Hụi, họ, biêu, phường - hàng trăm người dân khóc ròng (Bài 1): Những cái kết buồn

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ vỡ hụi, mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo thế nhưng nhiều người dân vẫn không xem đây là bài học mà vẫn tiếp tục lao vào cơn xoáy của 'con ma hụi'. Những đồng tiền 'xương máu' của một bộ phận người dân dành dụm bấy lâu bỗng chốc bị mất trắng, làm cho hàng trăm gia đình tan nát, để lại hậu quả khó lường.

Anh Tào Đức Chính, thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước) chỉ tay về khu đất dự định làm nhà mới của mình.

Dưới cái nắng như thiêu đốt của những ngày tháng 5 càng làm cho thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước) trở nên oi bức, u ám sau sự việc chủ hụi Phạm Thị L. nhảy sông tự tử, gây chấn động cả một vùng quê nghèo. Theo đó, vào sáng ngày 18-5-2023, người dân địa phương phát hiện xe máy và đôi dép của chị Phạm Thị L. để lại trên bờ đê sông Mã. Sau khi tìm kiếm thì người dân phát hiện thi thể chị L. tại lòng hồ thủy điện Bá Thước 2. Nhận được tin báo, Công an huyện Bá Thước cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ. Bước đầu, xác định chị L. tử vong do nhảy sông tự tử. Nguyên nhân được phỏng đoán là do vỡ hụi.

Theo thông tin từ Công an huyện Bá Thước, chị Phạm Thị L. làm chủ của 7 dây hụi, trong đó đã thanh toán xong 4 dây hụi, còn 3 dây hụi sắp đến kỳ thanh toán. Số tiền của 3 dây hụi này khoảng vài trăm triệu đồng, số chân hụi bị ảnh hưởng khoảng 55 người. Do chị L. đã tử vong nên đến thời điểm hiện tại chưa có chân hụi nào làm đơn phản ánh lên chính quyền địa phương về số tiền mình đã mất.

Cũng tại thôn Điền Lý, xã Điền Lư vào đầu tháng 7-2022 cũng xảy ra một vụ vỡ hụi gây chấn động cả xã, huyện, làm cho 104 “con hụi” lâm vào cảnh nhà tan, cửa nát, có người xót của phải nhập viện cấp cứu. Theo thông tin từ UBND xã Điền Lư, lợi dụng lòng tin của người dân, chị Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1976, thôn Điền Lý đã đứng ra làm chủ hụi, huy động vốn của 104 người dân trong thôn, xã và các vùng phụ cận. Tổng số tiền Nguyễn Thị Minh huy động lên tới hơn 20 tỷ đồng; người cho vay tiền mặt ít nhất 19 triệu đồng, nhiều nhất 1,4 tỷ đồng. Ngày 30-6-2022, chị Nguyễn Thị Minh công bố vỡ nợ do không có khả năng trả nợ số tiền trên và “lặn mất tăm” khỏi nơi cư trú đến nay chưa về.

Sau khi Nguyễn Thị Minh tuyên bố vỡ nợ, nhiều người mất ăn, mất ngủ, lâm vào cảnh điêu đứng, nợ nần chồng chất. Điển hình như gia đình anh Tào Đức Chính và vợ là chị Phạm Thị Thanh cách nhà chủ hụi Nguyễn Thị Minh chừng 100m. Anh Chính không có việc làm, vợ thì lăn lộn sớm hôm ngoài chợ Điền Lư chắt bóp từng đồng để tham gia một vài chân hụi. Mục đích là sau 2 năm sẽ tích cóp một số tiền để làm lại ngôi nhà đang ở vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Anh Chính cho biết: “Số tiền gia đình góp hụi khoảng 1 tỷ đồng, khi đến kỳ hốt hụi, vợ chồng tôi chạy đôn chạy đáo đi xem ngày động thổ, bỏ móng làm nhà. Sau khi biết tin bà Minh tuyên bố vỡ nợ, vợ chồng tôi choáng váng, đất trời như đổ sụp, mất ăn mất ngủ cả năm trời. Bao nhiêu tiền dành dụm bấy lâu giờ đã trắng tay, ngôi nhà đang ở xuống cấp, mỗi khi trời mưa thì thấm dột, ngập lụt. Gia đình tôi giờ đây thật sự khó khăn, con cái đang trong tuổi ăn học, lại phải nuôi anh trai bị tâm thần, thời gian tới không biết sẽ ra sao?”.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lư, cho biết: Chơi hụi, phường đã tồn tại từ rất lâu ở địa phương. Về mặt tích cực đây là một hình thức góp vốn, tích lũy tiền để hỗ trợ nhau trong đời sống. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, làm cho không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao. Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, rà soát những dây hụi có nguy cơ vỡ hụi, chủ hụi có nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để triển khai, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, sớm can thiệp, giải quyết hiệu quả các vụ vỡ hụi khi mới phát sinh, hạn chế để xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người, làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Cùng cảnh ngộ như anh Chính, chị Hoàng Thị Chiến, thôn Trần Cầu, xã Quảng Bình (Quảng Xương) không cầm được nước mắt vì xót xa cho số tiền 120 triệu đồng của mình có nguy cơ bị mất khi tham gia dây hụi do chị Lê Thị Thủy, sinh năm 1979 ở thôn Cống Trúc, xã Quảng Bình làm chủ hụi.

Chị Chiến cho biết gia đình mình làm nông nghiệp, quanh năm chân lấm tay bùn, nhịn ăn, nhịn uống tích cóp những đồng tiền từ cây lúa, củ khoai để tham gia 3 chân hụi, mỗi chân 2 triệu đồng. Cứ mỗi lần đến kỳ lĩnh hụi, chị Chiến lại bị chủ hụi khất lần, hứa hẹn tháng này, tháng sau. Vì tin tưởng, thấy Thủy là người hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, nhà lại khá giả nhưng đến khi Thủy tuyên bố vỡ nợ thì chị Chiến mới tá hỏa. Cứ mỗi lần nghĩ đến số tiền đã mất mà đến bữa ăn không nuốt được cơm. Theo chị Chiến, ở nơi chị sinh sống cũng có rất nhiều người dân nghèo khó, thậm chí có cả người già đã tích cóp tiền đóng hụi, mong có được chút vốn liếng chăm lo cho gia đình nhưng giờ đây đều bị chủ hụi “cuỗm” mất. Sự việc xảy ra thật xót xa.

Trung tá Nguyễn Xuân Hưng, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự (Công an huyện Quảng Xương) cho biết: Từ tháng 7 đến tháng 9-2022 đơn vị đã tiếp nhận khoảng hơn 60 đơn tố cáo của các cá nhân ở các xã: Quảng Bình, Quảng Khê, Quảng Hợp, Quảng Ninh và thị trấn Tân Phong tố cáo chị Lê Thị Thủy, sinh năm 1979, thôn Cống Trúc, xã Quảng Bình về hành vi chiếm đoạt số tiền chơi phường, hụi khoảng 8 tỷ đồng. Qua xác minh cho thấy, từ năm 2020, Thủy đứng ra mở các dây phường, hụi với hình thức 1 dây phường, hụi có 20 người tham gia, mỗi người đóng 2 triệu đồng tiền gốc. Đến kỳ lĩnh phường (1 tháng/lần) nếu người tham gia chưa đến lượt lấy sẽ được trả lãi 400 nghìn đồng/tháng. Ngược lại, nếu người nào muốn lấy phường trước, ngoài tiền gốc 2 triệu đồng thì sẽ phải đóng thêm 400 nghìn đồng tiền lời. Ai muốn lấy trước thì báo trước 1 tháng sẽ được Thủy sắp xếp. Lịch đóng tiền được quy định vào ngày 28 âm lịch hàng tháng, bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ngày 30-6-2022 chị Thủy và gia đình đã đi khỏi địa phương. Sau khi xác định có dấu hiệu của tội phạm, Công an huyện Quảng Xương đã chuyển hồ sơ cho Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Sau khi làm việc với chính quyền địa phương cũng như nắm bắt dư luận Nhân dân, vụ vỡ hụi ở xã Quảng Bình do Lê Thị Thủy làm chủ có số tiền còn cao hơn rất nhiều và số “con hụi” có thể lên đến hơn 100 người, bởi vì có nhiều nguyên nhân khác nhau nên người bị hại không làm đơn tố cáo hoặc không khai báo với cơ quan chức năng.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng chục chủ hụi trên địa bàn tỉnh tuyên bố vỡ nợ hoặc “ôm” tiền của các “con hụi” rời khỏi địa phương. Điển hình như chủ hụi Trịnh Thị Nh., sinh năm 1972, trú tại tổ dân phố Tân Thanh, thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn) tổ chức 2 dây họ với 55 thành viên tham gia, mỗi người đóng 5 triệu đồng/tháng, tổng vốn huy động là 150 triệu đồng/tháng. Với chiêu thức thu tiền họ nhưng không trả tiền cho người chơi họ, đến nay tổng số tiền Nh. nợ chưa trả là gần 7 tỷ đồng. Đầu năm 2023 Nh. đã trốn khỏi địa phương. Hay như vụ vỡ hụi với số tiền lên tới gần 14 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1958, ở khu 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) làm chủ hụi. Sau khi bà Hạnh thông báo không có khả năng chi trả thì đồng nghĩa với việc có 186 người tham gia chơi hụi với bà Hạnh bị mất với tổng số tiền là 13 tỷ 800 triệu đồng...

Có thể khẳng định, những vụ việc vỡ hụi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của một bộ phận người dân, gây áp lực trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là khi chủ hụi có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tham gia, nhiều vụ vỡ hụi gây hậu quả rất nghiêm trọng, số vụ vỡ hụi, giật hụi lên đến hàng chục tỷ đồng, tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Bài 2: Nhận diện biêu, phường và những giải pháp chấn chỉnh.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/hui-ho-bieu-phuong-hang-tram-nguoi-dan-khoc-rong-bai-1-nhung-cai-ket-buon/187449.htm