Hướng dẫn bảo vệ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ

Mất đi nhãn hiệu thương mại là doanh nghiệp mất đi thị trường. Thực tế đã có không ít các nhãn hiểu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở Hoa Kỳ, và việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

NDĐT- Mất đi nhãn hiệu thương mại là doanh nghiệp mất đi thị trường. Thực tế đã có không ít các nhãn hiểu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở Hoa Kỳ, và việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ), nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao, hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ, hay tốn rất nhiều chi phí luật sư cho việc khởi kiện lấy lại thương hiệu.

Theo số liệu từ Cục sáng chế và bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO), hiện Việt Nam mới chỉ có 1.938 thương hiệu được đăng ký với USPTO, trong đó chỉ 1.090 thương hiệu hiện đang trong tình trạng tồn tại. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng sẽ giúp doanh nghiệp an toàn tiếp cận thị trường, cũng như tránh được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và thị phần của mình.

Đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Hoa Kỳ
Bảo hộ nhãn hiệu thương mại có tính chất vùng/lãnh thổ. Bởi vậy, nhãn hiệu thương mại dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì vẫn phải đăng ký tại Hoa Kỳ. Mặc dầu việc đăng ký nhãn hiệu thương mại không phải là một yêu cầu pháp lý tại Hoa Kỳ, nhưng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) vẫn khuyến cáo doanh nghiệp đang kinh doanh hoặc có ý định kinh doanh tại Hoa Kỳ nên đăng ký nhãn hiệu thương mại để bảo vệ thương hiệu của mình và tận dụng tối đa các quyền lợi mà việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại mang lại.

Hai cách đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Hoa Kỳ:
Cách 1: Đăng ký thông qua hệ thống sử dụng Nghị định thư Madrid (do Việt Nam và Hoa Kỳ cùng là thành viên) cho văn phòng quốc tế Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (http://www.noip.gov.vn/): Hoa Kỳ và Việt Nam đều là thành viên của một số tổ chức/Hiệp ước quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu thương mại như WTO, Công ước Paris, Nghị định thư Madrid. Bởi vậy, khi có bất kỳ xảy ra tranh chấp nào về thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ và tư vấn của các chuyên gia về nhãn hiệu tại Cục sỡ hữu trí tuệ Việt Nam để nhận những lời khuyên và tư vấn bổ ích.

Cách 2: Đăng ký trực tiếp với Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ USPTO
Doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký online hoặc gửi hồ sơ trực tiếp tới USPTO. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có pháp nhân hoạt động tại Hoa Kỳ mà chỉ xuất khẩu hàng hóa, thì việc đăng ký bắt buộc phải thông qua luật sư Hoa Kỳ có giấy phép hành nghề.

Đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Hoa Kỳ có thể là một quá trình phức tạp. Vì vậy doanh nghiệp nên tìm kiếm tư vấn pháp lý trước khi tiến hành.

Việc đăng ký nhãn hiệu thương mại với USPTO sẽ giúp cơ quan chức năng Hoa Kỳ ngăn chặn hàng giả và hàng lậu được nhập khẩu vào Mỹ. Điều này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, chống lại các vi phạm nhãn hàng của doanh nghiệp có thể nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Nhãn hiệu thương mại không có giới hạn về mặt thời gian. Tuy nhiên để duy trì việc đăng ký với USPTO, Chủ sở hữu thương hiệu phải nộp "Tuyên bố sử dụng – Declaration of Use" giữa năm thứ năm và năm thứ sáu sau khi đăng ký, chứng thực việc tiếp tục sử dụng hoặc không sử dụng nhãn hiệu trên. Doanh nghiệp trong thời hạn 10 năm phải nộp bổ sung thêm đơn gia hạn và cứ sau 10 năm, doanh nghiệp phải gia hạn một lần để nhãn hiệu thương mại được đăng ký bảo hộ với USPTO.

Thực thi bảo hộ nhãn hiệu thương mại tại Hoa Kỳ
Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại của chính mình, cho dù các cơ quan chính phủ có thể giúp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp để ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm. Doanh nghiệp nên chủ động theo dõi để phát hiện bất kỳ việc sử dụng trái phép thương hiệu. Nếu doanh nghiệp cho rằng một cá nhân hay một doanh nghiệp khác đã sử dụng trái phép thương hiệu của mình, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý trước khi liên hệ với bên vi phạm hoặc theo đuổi bất kỳ vụ kiện nào.

Luật sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu thương mại nói riêng ở Hoa Kỳ rất phức tạp và chỉ nên được sử dụng khi các phương pháp thực thi khác không thể ngăn chặn hành vi xâm phạm. Nếu việc kiện tụng là cần thiết, thì doanh nghiệp nên sử dụng một luật sư chuyên về luật nhãn hiệu thương mại.

Nếu đã được đăng ký, thì nhãn hiệu thương mại đó có thể được lưu hồ sơ tại CBP. CBP có thể sử dụng các quy trình thực thi để ngăn chặn ngừa việc nhập cảnh của hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung vào Hoa Kỳ. Đây là một biện pháp đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp.

Nếu phát hiện vi phạm, với sự giúp đỡ của một luật sư, doanh nghiệp có thể sử dụng một lá thư yêu cầu chấm dứt việc vi phạm. Việc này cảnh báo người vi phạm và yêu cầu họ dừng mọi hoạt động có thể gây ra vi phạm.

Ngoài ra còn có một số phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế có thể được sử dụng. Đó là các việc liên quan đến hòa giải hoặc dàn xếp và thường rẻ hơn và nhanh hơn so với kiện tụng.

Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các hiệp hội kinh doanh và các hiệp hội ngành nghề để đại diện cho doanh nghiệp trong bất kỳ tranh chấp liên quan đến việc sử dụng trái phép nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp mình.

Có nhiều phương thức doanh nghiệp có thể làm để bảo vệ nhãn hiệu thương mại của mình tại thị trường Hoa Kỳ:
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại tại Hoa Kỳ nếu doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa hoặc có ý định xuất khẩu hay kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ;

- Định kỳ kiểm tra sự tồn tại của nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp mình trong cơ sở dữ liệu của USPTO để có thể gia hạn hay làm những thủ tục cần thiết đúng hạn với Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu thương mại để nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp tiếp tục được đăng ký bảo hộ với USPTO;

- Thường xuyên kiểm tra để có thể phát hiện các hành vi sử dụng nhãn hiệu thương mại trái phép, tư vấn luật sư để có các biện pháp ứng phó thích hợp;

- Khi xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ, nếu chưa kịp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại hoặc thủ tục đăng ký chưa hoàn tất, doanh nghiệp nên kèm ký hiệu “TM” đối với nhãn hiệu hàng hóa và “SM” đối với dịch vụ. Biểu tượng “TM” thể hiện rằng doanh nghiệp của bạn có quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa này, nhãn hiệu đó được bảo vệ bởi thông luật nhưng chưa có đăng ký với liên bang (với USPTO). Bằng cách thông báo này, doanh nghiệp có thể ngăn cản và hạn chế các đối thủ cạnh tranh sử dụng và sao chép trái phép nhãn hiệu thương mại của mình.

- Đối với các nhãn hiệu đã được đăng ký với USPTO, doanh nghiệp có thể sử dung biểu tượng kèm theo nhãn hiệu hàng hóa. Biểu tượng này là một cách tuyên bố nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp đã được đăng ký bảo hộ với USPTO. Việc này cũng làm giảm và ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sử dụng trái phép thương hiệu của doanh nghiệp bạn.

Các vấn đề tiềm ẩn và cách đối phó
Để bảo đảm rằng bạn có thể lường trước mọi vấn đề tiềm ẩn, doanh nghiệp cần có ý thức tự bảo vệ thương hiệu của mình bằng một số hình thức bảo vệ sau:

- Tư vấn chuyên gia về thương hiệu;
- Tham khảo các ấn phẩm và trang web về quyền và bảo vệ trí tuệ của Hoa Kỳ nói chung;
- Thực hiện đánh giá rủi ro và thường xuyên kiểm tra đối với bất kỳ tổ chức và cá nhân nào doanh nghiệp giao dịch. Trong lịch sử, đã có hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam bị chính các đối tác của mình tại Hoa Kỳ sử dụng trái phép thương hiệu và đăng ký trước với USPTO. Việc khiếu kiện tốn rất nhiều thời gian và tiền của, mà vẫn không lấy lại được thương hiệu hoặc phải trả một số tiền lớn cho chính bên sử dụng trái phép để mua lại thương hiệu của chính doanh nghiệp mình;
- Nhận lời khuyên chuyên nghiệp từ các chuyên gia khác, như luật sư, các cơ quan ngoại giao địa phương, các hiệp hội và các tổ chức thương mại của Việt Nam, cục sở hữu trí tuệ Việt Nam,…
- Trao đổi và học hỏi kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác đã thực hiện giao dịch tương tự ở Hoa Kỳ;
- Tham khảo ý kiến các đại lý, nhà phân phối về cách tốt nhất để bảo vệ thương hiệu của bạn;
- Kiểm tra với luật sư để xem liệu nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp mình đã có đăng ký trước đó ở Hoa Kỳ chưa.
Hãy đăng ký ngay bảo hộ nhãn hiệu thương mại tại Hoa Kỳ.

X.B

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41842402-huong-dan-bao-ve-nhan-hieu-tai-hoa-ky.html