'Hùng hổ' là gì?

Dù hùng hổ (熊虎) được hiểu là gấu và hổ, hay hùng hổ (雄虎) là con cọp đực, cọp mạnh thì hiện tượng láy âm ở đây chỉ là ngẫu nhiên

Một số nhà biên soạn từ điển xếp "hùng hổ" vào diện từ láy:

- Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Văn Hành chủ biên): "HÙNG HỔ tt. Tỏ ra hung hăng, dữ tợn, đầy vẻ đe dọa. Quân địch hùng hổ tiến vào làng. Điệu bộ hùng hổ. "Lý trưởng hùng hổ chĩa bàn tay vào mặt chị Dậu" (Ngô Tất Tố)".

- Từ điển từ láy dành cho học sinh (ThS Bùi Thanh Tùng - Ngô Thu Phương - Nguyễn Huy Hoàng): "HÙNG HỔ tt. Tỏ ra hung hăng, dữ tợn, đầy vẻ đe dọa. "Lý trưởng hùng hổ chĩa bàn tay vào mặt chị Dậu" ("Tắt đèn", Ngô Tất Tố)".

- Từ điển tiếng Việt thông dụng [có chú thông tin về từ láy] (Vietlex): "hùng hổ [láy] t. có biểu hiện tỏ ra dữ tợn, như muốn hành động ngay: - dáng điệu hùng hổ; - hùng hổ gây sự với người đi đường".

Có lẽ các nhà biên soạn từ điển cho rằng một trong 2 yếu tố (hoặc cả 2 yếu tố) "hùng" và "hổ" đều không có nghĩa. Tuy nhiên, "hùng hổ" 熊虎 là từ hợp nghĩa: "hùng" 熊 là con gấu, "hổ" 虎 là con cọp, nghĩa bóng chỉ hung tợn, dũng mãnh:

- Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên - 1993) giảng: "hùng hổ: ① Gấu và hổ; ② Chỉ đồ án gấu và hổ. Thời cổ đại thêu gấu hổ trên cờ xí làm hiệu, vì thế về sau mượn "hùng hổ" để chỉ cờ hiệu; ③ Tỉ dụ hung tợn, dũng mãnh; ④ Mượn để ví với tướng sĩ dũng mãnh.

Hổ và gấu Ảnh: Internet

Hổ và gấu Ảnh: Internet

- Hán điển (zidic.net): "hùng hổ: 熊虎: ① gấu và hổ; ② hình dung dũng mãnh; ③ tỉ dụ tướng sĩ dũng mãnh thiện chiến; ④ Thời cổ đại, người ta thường lấy hình con gấu và con hổ để thêu trên cờ xí. Sau gấu hổ được dùng để chỉ cờ xí.

- Từ nguyên (Thương vụ ấn thư quán - 1939): "tướng hùng hổ: ví với tướng dũng mãnh vậy.

Văn bia Hoàng Bùi Hoàn (Hoàng Bùi Tướng công bi ký) có từ "hùng hổ" 熊虎 ("gấu hổ"), được hiểu theo nghĩa "Mượn để ví với tướng sĩ dũng mãnh", mà Hán ngữ đại từ điển và Hán điển, Từ nguyên đã giảng:

"Tướng công lại biết sáng suốt, xử sự cẩn thận, hầu hạ cửu trùng, giản dị mà long trọng. Nắm binh phiên cốt giản dị, rõ ràng, luyện ba quân mạnh như gấu hổ" (bản dịch "Địa chí huyện Quảng Xương" - NXB Khoa học xã hội, 2010).

Tuy nhiên, "hùng" 熊 (con gấu) trong "hùng hổ" 熊虎 ("gấu" và "hổ") gốc Hán, khi Việt hóa (hoặc xuất phát từ sự nhầm lẫn?), lại biến thành "hùng" với tự hình 雄 (mạnh mẽ). Theo đây, "hùng hổ" 雄虎 được hiểu là "con cọp mạnh", với nghĩa bóng là mạnh mẽ, dữ tợn.

- Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): "hùng hổ 雄虎 Con cọp mạnh - ngb. mạnh mẽ, dữ tợn".

- Hán - Việt từ - điển (Nguyễn Văn Khôn): "hùng hổ 雄虎 Con cọp mạnh; cọp đực. Mạnh mẽ dữ tợn".

- Từ điển Hán Việt (Nguyễn Quốc Hùng): "hùng hổ 雄虎 Con cọp mạnh mẽ. Chỉ dáng điệu dữ dội".

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): "hùng hổ": dt. (động): Cọp đực, cọp mạnh: trt. Cách mạnh-dạn: Hùng - hổ bước tới".

- Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): "hùng - hổ": dt. Con cọp mạnh. Ngb. bt. Mạnh - mẽ dữ - tợn <> Bọn lính hùng-hổ xông vào nhà".

- Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): "hùng - hổ": Con hổ mạnh.: ngb. Mạnh mẽ, hăng hái, dữ tợn".

- Từ điển tiếng Việt [bản chú chữ Hán cho những từ Hán Việt] (Vietlex): "hùng hổ": 雄虎 t. hung hăng, dữ tợn, như muốn ra tay ngay: dáng điệu hùng hổ".

Trong tiếng Hán, con hổ dữ gọi là "mãnh hổ" 猛虎, như "Mãnh hổ thiêm dực" 猛虎添翼 (Hổ dữ thêm cánh); "Mãnh hổ thâm sơn" 猛虎深山 (Hổ dữ trong núi sâu). Còn "hùng hổ" với tự hình 雄虎, chỉ có nghĩa là con hổ đực (cũng như hùng sư 雄獅 = sư tử đực).

Như vậy, dù "hùng hổ" (熊虎) được hiểu là "gấu" và "hổ", hay "hùng hổ" (雄虎) là con "cọp đực", "cọp mạnh", thì hiện tượng láy âm ở đây chỉ là ngẫu nhiên. Cấu tạo đẳng lập của "hùng hổ"

(熊虎) cũng giống như "hổ báo" (虎豹), từ chỉ những kẻ ỷ mạnh hay gây gổ hoặc thái độ hung hăng, nóng nảy, mạnh tợn mà Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) đã thu thập và giải thích: "hổ báo": dt. Cọp và beo: Dữ như hổ báo". Ví dụ: "Bài học lớn cho thanh niên "hổ báo" rút dao sau va chạm giao thông" (tienphong.vn, tháng 7-2017); "Tài xế ôtô "hổ báo" bị hai thanh niên hạ knock out ở Hà Nội" (ngoisao.net, tháng 4-2019)...

Việc các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt thu thập "hùng - hổ": Con hổ mạnh. ngb. Mạnh mẽ, hăng hái, dữ tợn" theo nghĩa "Hán Việt Việt tạo" là điều bình thường. Tuy nhiên với từ điển Hán - Việt đối chiếu, nếu bỏ qua từ gốc Hán "hùng hổ" 熊虎 ("gấu" và "hổ" - mạnh mẽ như gấu hổ) và chỉ thu thập duy nhất "hùng hổ 雄虎 (mạnh mẽ, dữ tợn như hổ, tương đồng với "mãnh hổ" 猛虎) thì đây lại là một thiếu sót của người biên soạn.

HOÀNG TUẤN CÔNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/hung-ho-la-gi-2019052520315519.htm