Hương bài Yên Cát

Do tác động của kinh tế thị trường, nhiều nghề truyền thống trên địa bàn huyện Như Xuân đã bị mai một. Tuy nhiên, nghề làm hương bài truyền thống ở thị trấn Yên Cát vẫn được duy trì và phát triển, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Công đoạn dùng máy se que hương bài.

Công đoạn dùng máy se que hương bài.

Những ngày đầu tháng 7, tìm về khu phố Cát Tiến, chúng tôi chứng kiến người dân đang khẩn trương làm ra những mẻ hương bài để kịp cung ứng hàng cho thị trường vào dịp tháng Bảy âm lịch. Những bó tăm hương xòe đỏ rực được phơi dọc con ngõ nhỏ, trong sân nhà, phảng phất mùi trầm bay trong gió. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Thắng, một hộ làm hương bài, cho biết: “Nghề làm hương bài Yên Cát do cha ông truyền lại. Tôi gắn bó với nghề này hơn 30 năm, không chỉ là nguồn thu nhập chính, mà còn để duy trì nghề truyền thống của gia đình”. Nghề làm hương bài được ông và các hộ dân ở phố Cát Tiến làm quanh năm, tiêu thụ nhiều nhất là những tháng giáp tết và vào tháng Bảy âm lịch. Thời điểm đó, ngoài 5 lao động trong gia đình, ông còn phải thuê thêm 14 lao động. Để làm ra một thẻ hương chất lượng có mùi thơm, hình thức đẹp, cháy đều là cả quá trình sản xuất tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật se hương, phơi sấy... Trước đây, nguyên liệu chính để làm hương là rễ cây trầm; bây giờ, rễ trầm khan hiếm nên được thay thế bằng bột trám, bột bài và than của các loại cây thân nhẹ như: lạc, mía. Ba loại nguyên liệu trộn với nhau theo tỷ lệ, để thành hỗn hợp chất làm hương bài. Công đoạn làm hương bài cũng khá công phu, vất vả. Nhựa trám được cho vào máy lọc lấy nước nguyên chất, sau đó trộn với than cây rồi cho vào máy xay đều. Hương làm xong đem phơi nắng gió, hoặc sấy vừa tạo màu sắc đẹp, vừa giữ được mùi thơm.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây gia đình ông đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy lọc, máy xay, lò sấy để sản xuất hương bài. Trung bình, mỗi năm gia đình ông Thăng làm được khoảng 4 triệu thẻ hương. Không chỉ phục vụ người dân trong tỉnh, sản phẩm hương bài của gia đình ông còn được thương lái ở các tỉnh đến đặt mua. Đốt một nén hương bài, ông Thăng tự hào khoe: “So với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, hương bài truyền thống ở thị trấn Yên Cát có mùi hương dịu nhẹ, phảng phất rất đặc trưng và đặc biệt tốt cho sức khỏe bởi nguyên liệu làm ra hoàn toàn từ các loại thảo mộc tự nhiên”.

Những ngày nắng to, thay vì đưa vào máy sấy, nhiều hộ gia đình mang hương ra phơi.

Cũng như gia đình ông Thăng, mấy chục năm qua gia đình ông Lê Đình Tạo vẫn miệt mài lưu giữ nghề làm hương của gia đình. Nhanh tay xòe bó hương để phơi cho kịp nắng, ông Tạo chia sẻ: “Trước đây, làm hương theo cách truyền thống nên năng suất thấp và cây hương làm ra không đều. Vài năm trở lại đây, khi máy làm hương ra đời, đã giúp người làm hương bớt vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao, giảm công lao động và cây hương làm ra rất đều, đẹp. Tuy nhiên, dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ làm hương vẫn phải có sự chỉn chu, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo. Cây hương đạt chuẩn là phải thẳng, tròn, đều và có màu vàng nâu. Tùy theo công thức pha chế của mỗi cơ sở mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau”. Cũng theo ông Tạo: “Từ tháng 10 âm lịch, khi có nhiều đơn hàng, gia đình tôi đã phải thuê thêm nhân công, thời tiết lại hay mưa phùn cộng nồm ẩm, chúng tôi phải đầu tư mua lò sấy để hương khô nhanh và không bị mốc. Hương được dùng vào công việc tâm linh nên công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, đóng gói”.

Ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Cát, cho biết: “Nghề làm hương bài truyền thống ở thị trấn Yên Cát có từ lâu đời, trước đây do làm hoàn toàn thủ công nên năng suất không cao. Những năm gần đây, người dân đã đầu tư trang bị máy móc để làm ra sản phẩm với năng suất cao, thu nhập từng bước được nâng lên. Nhiều gia đình có doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, thị trấn Yên Cát đã vận động các hộ dân thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp hương bài Yên Cát, với 16 thành viên; đồng thời hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và một phần bao bì, nhãn mác cho các hộ dân. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất được 5 đến 6 vạn thẻ hương, tạo việc làm cho 32 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Với việc nỗ lực của các thành viên trong HTX việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2021 sản phẩm hương bài truyền thống Yên Cát đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ hội để sản phẩm hương bài Yên Cát khẳng định được thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/huong-bai-yen-cat/24633.htm