Hưng Nguyên (Nghệ An):Đề án phát triển đàn bò xóa nghèo hiệu quả

Phát huy lợi thế diện tích đất bãi lớn thuận lợi để chăn thả, trồng cỏ nuôi bò, và nguồn nhân lực dồi dào, mấy năm gần đây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) phát triển mạnh chăn nuôi bò lai sind, cải tiến và nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng lai bò nhập ngoại. Chương trình này không chỉ cải thiện được tầm vóc đàn trâu, bò địa phương, tránh xảy ra tình trạng đồng huyết dẫn đến chậm phát triển mà còn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Nhiều gia đình đã xóa nghèo vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò lai sind.

Sau khi giải thể các hợp tác xã vận tải đường sông, huyện Hưng Nguyên dư ra một lượng lớn lao động, những lao động này phải đi làm thuê, bữa có việc, bữa không, cuộc sống hết sức khó khăn. Trước tình trạng này, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đã vạch ra nhiều giải pháp tạo công ăn việc làm để xóa đói giảm nghèo. Trong đó có đề án phát triển đàn bò lai sind. Ngay sau khi đề án được triển khai, bà con hưởng ứng rộng rãi. Đến nay sau 5 năm triển khai đề án, nhiều gia đình từ nghèo đói không đủ ăn nay trở nên giàu có.

Từ năm 2014, huyện Hưng Nguyên xây dựng đề án cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng phương thức thụ tinh nhân tạo được triển khai có hiệu quả.

Thực hiện đề án này huyện có chính sách hỗ trợ tiền công và tiền phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho các xã vùng ngoài: Hưng Long, Hưng Phú, Hưng Lam, Hưng Lĩnh, Hưng Nhân… nơi người dân chủ yếu chăn nuôi bò cỏ có tầm vóc nhỏ để nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò.

Đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Thành cho thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng/ năm

Năm 2015, Hưng Nguyên chỉ có 2.103 con bò được phối giống bò sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến hết năm 2019, tổng đàn bò đạt hơn 17 000 con. Thời gian tới, huyện Hưng Nguyên sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, cải tiến kỹ thuật để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ để cải tạo chất lượng đàn bò.

Ông Nguyễn Văn Thành, ở xóm 12, xã Hưng Long, trước đây đã từng nuôi giống bò vàng với tổng đàn trên 10 con, nhưng giống nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi có chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, được hỗ trợ liều tinh phối giống, gia đình ông đã tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện đàn bò của ông có hơn 20 con. Gia đình ông thuê thêm 2,5 ha đất bãi bồi, trồng ngô và cỏ để nuôi bò. "Trước đây cũng làm đủ nghề, chủ yếu vẫn là chăn nuôi, nhưng không hiệu quả. Từ khi trồng ngô, trồng cỏ, nuôi bò lai sind, kinh tế gia đình khá hẳn. Mỗi năm thu từ 180 đến 200 triệu đồng từ nuôi bò", ông Thành cho biết.

Ông Trần Văn Hợi, xóm 3, xã Hưng Lam cho biết: "Từ khi có đề án, gia đình tôi tham gia nuôi. Bò nuôi được bán giá cao. Nuôi được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Hằng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, cuộc sống thay đổi hẳn".

Ông Trần Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Hưng Lam cho biết: "Đến thời điểm hiện tại tổng đàn bò trên địa bàn xã khoảng gần 1000 con. Đề án hết sức hiệu quả, cứ một con bê nuôi 6 tháng bán được trên 20 triệu ngay. Hộ nghèo giảm từ 2015 đến nay là trên 2% nhờ đề án nuôi bò lai sind".

Hiện phong trào chăn nuôi bò lai sind hàng hóa ở Hưng Nguyên đang phát triển mạnh ở cả 10 xã dọc sông Lam, nơi có hơn 1.000 ha đất bãi. Tổng đàn trâu bò toàn huyện hiện có trên 17.000 con, trong đó bò lai sind 8.329 con, chiếm 51,64% tổng đàn. Chỉ tính riêng chăn nuôi bò lai sind, mỗi năm Hưng Nguyên cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1.000 tấn thịt, đạt giá trị khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết: "Những năm gần đây, kinh tế trên địa bàn xã thay đổi nhiều nhờ nuôi bò lai sind. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,56% từ năm 2015 đến nay. Nhân dân phấn khởi. Tận dụng được hết đất đai và nhân lực".

HOÀNG TÙNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hung-nguyen-nghe-ande-an-phat-trien-dan-bo-xoa-ngheo-hieu-qua-20191223090337951.htm