Huổi Pản mở rộng quy mô nuôi cá lồng

Khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân bản Huổi Pản, xã Mường Khiêng (Thuận Châu) đã đầu tư nuôi cá lồng, bước đầu đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập; nhiều hộ thoát nghèo vươn lên giàu có.

Bè nuôi cá của người dân bản Huổi Pản.

Huổi Pản là bản tái định cư thủy điện Sơn La di chuyển từ bản Pá Mu, thị trấn Ít Ong (Mường La) đến Mường Khiêng năm 2005. Anh Cà Văn Bua, Trưởng bản thông tin: Sau 15 năm an cư trên quê mới, hiện cả bản có 74 hộ với 359 khẩu. Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn trên đất dốc, bạc màu, năng suất thấp, hiệu quả không cao. Ban quản lý bản đã phối hợp với cán bộ khuyến nông xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhất là tập trung khai thác tiềm năng vùng lòng hồ để nuôi cá lồng.

Là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng ở bản Huổi Pản, anh Vì Văn Nghiêm cho biết: Nhận thấy tiềm năng mặt nước của hồ thủy điện, năm 2016, gia đình tôi đã đầu tư 200 triệu đồng làm 8 lồng cá, mỗi lồng có diện tích khoảng 20 m² bằng khung thép chắc chắn, chủ yếu nuôi các loại cá: Trắm, lăng vàng, nheo, diêu hồng. Nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ những thứ sẵn có ở địa phương như: bột ngô, sắn, rau và lá chuối... Ngoài ra, gia đình còn đánh bắt thêm các loại cá tạp loại nhỏ về xay ra thành thức ăn cho cá, vì thế đàn cá lớn rất nhanh, chất lượng sản phẩm cá cho thịt chắc, thơm được nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận đặt mua. Năm 2019, sản lượng cá đạt trên 3 tấn, thu nhập bình quân mỗi lồng được hơn 40 triệu đồng.

Để liên kết các hộ gia đình tham gia nuôi tập trung và tìm đầu ra cho sản phẩm, tháng 5/2016, 32 hộ dân trong bản đã thành lập HTX Huổi Pản, trong đó có 12 thành viên tham gia chăn nuôi thủy sản. Hiện, cả HTX có 51 lồng cá, trung bình mỗi lồng rộng 20 m², tổng thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Anh Vì Văn Yên, thành viên HTX Huổi Pản cho hay: Hiện nay, gia đình tôi đã có 8 lồng cá các loại, trở thành thành viên trong HTX, tôi được trao đổi, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá, đảm bảo các lồng cá không có dịch bệnh xảy ra. Lợi ích nữa khi tham gia HTX là có thị trường tiêu thụ và nguồn cá giống ổn định.

Để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nuôi cá lồng ở Huổi Pản, các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện giúp người dân về con giống, mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc các giống cá. Nhờ đó, người dân trong bản đã nắm chắc và thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ bệnh cho cá, không có dịch bệnh xảy ra. Từ việc phát triển nuôi cá lồng, nhiều hộ đã có đời sống khấm khá, từng bước vươn lên làm giàu như các hộ ông Lường Văn Muôn, ông Quàng Văn Tố... đến nay cả bản chỉ còn 10 hộ nghèo.

Theo ông Lò Văn Thoa, Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã Mường Khiêng, để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, xã tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản, nhằm phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã lên tới 26 ha, trong đó bản Huổi Pản chỉ với 5.000 m² lồng nhưng là một điểm sáng về hiệu quả. Xã đang tập trung nhân rộng mô hình này để có thêm nhiều người dân thoát nghèo vươn lên giàu có.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/huoi-pan-mo-rong-quy-mo-nuoi-ca-long-33326