Hưng Yên xóa đói giảm nghèo: Những mũi giáp công

Hưng Yên là tỉnh thuần nông, địa dư vẫn vậy, song đất trồng trọt phải chia sẻ cho các mục đích khác nên đã bị co lại. Vẫn còn tên 'Cánh đồng Tam Thiên Mẫu' nhưng không còn thẳng cánh cò bay. Người nông dân vốn hay lam hay làm cũng khiến đất phải nhả hết tiềm năng - năng suất lúa má cũng đến ngưỡng. Xóa đói giảm nghèo bằng nông nghiệp thực sự là bài toán khó, giàu lên càng khó. Trong cái khó ấy đã ló ra nhiều điều khôn, đó là tìm ra những hướng đi mới. Hướng chung cho tỉnh, song mỗi nơi lại tìm những nẻo riêng để cùng nhanh cán đích.

Phát triển làng nghề

Phát triển làng nghề là một trong các lưạ̣ chọn hàng đầu, và ngày càng chứng minh đó là hướng bền vững, phát huy bàn tay khéo, tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ, nhà xưởng tại gia, lao động tại nhà các lứa tuổi, giữa các mùa vụ và những người yếu thế.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 55 làng nghề đang hoạt động với hơn 38,4 nghìn lao động, tổng doanh thu năm 2019 đạt 7,9 nghìn tỷ đồng. Với sự phát triển nhanh về số lượng cùng với việc áp dụng công nghệ, cơ khí, điện khí trong nhiều công đoạn, đỡ nhọc nhằn người thợ lại có năng suất. Các làng nghề đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phong phú hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu, người lao động có thu nhập khấm khá hơn hẳn so với người làm ruộng. Làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu mỗi năm cung cấp khoảng 100 tấn bột nghệ có thương hiệu bán trong, ngoài tỉnh và xuất ngoại, kể cả những thị trường khó tính. Ban đầu chỉ dùng nghệ trồng trong địa bàn, nay các xã lân cận, huyện liền kề đã trở thành vệ tinh cung ứng nghệ nguyên liệu ổn định, theo tiêu chuẩn VietGAP.

Miến dong Lại Trạch, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ tôn vinh tên tuổi của làng quê này. Từ những củ dong giềng chỉ luộc để ăn vặt, người Lai Trạch làm ra những chùm miến dong óng ả, thơm thảo. Vị thơm thảo từ chất ngọt tự nhiên của bột dong đã đành, còn cái óng ả phơn phớt tơ tằm lại được phối tạo bởi màu bột nghệ. Ra đời từ 50 năm trước, miến dong Lai Trạch nay đã bay xa, còn củ dong giềng đầu vào thì không chỉ chỉ từ đồng đất Hưng Yên mà còn từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Yên Bái…. Theo trào lưu hội nhập, nhiều sản phẩm làng nghề đã được công nhận nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đàng hoàng trên các trang web.

Phát triển cây có múi đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân (Ảnh minh họa)

Phát triển cây có múi đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân (Ảnh minh họa)

Phong trào OCOP

Sự phát triển làng nghề bắt nhịp với phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt theo tiếng Anh là OCOP, càng làm cho nhiều đặc sản của Hưng Yên cất cánh. Đề án về OCOP giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến 2025 đã gặt hái thành công. Theo đó, năm 2020 tiếp tục giữ vững và nâng hạng cho 70 sản phẩm, gồm 37 sản phẩm đạt 3 sao, 22 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 5 sao, riêng 6 loại dược liệu nâng hạng gồm 2 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao.

Trong số các sản phẩm đạt 5 sao, nhãn lồng là cây ăn quả chủ lực, truyền thống của tỉnh. Vườn nhãn trải ra khoảng 6 nghìn hộ trồng, trên diện tích 3,9 nghìn ha. Hiện trong Nam, ngoài Bắc, dưới xuôi, mạn ngược đều có nhãn và không chỉ có “nhãn tháng sáu”, vì thế nhãn Hưng Yên nay không còn “độc tôn”, song đặc vị nhãn lồng Hưng Yên thì khó trộn lẫn. Giống nhãn chín muộn càng chĩu quả, được Hợp tác xã nhãn giống Miền Thiết, Khoái Châu lai tạo theo quy trình VietGAP, ứng dụng phần mềm quản lý thông minh Agrichek, không chỉ vào các siêu thị trong nước mà sang cả Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, cho thu nhập từ 40-60 triệu đồng/sào. Nhãn Hưng Yên nay đã chia ngọt sang cả trời Tây, nơi ấy có bà con ta để nguôi nỗi nhớ về nguồn cội. Mật ong từ hoa nhãn cũng là đặc sản không chỉ vì nó là… mật, mà còn bởi từ lâu nó cùng với long nhãn đã làm nên những liều “Nam dược trị Nam nhân”.

Nâng tầm sản vật

Người Hưng Yên thời đổi mới đang tìm mọi cách nâng tầm sản vật từ đồng đất quê nhà. Đến ngày thu hoạch không thể để sản vật ngoài đồng, quả chín không thể lủng lẳng mãi trên cành. Nhưng thu về nếu chưa bán được hoặc thậm chí không ai mua, cũng tội, mất mùa đã khổ, được mùa chẳng vui. Sáng ý chế biến nông phẩm nảy ra từ những trăn trở đó. Từ những buồng chuối chín, Hợp tác xã nông sản Toàn Phát, thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu đã làm ra chuối sấy.

Bây giờ, khắp trong thôn, rộn ràng tiếng máy hòa lẫn tiếng người, cho ra những túi chuối sấy ngọt ngào, đóng gói bằng máy, nhãn hiệu bắt mắt. Nào là chuối sây khô, vàng rộm, ròn tan, nào là chuối sấy dẻo vừa thơm vừa dịu ngọt, giá bán tới bàn nước chỉ bằng 2/3 giá sản phẩm cùng loại từ các vùng miền khác tới. Thiết bị từ sơ chế đến đóng gói thành phẩm vừa nhàn nhã người thợ, vừa văn minh, vừa đảm bảo vệ sinh công nghiệp. Từ sấy chuối đã lan tỏa sang sấy nhãn, vải, ngô, khoai, rau củ quả khác… mùa nào thức ấy, yên lòng khi tới ngày “trông quả”.

Đào tạo nghề

Đảm bảo nguồn lực cho các ngành nghề phụ nông thôn (thực ra nay là chính) liên tục phát triển là việc đào tạo nghề, mà huyện Kim Động là một trong những điểm sáng. Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 10 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Có khoảng 90% lao động sau khi được đào tạo tìm được việc làm. 17/17 xã, thị trấn đạt tỷ lệ có việc làm thường xuyên từ 90% trở lên. Khoảng 7 ngìn người được vào làm việc tại doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực tạo việc làm, huyện Văn Lâm nổi lên phong trào phụ nữ giúp nhau khởi nghiệp. Theo đó, hội phụ nữ hướng hoạt động của chị em các lứa tuổi vào những câu lạc bộ vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác tái chế kim loại màu, tập huấn kiến thức kỹ năng kinh doanh, quản trị tài chính, tiếp thị, phát triển năng lực, kết nối các quỹ và nguồn vốn….

Gặt hái thành công

Năm 2018, toàn tỉnh có 4.386 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%. Bước vào năm 2019 đặt mục tiêu có thêm 1.615 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%, hạn chế tái nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, khi khóa sổ cuối năm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9%. Đồng thời, có 145 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu.

Không hề khiên cưỡng khi nói rằng, thành công khiêm tốn của công tác xóa đói giảm nghèo đã góp phần giúp Hưng Yên trở thành 1/16 địa phương trong cả nước tự cân đối được ngân sách và quỹ, mở màn năm 2020 Hưng Yên là điểm sáng về tăng trưởng với mức tăng gần 7% mặc con covit “gây sự”. Bài học rút ra từ những thành công trên là sự quyết tâm - đồng bộ - đồng lòng..

Vui, song chẳng ai thỏa mãn. Quy mô kinh tế còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cùng khát vọng Hưng Yên, do đó, việc đưa ra những chương trình kích hoạt phát triển trong hành trình mới là điều mà Hưng Yên đã và đang làm với kỳ vọng đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiến xa hơn.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hung-yen-xoa-doi-giam-ngheo-nhung-mui-giap-cong-137914.html