Huế sẽ đăng ký thương hiệu Festival nghề truyền thống

Trong một thông cáo báo chí mới nhất, UBND TP. Huế - đơn vị tổ chức Festival nghề truyền thống Huế khẳng định sẽ giữ thương hiệu này bằng nhiều cách làm nghiêm túc và chuyên nghiệp. Thậm chí, thành phố còn muốn đăng ký thương hiệu Festival nghề truyền thống Huế lên Cục sở hữu trí tuệ.

Lễ hội áo dài tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2017

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 – năm 2019 sẽ chính thức diễn ra. Theo BTC cho biết, sự kiện chính trị - văn hóa - kinh tế - du lịch này sẽ diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 26/4 – 2/5/2019) với chủ đề đã “đóng đinh” từ đầu là “Tinh hoa nghề Việt”.

Cũng theo BTC, sẽ có 50 làng nghề, cơ sở nghề với 300 nghệ nhân và thợ thủ công trong cả nước tham gia trưng bày, thao diễn và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại Festival nghề truyền thống Huế 2019.

Được biết đến lần đầu như là một sự kiện thứ 2 sau Festival Huế. Tuy nhiên, sau những lần tổ chức, cải tiến, phát huy giá trị, sự kiện cũng đã thu về những thành quả lớn, từng bước khẳng định thương hiệu trên bình diện cả nước. Qua 7 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế vẫn giữ được giá trị cốt lõi của một Festval truyền thống. Đó là giới thiệu những gì là tinh hoa nhất của nghề thủ công truyền thống Việt Nam và qua đó góp phần tôn vinh tài năng của những người thợ thủ công truyền thống của không chỉ riêng Huế mà cả tất cả mọi miền của tổ quốc.

Ngoài ra, Lễ hội cũng dần hướng đến tính xã hội hóa, ở đó không chỉ có sự tài trợ về vật chất mà còn từ sự hưởng ứng của các nghệ nhân trong tỉnh và cả ngoại tỉnh. Nhiều nghệ nhân xem Festival nghề truyền thống Huế như là cơ hội để họ phô diễn tài năng, giới thiệu những sản phẩm tinh hoa nhất của họ trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp của bản thân đến với công chúng cũng như với đồng nghiệp. Festival nghề truyền thống Huế cũng đã làm sống lại những làng nghề tưởng như đã đi vào quên lãng như làng gốm Phước Tích (Phong Điền), Pháp lam, Chế tác nhà rường; nghề áo dài truyền thống hay là sự hoàn thiện ý tưởng để hình thành nên một nghề mới rất độc đáo như giấy Trúc Chỉ, Hàng mỹ nghệ từ lá Sen. Nhiều điểm đến du lịch được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng cũng thành hình như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc; Tịnh Tâm Kim Cổ,…

Sau 7 kỳ tổ chức, UBND TP. Huế, đơn vị tổ chức Festival nghề truyền thống Huế còn kỳ vọng nhiều hơn thế, Huế làm Festival không phải chỉ cho riêng Huế mà cho cả nước...Cũng như Festival Huế tổ chức vào năm chẵn, Festival nghề truyền thống Huế cũng từng bước hướng đến tính quốc tế với sự tham gia của các nghề thủ công nổi tiếng đến từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...thông qua mối quan hệ hợp tác hữu nghị mà Huế với uy tín của mình đã thiết lập

Theo BTC Lễ hội cho biết, Huế sẽ làm và giữ thương hiệu Festival nghề truyền thống bằng những cách làm nghiêm túc và chuyên nghiệp nhất. Đó là: thành phố sẽ tổ chức hẳn một cuộc thi để sáng tạo Logo Festival nghề truyền thống Huế; đăng ký bản quyền Festival nghề truyền thống Huế lên Cục sở hữu trí tuệ; tổ chức các cuộc thi để tìm ra những sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng, hàng lưu niệm từ logo Festival,…

CAO TIẾN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hue-se-dang-ky-thuong-hieu-festival-nghe-truyen-thong-d92765.html