Hungary và Ba Lan tập hợp đồng minh để bảo vệ quyền phủ quyết trong EU

Chính sách đối ngoại và an ninh trong EU là một trong số lĩnh vực cần có sự đồng thuận. Nhưng quy tắc nhất trí này có thể được sử dụng bởi một quốc gia thành viên duy nhất để làm chệch hướng hoặc ngăn chặn một quyết định chung.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó. Ảnh: Hungarytoday.hu

Theo trang tin Euronews.com, Hungary và Ba Lan đang nỗ lực duy trì nguyên tắc nhất trí trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU, một phản ứng trực tiếp nhằm vào nhóm nước thành viên khác đang thúc ép áp dụng quy tắc đa số đủ điều kiện và chấm dứt quyền phủ quyết.

Động thái này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó công bố hôm 22/5. Ông Szijjártó cho biết các cuộc đàm phán sơ bộ đang diễn ra để phản đối "nhóm" mới ủng hộ đa số đủ điều kiện, bao gồm Đức và Pháp, các thành viên có ảnh hưởng nhất của EU.

"Những quốc gia thành viên muốn duy trì sự đồng thuận và quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của họ trong quá trình ra quyết định của Brussels muốn có sự hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi đã đàm phán ở cấp đại sứ tại Brussels. Tất nhiên, ở phía bên kia, một nhóm khác cũng đang được tổ chức", ông Szijjártó nói với các phóng viên.

Tuy nhiên Ngoại trưởng Szijjártó không nêu tên các quốc gia đã tham gia vào các cuộc thảo luận trên.

Sau đó, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cũng đã lên tiếng ủng hộ công khai. “Ba Lan sẽ không bao giờ ủng hộ ý tưởng chuyển từ sự đồng thuận sang biểu quyết đa số đủ điều kiện trong chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU”, ông Rau viết trên Twitter.

Một nguồn tin ngoại giao nói với Euronews rằng phe ủng hộ duy trì sự đồng thuận có thể lên tới 9 quốc gia EU, mặc dù chưa có danh sách chính thức nào được công bố.

Nỗ lực trên cũng được cho nhằm đối trọng với "nhóm ủng hộ đa số đủ điều kiện" được thành lập hồi đầu tháng này gồm Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Slovenia và Tây Ban Nha.

Romania chính thức gia nhập nhóm này ngày 22/5, trong khi Đan Mạch chọn tham gia với tư cách quan sát viên. Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã đích thân ủng hộ sáng kiến này.

Các nước trên muốn điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của EU theo "cách thực dụng" bằng cách dần dần loại bỏ sự nhất trí, một quy tắc bỏ phiếu chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực hoạch định chính sách của EU, chẳng hạn như quá trình mở rộng khối, đánh thuế và ngân sách chung".

Nhưng sự cần thiết phải có 27 phiếu đồng ý thường được sử dụng bởi một quốc gia nhằm trì hoãn hoặc phủ quyết hoàn toàn các quyết định chung. Đặc biệt, Hungary đã bị một số nước EU chỉ trích vì liên tục sử dụng quyền phủ quyết để cản trở các thỏa thuận quan trọng, gây ra sự thất vọng cho các quốc gia thành viên.

Vấn đề này một lần nữa được sử dụng hôm 22/5, khi Budapest chặn việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 500 triệu euro, sau khi Kiev liệt OTP Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất của Hungary, là "nhà tài trợ chiến tranh quốc tế".

OTP, cũng như các công ty tư nhân khác trong danh sách của Ukraine, mạnh mẽ bác bỏ những tuyên bố này, cho rằng lý do là không chính xác và không khách quan.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hungary-va-ba-lan-tap-hop-dong-minh-de-bao-ve-quyen-phu-quyet-trong-eu-20230524163807004.htm