờ phát hiện một khúc gỗ mới bị cưa xẻ có chiều dài gần 1m, đường kính khoảng 50cm vứt bên lối mòn.

Nghi ngờ khu rừng nơi đây đang bị tàn phá, PV quyết định leo lên đỉnh núi tìm hiểu. Đúng như dự đoán, khi PV leo lên phần đỉnh núi thì bắt gặp 4 cây gỗ đã bị đốn hạ, chỉ còn lại phần gốc. Điểm đặc biệt, tại mỗi gốc bị cưa hạ đều có đánh dấu phấn trắng bằng dòng chữ ký hiệu “TT5/18, 14/09/18”.

Tiếp tục đi về phía sườn núi, PV bắt gặp nhiều cây gỗ quý có đường kính lớn, mới bị lâm tặc đốn hạ, bìa gỗ được vứt rải rác, phần ngọn cây bị đốn lá còn đang xanh. Thậm chí, có một gốc cây mới bị đốn hạ, lâm tặc còn để lại các phách gỗ dài bắt mắt.

Đi sâu vào núi khoảng 1km, PV lần theo lối mòn có dấu vết lâm tặc đưa gỗ xuống thì phát hiện, dọc hai bên đường các cây gỗ quý đều bị đốn hạ, nằm trơ gốc.

Đường lên tiểu khu 311.

Phát hiện khúc gỗ là dấu vết của lâm tặc để lại.

Cây gỗ bị đốn hạ và chỉ còn trơ trụi gốc có đánh dấu của BQL rừng đến kiểm tra.

Những tấm bìa vương vãi ở tiểu khu 311.

Gốc cây trơ trụi mà BQL rừng chưa phát hiện rất to.

Sau khi rời khỏi tiểu khu 311, PV tiếp tục tìm đường vào khe Bưởi, thuộc tiểu khu 297 (xã Phú Vinh, huyện A Lưới) và thấy một dây cáp do lâm tặc để lại sau khi đã vận chuyển xong gỗ.

Khi men theo lối mòn do lâm tặc thường vận chuyển gỗ để lên đỉnh núi, PV phát hiện hai bên đường, các cây gỗ quý to đều bị đốn hạ. Hơn thế, lâm tặc còn "đầu tư" làm một cây cầu khỉ để vận chuyển gỗ qua chỗ sạt lở.

Đi thêm khoảng 5km, PV ghi nhận có hơn 10 điểm lâm tặc làm giá đỡ để máy tời gỗ và nhiều dấu vết của các bãi tập kết gỗ. Đặc biệt, tại tiểu khu 279 (xã Phú Vinh), PV đã bắt gặp một trại của lâm tặc với các dụng cụ như chén bát, gạo, rượu, can đựng nước...

Từ chỗ lán trại, PV tiếp tục tiến sâu vào rừng và phát hiện nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ, bìa gỗ, mùn cưa vương vãi khắp nơi. Cũng tại đây, PV nghe rất rõ tiếng máy cưa gầm rú ở cánh rừng bên cạnh.

Cầu khỉ được lâm tặc tạo ra để vận chuyển gỗ qua khu vực sạt lở.

Những giá để máy tời kéo gỗ của lâm tặc.

Lán trại của lâm tặc ở trong rừng sâu.

Nhiều phách gỗ mà lâm tặc chưa vận chuyển nằm ngổn ngang.

Một cây gỗ to mới được đốn hạ chưa xẻ.

Cây gỗ to lâm tặc cắt ra từng khúc để dễ vận chuyển và bóc lấy lõi.

Nhiều cây gỗ lớn chỉ còn trơ trụi gốc.

BQL rừng phòng hộ A Lưới nói gì

Theo tìm hiểu của PV, để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng phòng hộ A Lưới, chỉ có một con đường duy nhất là ngách 23 đường vào thủy điện A Lưới. Trên tuyến đường độc đạo này, có một trạm kiểm soát của đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ (thuộc BQL rừng phòng hộ A Lưới) nhưng gỗ vẫn bị chặt phá, đưa ra khỏi rừng một cách khó hiểu.

Trao đổi với PV Infonet ngày 18/9, ông Văn Thân - Giám đốc BQL rừng phòng hộ A Lưới cho biết, hiện BQL rừng phòng hộ A Lưới quản lý 23.508 ha với 35 tiểu khu và thuộc địa bàn của 8 xã. Khu vực tiểu khu 311, 297 bị lâm tặc đốn hạ gỗ và đơn vị đã đến kiểm tra, đánh dấu, tịch thu 4.453m3.

Cũng theo ông Thân, mới đây BQL rừng phòng hộ A Lưới vừa yêu cầu 8 cán bộ của đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ viết bản kiểm điểm vì công tác tuần tra, kiểm soát còn lỏng lẽo, để xảy ra phá rừng.

Khi PV cho xem hình ảnh các cây mới bị đốn hạ, gốc cây chưa bị đánh dấu thì ông Lê Nhữ Thắng-Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng (thuộc BQL rừng phòng hộ A Lưới) giải thích: “Có khi kiểm tra chưa đến hoặc đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ giấu không báo lên”.

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Nhân Đức-Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện A Lưới thừa nhận sự việc phá rừng và cho biết, tới đây đơn vị sẽ cho cán bộ kiểm lâm về tăng cường tại đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ.

Hà Oai

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hue-lam-tac-ron-rang-rut-ruot-rung-phong-ho-a-luoi-post275048.info